Những đổi mới trên quê hương Tổng Bí thư Hà Huy Tập

22/04/2016 08:45

(Baonghean.vn) - Tổng Bí thư Hà Huy Tập thuộc thế hệ những người cộng sản đầu tiên, cốt cán của Đảng, tuy thời gian hoạt động cách mạng không dài, nhưng Hà Huy Tập đã sống một cuộc đời cách mạng sôi nổi và vinh quang; cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; để lại cho Đảng những bài học quý báu cả về lý luận và thực tiễn hoạt động cách mạng.

Tổng Bí thư Hà Huy Tập (1906-1941)
Tổng Bí thư Hà Huy Tập (1906-1941)

1- Quê hương cách mạng

Hà Tĩnh là một tỉnh phía Bắc Trung bộ, một vùng đất địa linh, nhân kiệt từng sinh ra nhiều ngựời con ưu tú làm rạng rỡ quê hương, đất nước. Có nhiều danh nhân nổi tiếng là người con Hà Tĩnh như: Đại thi hào Nguyễn Du; nhà thơ, nhà kinh tế tài ba Nguyễn Công Trứ; Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác; nhà sử học Phan Huy Chú. Nhiều nhà khoa học nổi tiếng như: Lê Văn Thiêm, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Đình Tứ; nhiều chiến sỹ cộng sản lỗi lạc như: Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, Hà Huy Tập - Tổng Bí thư của Đảng, Lý Tự Trọng - người đoàn viên Cộng sản đầu tiên...

Hà Tĩnh có truyền thống lịch sư, văn hóa lâu đời. Đó là truyền thống cần cù, kiên trì, chịu đựng gian khổ, hy sinh trong lao động sản xuất và chiến đấu; thông minh, sáng tạo, ham học hỏi, thời nào cũng có người đỗ đạt cao. Truyền thống yêu nước nông nàn, ý chí kiên cường, đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm; sống thủy chung, có nghĩa tình. Trải qua các thời kỳ lịch sử của cách mạng, nhân dân Hà Tĩnh có nhiều đóng góp xứng đáng vào truyền thống dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc. Riêng huyện Cẩm Xuyên - nơi sinh ra đồng chí Hà Huy Tập là một trong những địa phương của Hà Tĩnh có truyền thống hiếu học, có nhiều người đỗ đạt cao. Đảng bộ và nhân dân nơi đây luôn tự hào là quê hương của các phong trào cách mạng lón, của những lãnh tụ xuất sắc trong các cuộc khởi nghĩa chống Pháp nổi tiếng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, đặc biệt là Tổng Bí thư Hà Huy Tập.

2. Những đổi thay trên quê hương Tổng Bí thư Hà Huy Tập

Trong giai đoạn cách mạng 1930 -1945, các tầng lóp nhân dân Hà Tĩnh dưới sự lãnh đạo của Đảng đã hăng hái đấu tranh, góp phần quan trọng cùng cả nước giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Tiếp đó, trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Đảng bộ Hà Tĩnh lãnh đạo nhân dân chiến đấu kiên cường, góp phần cùng với cả nước đánh bại thực dân Pháp xâm lược.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 -1975, Hà Tĩnh là “hậu phương của tiền tuyến miền Nam và là tiền tuyến của hậu phương miền Bắc”. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ, quân và dân Hà Tĩnh đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vượt lên mọi khó khăn, cùng cả nước giành nhiều chiến công hiển hách.

Sự đóng góp và hy sinh của Hà Tĩnh đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là vô cùng to lớn. Riêng giai đoạn 1960 -1975, tỉnh Hà Tĩnh có 92.913 thanh niên lên đường nhập ngũ (chiếm 10% dân số của tỉnh lúc đó); có 334.128 lượt người đi dân công hỏa tuyến, 10.636 thanh niên xung phong; 13.024 người con thân yêu đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường. Có 164 đơn vị, 31 chiến sỹ là con em của Hà Tĩnh được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 1.853 Bà mẹ Việt Nam anh hùng...

Khu nhà thờ cố Tổng bí thư Hà Huy Tập tại xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên
Khu nhà thờ Tổng Bí thư Hà Huy Tập tại xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, đặc biệt là giai đoạn 2010-2015, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã nỗ lực vươn lên giành được nhiều kết quả toàn diện và nổi bật trên các lĩnh vực:

Trên lĩnh vực kinh tế: Kinh tế liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt trên 18%; cơ cấu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp; tái cơ cấu nền kinh tế được triển khai tích cực. Năm 2015, GRDP bình quân đầu người đạt trên 44 triệu đồng/người/năm.

Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch được triển khai đồng bộ, có hiệu quả, có quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 với 8 cụm ngành chủ yếu có lợi thế cạnh tranh cao đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; huy động đa dạng các nguồn lực ưu tiên cho đầu tư phát triển, giai đoạn 2011-2015 đạt 287.000 tỷ đồng, tăng hơn 10 lần so với giai đoạn 2006-2010.

Nông nghiệp, nông thôn phát triển khá toàn diện: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả, được Trung ưong đánh giá là điểm sáng của cả nước, được Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. Đến cuối năm 2015, Hà Tĩnh có 52 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm gần 23% tổng số xã; không còn xã dưới 8 tiêu chí.

Tỉnh đã xây dựng và phát triển hơn 10.000 mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Công nghiệp có bước phát triển đột phá cả về quy mô và năng lực sản xuất. Tiểu thủ công nghiệp được tập trung đầu tư. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng bình quân giai đoạn 2011- 2015 tăng 38,3%. Đến nay, toàn tỉnh có 2 khu kinh tế; 19 khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thu hút 426 dự án đầu tư trong và ngoài nước, với tổng số vốn đăng ký trên 40 nghìn tỷ đồng và 20 tỷ USD.

Hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ, xuất, nhập khẩu tiếp tục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội. Hoạt động tài chính, tín dụng, ngân hàng cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động đối ngoại ngày càng mở rộng, phát triển, thu hút đầu tư nước ngoài đạt kết quả cao. Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được tăng cường.

Trên lĩnh vực văn hoá - xã hội: Các hoạt động văn hóa, thể thao đạt được những kết quả tích cực: Dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Đại Thi hào Nguyễn Du được UNESCO vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới. Chất lượng giáo dục - đào tạo tiếp tục được nâng lên.

Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân có nhiều tiến bộ. Công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo và thực hiện các chính sách an sinh xã hội được tập trung chỉ đạo, đạt kết quả thiết thực. Lĩnh vực thông tin, truyền thông được quan tâm chỉ đạo, đầu tư, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị và nhu cầu của nhân dân. Hoạt động khoa học - công nghệ được triển khai sâu rộng, có hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp...

Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh và công tác cải cách tư pháp: Quốc phòng - an ninh được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác quản lý nhà nước về lao động, người nước ngoài, nhất là ở các khu kinh tế, khu công nghiệp, vùng biên giới được tăng cường. Cải cách tư pháp được đẩy mạnh. Thực hiện tốt chính sách tôn giáo, dân tộc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân và ổn định tình hình chính trị trên địa bàn.

 Một góc thị trấn Cẩm Xuyên- quê hương của đồng chí Hà Huy Tập
Một góc thị trấn Cẩm Xuyên- quê hương của đồng chí Hà Huy Tập

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị: Công tác chính trị tư tưởng được chú trọng, nâng cao nhận thức, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội. Triển khai kịp thời, có hiệu quả việc quán triệt, học tập các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh. Công tác tổ chức, cán bộ ngày càng đổi mới và nâng cao chất lượng. Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng được tăng cường. Công tác vận động quần chúng ngày càng thiết thực, hướng mạnh về cơ sở, công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng ngày càng đi vào chiều sâu...

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”đạt kết quả quan trọng. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được đẩy mạnh, với nhiều cách làm sáng tạo, đã xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến học tập và làm theo lời Bác dạy trên tất cả các lĩnh vực, các địa bàn.

Công tác cải cách hành chính: Hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền các cấp đổi mới; cải cách hành chính được đẩy mạnh; kỷ luật, kỷ cương được tăng cường. Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương cắt giảm 1/3 thành phần hồ sơ, 1/2 thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục cho doanh nghiệp và người dân. Thực hiện tốt ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành; cung cấp 100% dịch vụ hành chính công trên cổng thông tin điện tử và 100% các sở, ngành, địa phương triển khai ứng dụng phần mềm quản lý văn bản điện tử trong điều hành tác nghiệp.

Kết quả to lớn mà Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đạt được trong những năm qua là tiền đề, động lực quan trọng để Hà Tĩnh tiếp tục phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hiện đại.

Thái Bình

TIN LIÊN QUAN