Sơn nữ 9X cầm đầu đường dây buôn bán trẻ em sang Trung Quốc
(Baonghean.vn) - Vi Thị Loan trông giống một nữ sinh cấp 3 hơn là 1 bị cáo đứng trước vành móng ngựa khi bận một chiếc sơ mi trắng, quần bò, dép quai hậu. Vì lòng tham, người mẹ 1 con này đang tâm lợi dụng sự ngây thơ, non nớt của 1 cô bé 15 tuổi để kiếm tiền bất chính.
Công bằng mà nói, Loan SN 1992 (trú tại xã Cam Lâm, Con Cuông) khá xinh xắn và biết cách ăn mặc để tôn thân hình gọn gàng, cân đối và nước da trắng hồng. Sinh ra và lớn lên ở xã nghèo của huyện miền núi nhưng thời gian lưu lạc ở Trung Quốc đã “gột rửa” hết những nét mộc mạc của cô sơn nữ này.
Chỉ học đến lớp 9 rồi nghỉ, ở quê không có việc làm, Vi Thị Loan theo bạn bè vượt biên sang Trung Quốc tìm kiếm vận may. Loan bảo sang đó đi làm công nhân nhưng công việc nặng nhọc, thu nhập lại thấp nên cô không mặn mà gắn bó. Trong thời gian ở Trung Quốc, Loan quen biết người phụ nữ tên Hiền (không xác định được danh tính cụ thể).
Hai người thường xuyên chuyện trò, tâm sự trên Zalo. Chán “miền đất hứa”, Loan bỏ về quê lấy chồng. Chồng Loan người ở bản Văng Môn, Yên Hòa, Tương Dương. Tại quê chồng, Loan nhanh chóng làm quen và thân thiết với Vi Thị Nhung (SN 1987), trú cùng bản.
Vi Thị Loan tại phiên tòa |
Lấy chồng, Loan vẫn duy trì thói quen lên mạng Zalo tán gẫu với Hiền. Một lần Hiền bảo Loan xem có cô gái nào xinh xắn thì tìm cách đưa sang Trung Quốc bán. Hiện bên này người ta đang mua những cô gái trẻ để làm vợ với giá rất cao, lên tới hàng trăm triệu đồng. Loan mang chuyện này tâm sự với Nhung và nhờ Nhung chú ý xem có cô gái nào có ý định đi Trung Quốc để Loan “giúp”.
Một hôm Nhung gọi điện thông báo có bé La Thị Miên (tên nạn nhân đã được thay đổi – PV) trú tại xã Xá Lượng, Tương Dương đang giận bố mẹ và có ý định sang Trung Quốc lấy chồng. Miên là em họ của Xeo Văn Thông (SN 1992, trú cùng bản với Nhung). Thông đã nhờ Kha Văn Nguyền (SN 1967, phó bản Văng Môn kiêm công an viên của bản này) đưa Miên đi Trung Quốc với điều kiện phải trả cho Thông 130 triệu đồng. Nguyền thông báo với Nhung.
Sau khi xem mặt Miên, Nhung đồng ý với mức giá mà Thông yêu cầu. Nhung chụp ảnh Miên gửi cho Loan. Loan “thẩm định” rồi ra giá 100 triệu đồng, đồng thời hứa sẽ trả cho Nhung và Nguyền mỗi người 10 triệu đồng tiền công. Thông đồng ý bán em họ với giá 100 triệu đồng.
Ngày 15/6/2015, Vi Thị Loan đưa cháu Miên xuống Tp. Vinh rồi bắt xe ra Móng Cái (Quảng Ninh) trước khi vượt biên bằng đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Loan giao cháu Miên cho Hiền. Hiền bán Miên cho một người đàn ông Trung Quốc với giá 7 vạn nhân nhân tệ (khoảng gần 300 triệu đồng), chia cho Loan một nửa.
