Mạng xã hội và cuộc chiến với truyền hình

26/04/2016 11:14

Mạng xã hội tiếp tục củng cố vị thế loại hình truyền thông “Vua” của mình bằng việc tung ra dịch vụ mới mang tên “phát sóng trực tiếp” (live video hay live streaming).

Dịch vụ mới này đang được xem là vũ khí “hữu dụng” để Facebook, Twitter có thêm người dùng và lấn lướt truyền hình truyền thống.

“Truyền hình trực tiếp” trên mạng xã hội

Live Video là tính năng của Facebook, giúp người dùng có thể quay và phát trực tiếp lên Facebook để bạn bè cùng theo dõi. Tính năng này đã được ra mắt cách đây vài tháng nhưng chỉ hạn chế dành cho người nổi tiếng hoặc các Page giới hạn. Tính năng Live Video của Facebook cho phép người dùng bắt đầu phát sóng trực tiếp video quay lại môi trường xung quanh ngay trong thời gian thực lên Facebook. Live video còn hỗ trợ chèn thêm mô tả ngắn gọn và gửi video cho nhiều người cùng lúc, hoặc có thể giới hạn bạn bè có thể xem video.

Ngoài ra trong quá trình stream video người dùng còn có thể thấy được bao nhiêu người đang xem video của mình và đọc được bình luận của những người khác về video của mình. Ngày 7/4/2016, Facebook tiếp tục “tu bổ” chức năng này với một vị trí nổi bật trên giao diện ứng dụng di động của mình, thay thế vị trí của biểu tượng Messenger (nhắn tin) trước đó. Facebook tổ chức hẳn một trang quy tụ những nội dung phát sóng trực tiếp hấp dẫn, bản đồ phát sóng trực tiếp ở 60 quốc gia… Cập nhật mới, Facebook áp dụng thêm Live cho Nhóm (Groups) hay Sự kiện (Events).

Theo đó, người dùng Facebook có thể phát sóng video trực tiếp cho một Nhóm hoặc Sự kiện họ chọn. Tuy nhiên hiện nay Facebook vẫn đang giới hạn video phát sóng trực tiếp trong thời gian không quá 30 phút và mới chỉ hỗ trợ cho người dùng trên nền tảng iOS, chưa hỗ trợ cho người dùng nền tảng Android. Mạng xã hội đối thủ Twitter cũng tỏ ra không kém cạnh. Ngày 6/4, truyền thông ồ ạt đưa tin Twitter giành quyền phát sóng trực tiếp 10 trận của giải bóng bầu dục nhà nghề Mỹ (NFL) với giá 10 triệu USD.

Toàn bộ thời lượng trận đấu sẽ được phát trên Twitter để người dùng có thể vừa theo dõi, vừa bình luận. Theo đánh giá của giới quan sát, đây là thắng lợi lớn của Twitter, mở đường cho việc phát sóng nhiều hơn những chương trình truyền hình, các giải đấu hấp dẫn khác. Bằng cách phát sóng trực tiếp những sự kiện lớn, Twitter sẽ có thêm người dùng và cạnh tranh tốt hơn với các đối thủ mạng xã hội khác.

Thách thức lớn truyền hình

Việc hai mạng xã hội hàng đầu tung ra dịch vụ Video trực tiếp (Live video) được giới công nghệ nhận định là một thách thức lớn chưa từng có của mạng xã hội với giới truyền hình. Theo nghiên cứu của chính Facebook, một video phát trực tiếp sẽ có lượng xem gấp ba lần so với video thông thường vì “ngày càng nhiều người chọn xem và chia sẻ video trực tiếp trên Facebook vì nó mang tính cá nhân, tức thời và xác thực”. “Thật tuyệt vời khi video trực tiếp trở thành một kênh tin tức hai chiều. Người xem không còn tiếp nhận thụ động nữa”, Karunamurthy, cựu kỹ sư của Youtube và hiện là CEO của NOM, cho biết.

Theo ông, người xem có thể tương tác, chia sẻ ngay (với nguồn phát) và trở thành một phần của quy trình tin tức. Đặc điểm này vượt trội hơn so với cách tiếp nhận thông tin thụ động hiện tại, giữa công chúng và báo chí – truyền hình. Có thể nói Facebook và Twitter đang tạo ra hàng tỉ “đài truyền hình” “phát sóng trực tiếp trực tuyến” mỗi ngày. Đơn cử như Facebook, với con số khoảng 1,6 tỉ người dùng thường xuyên mỗi tháng tính đến đầu năm 2016, Facebook đang trở thành “đài truyền hình” có lượng “phóng viên” lẫn lượng người xem lớn nhất thế giới.

Giờ đây bất kỳ công dân mạng xã hội nào cũng có thể trở thành “phóng viên nhà đài”, truyền tải “trực tiếp” một sự kiện hay bất kỳ nội dung gì mà họ thích, chia sẻ chúng với bè, người thân hay những người hâm mộ đăng ký theo dõi tài khoản của họ. Mỗi người dùng mạng xã hội có thể tự phát triển tài khoản cá nhân của mình thành một kênh truyền hình trực tuyến với nội dung video phát trực tiếp ngay tại thời điểm diễn ra sự kiện đến người xem.

Giới công nghệ đánh giá Facebook vượt qua đài truyền hình truyền thống khi đánh thẳng vào các “điểm khuyết” gồm: khả năng tương tác với nội dung đang phát sóng trực tiếp từ phía người xem, khả năng “trực tiếp” rộng rãi nên Facebook cũng thu về một lượng dữ liệu và thông tin khổng lồ, ở khắp mọi nơi, ở bất kỳ lúc nào, và với công cụ đơn giản nhất cũng có thể thực hiện: một chiếc smartphone và kết nối Internet.

Không đài truyền hình nào có thể thuê hàng triệu phóng viên, người quay phim đến khắp hang cùng ngõ hẻm ở mọi nơi trên thế giới, nhưng Facebook và Twitter thì có. Bên cạnh đó, tiềm năng thu hút lượng người xem khổng lồ, Facebook và Twitter quyến rũ các nhà quảng cáo chuyển từ mô hình truyền hình truyền thống sang truyền hình trực tuyến. Các mạng xã hội này đã chuẩn bị sẵn những công cụ hỗ trợ tích cực và tài nguyên giá trị cho các nhà quảng cáo thống kê và đo lường từ lượt xem, phản ứng và hành vi người xem với nội dung, bình luận của họ, đồng thời thông tin tài khoản cá nhân hay nhóm người xem.

Tuy nhiên, nhận định “video trực tiếp trên mạng xã hội sẽ giết chết báo chí truyền thống” có thể là một kết luận vội vã, thiếu căn cứ. Độc giả vẫn cần thông tin chất lượng, độ xác tín cao và nhận định nhiều chiều. Đây là những yếu tố mà những đoạn video trực tiếp, đôi khi vô thưởng vô phạt, trên Facebook hay Twitter không thể có được. Bên cạnh đó, sức ép có thể đến với chính đội ngũ những người làm báo, khi họ có trách nhiệm tận dụng công cụ mới để đưa tin.

Theo Congluan.vn

TIN LIÊN QUAN