Kinh nghiệm chữa bệnh ngoài da từ sung

24/04/2016 20:56

Theo sách Cây cỏ Việt Nam thì chi Ficus có khoảng 65 loài sung, trong đó khoảng 10 loài cho quả to và ngọt khi chín và ăn được.

Theo sách Cây cỏ Việt Nam thì chi Ficus có khoảng 65 loài sung, trong đó khoảng 10 loài cho quả to và ngọt khi chín và ăn được. Ở nước ta mọi người hay biết đến là loại sung chùm (tên khoa học Ficus racemosa L).

Quả sung là quả giả chúng mọc thành chùm ở thân hoặc cành già, khi chín có màu đỏ, vị ngọt. Quả non hơi chát và nhiều nhựa. Ngoài trái chín ăn ngọt, trái non để ăn tươi hoặc muối chua. Lá non dùng làm rau ăn kèm với nem thính hoặc gỏi,... Ngoài ra, trong ngày Tết nhân dân ta còn dùng các chùm quả này bày trên mâm ngũ quả với ý nghĩa cầu cho “sung túc”.

Theo Đông y, quả sung có tính bình, vị ngọt, có tác dụng tiêu thũng, giải độc, có thể sử dụng chữa viêm, mụn nhọt, mẩn ngứa... Lá sung có vị ngọt, hơi đắng, tính bình, có tác dụng giải độc, tiêu thũng, có thể dùng chữa trị sưng thũng, lở loét ngoài da...

Lá sung hỗ trợ trị bệnh zona

Sau đây là một số bài thuốc trị bệnh ngoài da từ sung

Thủy đậu: Dùng lá sung tươi 100 - 150g, sắc lấy nước, dùng tăm bông tẩm nước thuốc, bôi lên nốt đậu, ngày 3-5 lần. Hoặc lấy một mảng vỏ sung cỡ 2 bàn tay, cạo bỏ lớp vỏ cứng bên ngoài, đập giập cho vào nồi nấu, chờ nước đỡ nóng (còn âm ấm) thì tắm. Nói chung, sau 3-5 ngày là có kết quả. Nhiều người đã ứng dụng thấy kết quả tốt.

Chữa zona: lá sung rửa sạch, hong khô, cắt nhỏ, thêm chút giấm ăn, giã nhuyễn, đắp vào chỗ bị bệnh, thuốc khô lại thay.

Mụn nhọt: đang thời kỳ sưng đỏ, nung mủ. Băm thân cây sung, hứng lấy một chén con nhựa, bôi trực tiếp vào chỗ đau, sưng đỏ đến đâu bôi đến đó, bôi liên tục nhiều lần trong ngày. Hoặc có thể trộn nhựa sung với lá non, giã nát rồi đắp lên chỗ đau. Khi mụn đã có mủ, muốn lấy ngòi ra thì giã thêm một củ hành với nhựa và lá sung rồi đắp như trên, để hở miệng.

Chữa sưng đau tuyến vú dùng như trên để đắp đắp, để hở phần núm vú.

Trị bỏng: lá vú sung phơi khô, sao vàng, tán bột mịn, trộn đều với mỡ lợn, bôi vào nơi bị bỏng nhẹ độ 1,2 sẽ đỡ đau rát. Ngày bôi nhiều lần.

Trên mặt nổi mụn: dùng lá sung tật (có u) nấu nước nóng xông rửa mặt hàng ngày.

Trẻ em ghẻ lở: lá sung non giã nhỏ xát vào, bong vẩy là được.

Chú ý: Phân biệt loài sung chum với sung Tây Á còn gọi sung trái (tên khoa học Ficus carica L). Đây là cây du nhập trồng nhiều ở Nha Trang, chịu khô hạn. Cây cao 2-5m, lá có nhiều lông, to, dài 1-3 tấc xẻ thùy tròn trông hơi giống lá đu đủ. Trái to, tròn hay hình trứng, nạc khi chín rất ngọt. Thường dùng để ăn tươi như nho, phơi khô hay làm mứt như chà là. Mủ (nhựa) sung này trị mụn cóc, chàm bằng cách lấy nhựa sung bôi trực tiếp vào mụn cơm, ngày bôi 2 lần. Thông thường, sau 5-6 ngày là mụn rụng. Trường hợp chưa khỏi có thể tiếp tục bôi tới khi khỏi hẳn.

Tuy nhiên, lá sung này có lông nên gây ngứa da cần chú ý không dùng./.



Theo VOV

TIN LIÊN QUAN