Bí kíp giảm nghèo ở Con Cuông

13/04/2016 09:32

(Baonghean) - Liên tục trong những năm trở lại đây, huyện Con Cuông luôn dẫn đầu toàn tỉnh về công tác giảm nghèo. Ngược lên mảnh đất này, gặp nhiều hộ gia đình người Kinh, người Thái, người Đan Lai… kể lại chuyện tự nguyện viết đơn xin rút tên ra khỏi danh sách hộ nghèo;

Dày lên những lá đơn xin thoát nghèo…

Từ năm 2012, huyện Con Cuông đã xuất hiện những gia đình viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Đó là 15 gia đình các ông, bà: Vi Văn Thoại, Lương Văn Châu, Vi Văn Hùng, Lô Thị Hương, Lô Thị Thủy, Lô Quốc Hùng, Lô Văn Điệp, Lô Doãn Xô, Vi Thị Hường, Vi Thị Phương, Lưu Đình Ấn, Lưu Đình Thợi, Lưu Đình Ngà, Lô Xuân Diện, Lữ Thị Toán ở xã Thạch Ngàn. Trong đó, gia đình cụ Lưu Đình Ấn (69 tuổi), bản Thạch Tiến là người đi tiên phong.

Những lá đơn tự nguyện thoát nghèo.
Những lá đơn tự nguyện thoát nghèo.

Gia đình cụ Ấn được người dân thôn bản bầu chọn hộ nghèo cuối năm 2011, đến tháng 6/2012 thì xin rút. Với cụ Ấn, là đảng viên, nhận hộ nghèo thì thấy thật day dứt, không phải với lương tâm; dù rằng tiêu chuẩn hộ nghèo cũng bắt nguồn từ nghĩa tình tương thân, tương ái của dân bản dành cho khi cụ bị u bàng quang vào năm 2011. Vì vậy, được hưởng tiêu chuẩn hộ nghèo 1 năm, khi đã qua cơn nguy kịch, cụ báo cáo với chi bộ, dân bản và làm đơn rút tên khỏi danh sách hộ nghèo".

Cụ Ấn tâm sự: "Về việc viết đơn, là bởi tôi còn muốn làm gương cho con cháu. Đừng trông chờ, ỷ lại, hãy vươn lên bằng sự nỗ lực của bản thân. Sau khi tôi làm đơn, đã có thêm một số gia đình xin rút khỏi danh sách hộ nghèo...".

Với chị Lô Thị Hương (50 tuổi), cuối năm 2011, còn là hộ nghèo nhất bản Đồng Tâm. Vậy nhưng đến ngày 7/11/2012, chị viết đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo. Chị viết: "…Với sự giúp đỡ của thôn bản, nhất là của chi hội phụ nữ thôn, đời sống kinh tế của gia đình tôi đã khá hơn. Nay tôi viết đơn này kính gửi cấp trên cho gia đình tôi rút ra khỏi danh sách hộ nghèo...".

Với 4 sào ruộng, mỗi năm được khoảng 2 tấn thóc; chị Hương chăn nuôi lợn, mỗi năm xuất chuồng khoảng 1,2 tấn lợn thịt, thu lãi được từ 25 - 30 triệu đồng. Chị Hương nói: "Nhìn lên mình chẳng bằng ai, nhưng nhìn xuống thì còn nhiều người vất vả hơn mình. Phải xin rút để dành suất cho người khác...".

Cũng ở Thạch Ngàn, cuối năm 2013 đã có một hộ gia đình đồng bào Đan Lai xin ra khỏi hộ nghèo. Đó là là gia đình ông La Đình Thám ở bản Thạch Sơn. Lý do như ông Thám nói vì xét thấy "có điều kiện hơn đồng bào trong bản" nên bàn với vợ là bà Nguyễn Thị Hương làm đơn; dù biết ra khỏi hộ nghèo sẽ thiệt thòi quyền lợi.

Cán bộ khuyến nông, khuyến công phối hợp với xã Yên Khê và Công ty phân bón hướng dẫn dân chăm sóc cây cam – loại cây đem lại nguồn kinh tế cao cho người dân
Cán bộ khuyến nông, khuyến công phối hợp với xã Yên Khê và Công ty phân bón hướng dẫn dân chăm sóc cây cam – loại cây đem lại nguồn kinh tế cao cho người dân

Còn nhiều địa phương ở Con Cuông như Môn Sơn, Lục Dạ, Yên Khê, Bồng Khê, Châu Khê, Lạng Khê, Chi Khê, Mậu Đức… có những gia đình đồng bào Kinh, Thái, Đan Lai làm đơn ra khỏi hộ nghèo.