Bán được Miên, Loan nhanh chóng trở về Việt Nam mà không ngờ chỉ sau đó hơn 10 ngày Miên được Công an Trung Quốc giải cứu và trao trả về Việt Nam. Tại thời điểm bị bán sang Trung Quốc, La Thị Miên mới được 15 tuổi, 9 tháng, 4 ngày. Ngay khi về Việt Nam, Miên viết đơn tố cáo Loan, Thông, Nhung và Nguyền đến cơ quan công an. Loan và đồng bọn bị bắt giữ sau đó. Do đang nuôi con nhỏ nên Loan được tại ngoại chờ xét xử.
Trong phiên tòa, trong khi các bị cáo khác khai báo thành khẩn, tỏ ra ăn năn thì Loan vẫn dửng dưng trả lời những câu hỏi của Chủ tọa phiên tòa. Sau khi “thương vụ” mua bán này thành công, Loan không trả tiền cho Thông, Nhung và Nguyền như đã thỏa thuận trước đó. “Miên bỏ trốn, người ta đến đòi tiền Hiền. Hiền bắt bị cáo trả lại tiền nếu không sẽ báo cảnh sát. Bị cáo sợ nên đã trả lại tiền cho Hiền”, Loan giải thích.
Tuy nhiên, lí giải của Loan không thuyết phục được HĐXX. Chủ tọa phiên tòa cho rằng không có bằng chứng thể hiện Loan đã trả lại tiền cho Hiền, cũng có thể bị cáo đã giữ lại số tiền đó để tiêu xài cá nhân. “Bị cáo có biết hành vi mua bán trẻ em là vi phạm pháp luật không?” – Chủ tọa hỏi. Loan đáp “có”. “Có biết sao bị cáo còn bán cháu Miên sang Trung Quốc?” – Chủ tọa hỏi tiếp. Loan im lặng không trả lời. Thậm chí bị cáo này còn từ chối lời nói sau cùng trước khi HĐXX vào nghị án. Trong quá trình điều tra, Vi Thị Loan khai nhận thực hiện thêm 2 vụ mua bán người khác nữa nhưng tại phiên xét xử, Loan phủ nhận những điều này.
Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho bị hại cho biết, sau khi được giải cứu và trao trả về Việt Nam, La Thị Miên bị chấn thương tâm lý nghiêm trọng. Hiện em đang được điều trị tâm lý tại một trung tâm hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của bọn buôn người. “May mắn là bị hại không bị mắc các bệnh truyền nhiễm mà các nạn nhân bị bán sang Trung Quốc thường mắc phải. Hiện em đang được điều trị tâm lý nhưng cuộc sống trước mắt còn đang rất khó khăn. Các bị cáo đã lợi dụng sự ngây thơ, cả tin và không hiểu biết pháp luật của cô bé để cấu kết với nhau để kiếm tiền bất chính”. Nghe vị luật sư luận tội, Loan chỉ im lặng.
HĐXX nhận định, Loan là người trực tiếp đưa nạn nhân sang Trung Quốc để bán cho đối tượng Hiền vì vậy, Loan là người phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án. Hành vi của Loan và đồng bọn là rất nguy hiểm, xâm phạm quyền được chăm sóc, bảo vệ của trẻ em, gây dư luận xấu, gây mất ổn định tình hình an ninh trật tự… cần phải cách li bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian đủ dài để thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. Xem xét các tình tiết, HĐXX tuyên phạt Vi Thị Loan 10 năm tù. 3 bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 4 đến 6 năm tù. Ngoài ra, Loan và đồng bọn phải bồi thường cho nạn nhân mỗi người 15 triệu đồng.
Rời phòng xét xử với bản án 10 năm tù, Vi Thị Loan không mảy may bộc lộ một chút cảm xúc nào. Dường như, cô Sơn nữ này, 10 năm tuổi thanh xuân ấy chẳng có mấy ý nghĩa?
Như Bình
TIN LIÊN QUAN