'Canh bạc' cuối của Tổng thống Pháp Hollande

12/05/2016 07:09

(Baonghean) - Không cần Quốc hội thông qua, Chính phủ Pháp đã quyết định sử dụng một sắc lệnh để ban hành dự luật lao động gây tranh cãi tại nước này. Đây được coi là một bước đi quyết đoán của Tổng thống Pháp Francois Hollande và Chính phủ, nhưng đồng thời đặt ra nguy cơ Chính phủ sẽ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm, còn bản thân ông Hollande khó có thể tranh cử cho nhiệm kỳ Tổng thống tiếp theo.

Thủ tướng Manual Valls thông báo quyết định ban hành dự luật mà không thông qua Quốc hội. Ảnh:Reuters.
Thủ tướng Manual Valls thông báo quyết định ban hành dự luật mà không thông qua Quốc hội. Ảnh:Reuters.

“Phớt lờ” Quốc hội

Chính phủ Pháp đã vận dụng điều 49.3 của Hiến pháp, cho phép ban hành một đạo luật và “bỏ qua” Quốc hội. Theo đó, Tổng thống Pháp có thể ký ban hành dự luật trên mà không cần chờ Quốc hội thông qua.

Động thái “đi tắt” của Chính phủ Pháp nhằm vượt qua sự phản đối rầm rộ hiện nay trong công chúng Pháp đối với dự luật lao động - được xem là một trong những cải cách quan trọng nhất trong nhiệm kỳ 4 năm của Tổng thống Pháp Francois Hollande.

Bước đi này cho thấy Tổng thống Hollande đã thực hiện đúng tuyên bố của mình trước đây là chính quyền sẽ không rút lại dự luật lao động mới bất chấp sức ép từ những cuộc biểu tình mạnh mẽ khắp nước Pháp thời gian qua.

Dự luật lao động mới của Pháp do Bộ trưởng Lao động Myriam El Khomri chủ trì soạn thảo. Dự luật có những điều khoản như cho phép chủ sử dụng lao động sa thải nhân công nếu buộc phải tái cơ cấu để cứu doanh nghiệp; đưa ra hạn mức tiền bồi thường tối đa cho người lao động tương đương 15 tháng lương dù họ làm việc tại công ty tới 20 năm; mở rộng giới hạn làm việc lên 46 giờ/tuần từ mức 35 giờ/tuần hiện nay dựa trên nguyên tắc đồng thuận giữa chủ doanh nghiệp và người lao động; đề xuất tăng thuế đối với các hợp đồng ngắn hạn để khuyến khích các tổ chức và doanh nghiệp thuê lao động dài hạn…

Ngay sau khi được đưa ra ngày 18/2, dự luật lao động mới đã gây ra phản ứng mạnh trong dân chúng. Hàng loạt cuộc biểu tình đã diễn ra trên khắp nước Pháp, đỉnh điểm là cuộc biểu tình ngày 31/3 khi 390.000 người đổ xuống đường dẫn tới nhiều cuộc đụng độ bạo lực.

Sau sự kiện này, chính phủ Pháp đã phải nhượng bộ khi đưa ra một số sửa đổi, bao gồm việc bỏ quy định về mức tiền bồi thường tối đa khi sa thải người lao động. Tuy nhiên những sửa đổi này vẫn không đáp ứng được mong mỏi các tổ chức công đoàn, dẫn đến cuộc biểu tình lớn cuối tháng 4 vừa qua - cuộc biểu tình thu hút tới 170.000 người và sau đó biến thành bạo động.

Người dân Pháp biểu tình phản đối quyết định của Chính phủ tại Toulouse. Ảnh: Getty.
Người dân Pháp biểu tình phản đối quyết định của Chính phủ tại Toulouse. Ảnh: Getty.

Lợi ích ngắn hạn mâu thuẫn mục tiêu dài hạn

Sự phản ứng mạnh mẽ của công chúng Pháp xuất phát từ việc những những tác động của dự luật lao động mới được nhìn nhận từ hai hướng ngược nhau. Tổng thống Pháp Francois Hollande cho rằng việc nới lỏng luật lao động cứng nhắc trước đây sẽ “cởi trói” cho doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp tuyển dụng người lao động. Từ đó giúp nước Pháp giảm tỷ lệ thất nghiệp đang gia tăng nhanh chóng trong vòng 2 năm qua (hiện tại đang ở mức 10,6%).