Ông Vi Văn Đậu – Chủ tịch UBND xã Yên Khê cho biết, năm 2015, Yên Khê có tới 217 gia đình tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Xã đã báo cáo lên huyện, sau đó Phòng LĐ-TB&XH đã tổ chức soát xét cẩn thận theo tiêu chí và chốt lại, đưa ra khỏi hộ nghèo 133 gia đình. Cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo ở Yên Khê là 25,89%; đến giữa năm 2015, giảm còn 18,2%, đến hết năm 2015, xuống còn 9,98%.

Có thể nói, việc cùng một thời điểm, cùng một địa bàn mà có hàng trăm người viết đơn tình nguyện ra khỏi hộ nghèo xứng đáng là một kỷ lục. Nhưng vui hơn khi khảo sát một số gia đình đã ra khỏi hộ nghèo ở Yên Khê, thì thấy ai cũng xác định việc ra khỏi hộ nghèo là đúng đắn, và phấn khởi trao đổi rằng qua đó họ cũng “góp một phần nhỏ để xã nhà cán đích nông thôn mới…”.

Nỗ lực vì hướng đi bền vững

Tìm hiểu được biết, năm 2015 vừa qua, trong khi ở một số huyện bạn, tỷ lệ giảm nghèo chững lại, thì Con Cuông vẫn giảm được 5,84% (từ 36,53 trong năm 2014 xuống còn 30,69%).

Hỏi vui Chủ tịch UBND huyện Vi Văn Sơn đâu là “bí kíp” để Con Cuông “bình ổn” tỷ lệ giảm nghèo? Anh trao đổi: “Tôi nghĩ, chẳng cá nhân nào làm được. Đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên sự đồng lòng của toàn thể cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân…”.

Phát triển cây chè là một mũi nhọn kinh tế của xã Yên Khê (Con Cuông).
Phát triển cây chè là một mũi nhọn kinh tế của xã Yên Khê (Con Cuông).

Thời gian qua, xét thấy trên địa bàn còn không ít gia đình cán bộ, đảng viên thuộc diện hộ nghèo. Huyện ủy, UBND huyện Con Cuông đều chung một quan điểm, cán bộ, đảng viên phải tiên phong đi đầu, gương mẫu trong mọi công tác, phấn đấu làm kinh tế giỏi và rút khỏi hộ nghèo để bà con nhân dân tin theo. Và đây là bước đi đầu tiên để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động toàn thể nhân dân đồng lòng thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

Huyện ủy, UBND huyện định hướng tập trung việc phát triển kinh tế, lấy kinh tế là xương sống trong chương trình giảm nghèo. Qua đó, đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình, đề án về khuyến nông - khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cán bộ, đảng viên, đội ngũ trí thức trẻ về cơ sở, trực tiếp cầm tay chỉ việc hướng dẫn các hộ nghèo phương thức làm ăn…

Tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Con Cuông. Đồ họa: Hữu Quân
Tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Con Cuông. Đồ họa: Hữu Quân

Dó đó, từ năm 2012 đến nay, rất nhiều những mô hình cây, con có chất lượng, năng suất cao được thực hiện có hiệu quả và nhân rộng trên đất Con Cuông như các giống cam, lúa, lạc phủ ni lông, giống cá, bò bản địa, vịt bầu Quỳ… và các loại rau màu.

Ông Lê Văn Hồng - Trưởng phòng LĐ-TB&XH Con Cuông nêu kinh nghiệm, từ những lá đơn xin thoát nghèo đầu tiên đã được nhân rộng ra, dấy lên thành một phong trào, góp phần đưa Con Cuông trở thành điểm sáng trong công tác giảm nghèo của tỉnh…

Rời vùng đất này đúng thời điểm vạn vật đang khoác lên mình một màu xanh mới mà lòng cứ mãi bâng khuâng. Phải chăng “bí kíp” giảm nghèo chính là sự đồng lòng, chung sức vì một mục tiêu tốt đẹp!

Hà Giang

TIN LIÊN QUAN