Trong khi đó, các tổ chức công đoàn lại cho rằng những quy định trong dự luật quá khắt khe đối với người lao động. Đây là phản ứng dễ hiểu khi nước Pháp là một trong những quốc gia có chế độ an sinh và việc làm ở mức cao trong Liên minh châu Âu.

Một khúc mắc nữa đối với dự luật lao động là việc khuyến khích tổ chức và doanh nghiệp thuê người theo hợp đồng dài hạn. Phía chính phủ cho rằng việc thuê người theo hợp đồng dài hạn sẽ tạo sự ổn định cho người lao động.

Tuy nhiên, giới trẻ Pháp lại cho rằng chưa biết hiệu quả về dài hạn ra sao, quy định này trước mắt sẽ đẩy thanh niên vào tình cảnh ngày càng bấp bênh. Lý do là hiện nay, giới trẻ là đối tượng mà các doanh nghiệp thường ký hợp đồng ngắn hạn, và với giới trẻ, việc ký được hợp đồng đầu tiên là “cửa ải” lớn nhất khi bước vào thị trường lao động - bất kể ngắn hạn hay dài hạn.

Cần phải nhắc lại rằng, tại Pháp 25% thanh niên trong độ tuổi 18-24 không có việc làm - cao gấp đôi so với mức trung bình trên toàn quốc. Đó là lý do mà thanh niên luôn chiếm lực lượng hết sức đông đảo trong các cuộc biểu tình phản đối chính phủ trong suốt thời gian qua.

Tổng thống Francois Hollande và Thủ tướng Manuel Valls sau khi công bố quyết định của Chính phủ. Ảnh:AFP.
Tổng thống Francois Hollande và Thủ tướng Manuel Valls sau khi công bố quyết định của Chính phủ. Ảnh:AFP.

“Canh bạc” của Tổng thống Hollande

Sau khi chính phủ quyết định ban hành dự luật lao động mới mà không thông qua Quốc hội, hàng trăm người biểu tình đã tập trung bên ngoài tòa nhà Quốc hội để phản đối hành động này. Họ yêu cầu Chính phủ rút lại dự luật, đồng thời kêu gọi Tổng thống Hollande từ chức.

Các chuyên gia dự báo đây mới chỉ là khởi đầu cho một làn sóng phản đối mạnh mẽ sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian sắp tới. Thế nhưng Chính phủ Pháp vẫn quyết tâm duy trì tham vọng tiến hành cuộc “cải cách triệt để”, coi việc sửa đổi Luật lao động như một “biện pháp tái cơ cấu” nhằm cải thiện thị trường việc làm.

Dư luận hiện đang chờ đợi Chính phủ Pháp và cá nhân Tổng thống Francois Hollande sẽ đối diện với sự giận dữ của công chúng như thế nào. Nếu nguy cơ với Chính phủ Pháp là một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào ngày hôm nay (12/5) do đã “phớt lờ” Quốc hội, thì nguy cơ với ông Francois Hollande là mất khả năng tranh cử nhiệm kỳ thứ 2.

Từ khi đắc cử Tổng thống, ông Hollande từng tuyên bố sẽ chỉ xem xét tái tranh cử vào năm 2017 nếu có thể làm đảo chiều tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp. Trong 4 năm dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Hollande, tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp không những không được cải thiện mà còn tăng cao hơn, đặc biệt là trong tầng lớp thanh niên.

Vậy liệu niềm hy vọng duy nhất còn lại hiện nay của ông Hollande là dự luật lao động mới có thể giúp ông thực hiện cam kết của mình trong khoảng thời gian ngắn ngủi từ nay đến tháng 2/2017? Liệu chính phủ Pháp có “đứt gánh giữa đường”? Đây thực sự là “canh bạc 50-50” đối với cá nhân Tổng thống Pháp Francois Hollande trong giai đoạn cuối của nhiệm kỳ.

Thúy Ngọc

TIN LIÊN QUAN