Cách góp 'bạc cắc' thành số tiền lớn
Nếu có cách tiết kiệm và đầu tư đúng hướng, thì từ số tiền nhỏ lẻ, bạn cũng có thể tích cóp được những khoản vốn lớn dành cho kinh doanh, buôn bán hoặc để phòng ngừa lúc ốm đau.
Mở tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng
Nhiều người chọn hình thức tiết kiệm gửi ngân hàng vì có lãi suất cố định và ít rủi ro. Đây cũng là một cách tiết kiệm đều đặn và an toàn.
Hoài Hân, nhân viên truyền thông một công ty tại quận 3, TP HCM tâm sự, trước đây các tháng lương nhận về, cô gần như tiêu hết và chẳng dư ra đồng nào. Gia đình ở xa, hơn nữa đã mang tiếng đi làm không nỡ mở miệng xin người thân nên Hân phải chạy vạy khắp nơi vay mượn. Sau bài học này, cô quyết tâm phải thực hành tiết kiệm.
Theo đó, Hân mở một tài khoản ngân hàng và dành khoảng 30% tiền lương mỗi tháng nộp vào đó. Những tháng sau, cô ra chỉ tiêu là tăng 5-10% số tiền tiết kiệm. Do đó, cô rất dè xẻn trong mua sắm.
Hân cho biết, tháng nào nhận lương là các đồng nghiệp của cô cũng rủ nhau đi mua sắm. Đôi khi nhìn thấy cũng rất thích, nhưng cô cố gắng không quan tâm về chuyện đó, và đặt việc tiết kiệm là mục đích quan trọng hàng đầu.
"Nhờ cách làm này mà sau 5 năm đi làm, tôi đã dành dụm được gần 400 triệu đồng (vừa gốc, cộng với lãi suất), Hân nói.
Có nhiều cách tiết kiệm hoặc đầu tư giúp bàn tích cóp số tiền nhỏ thành lớn. |
Đầu tư vào quỹ mở
Việt Nam đã xuất hiện loại hình quỹ mở, phù hợp tới nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, đặc biệt cho những ai có số vốn không nhiều. Ưu điểm chính của loại hình đầu tư này là sự linh hoạt về số tiền đầu tư ban đầu, đầu tư cho những lần tiếp theo và cả về thời gian đầu tư. Với những người có số vốn nhỏ, không am hiểu nhiều về đầu tư chứng khoán, đầu tư vào quỹ mở là một lựa chọn thiết thực. Nhà đầu tư vừa tận dụng được kinh nghiệm, năng lực đầu tư của các chuyên gia lại vừa được hưởng một doanh mục đầu tư đa dạng hóa.
Quỹ mở là nơi mà các nhà đầu tư có thể góp tiền chung với nhau để hình thành nên quỹ đầu tư vào các loại tài sản khác nhau như cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh... Để bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư, quỹ mở thường được quản lý bởi các công ty quản lý quỹ. Các nhà quản lý quỹ là những người có chuyên môn, kinh nghiệm đầu tư, có nguồn lực để chủ động mua, bán và theo dõi khoản đầu tư cho người góp tiền vào.
Ưu điểm chính của loại hình đầu tư này là sự linh hoạt về số tiền đầu tư ban đầu, chẳng hạn chỉ cần bỏ vào 5 triệu đồng và số tiền đầu tư cho những lần tiếp theo có thể là 1-2 triệu đồng.
Thanh Nam, làm việc tại một công ty ở quận 6, TP HCM cho biết, anh cũng thích đầu tư vào chứng khoán nhưng số tiền dư dôi không nhiều. Do đó, hàng tháng anh thường dành vài ba triệu triệu đồng để đầu tư vào một quỹ mở. Ạnh Nam đã đầu tư được 2 năm và thấy tăng trưởng giá trị ròng của quỹ này tốt, trên 9% mỗi năm. "Tôi dự định với số tiền đầu tư đều đặn như hiện nay cùng mức tăng trưởng tốt của chứng chỉ quỹ thì 5 năm sau sẽ có một khoản vốn tương đối để có thể mua nhà tại TP HCM", anh chia sẻ.
Mua bảo hiểm
Thành Nam, nhân viên sửa chữa máy móc của một công ty cơ khí - công việc khá năng nhọc và nguy hiểm, nghĩ ngay đến việc mua bảo hiểm nhân thọ (có kèm bảo hiểm tai nạn để phòng ngừa rủi ro. "Hàng tháng chỉ cần trích ra khoảng một triệu đóng bảo hiểm nhưng mình sẽ cảm thấy rất an tâm khi lỡ xảy ra sự cố hoặc khi đóng đủ thời gian 15 năm thì sẽ thu về số tiền tương đối lớn nhằm lấy vốn làm ăn", Nam nói.
Nuôi heo đất
Chị Thu Mai, TP HCM chia sẻ, nhà có 5 người (vợ chồng chị, bố mẹ chồng và con gái học lớp 1), nhưng tất cả chi tiêu đều dựa vào hai vợ chồng. Với tổng mức thu nhập khoảng 22 triệu, gần như tháng nào cũng hết sạch và chẳng còn dư được bao nhiêu.
Thế là gia đình chị họp bàn và đi đến quyết định "nuôi heo đất". Mỗi ngày, cả gia đình chị Mai từng người cho tiền vào theo khả năng của mình. Mẹ chồng tiết kiệm từ tiền đi chợ mua thức ăn và tiền lương hưu trích ra.
Chồng chị thì hạn chế đi ăn uống với đồng nghiệp để có tiền bỏ vào lợn đất. Còn chị Mai thay vì đi mua sắm mỗi tháng một lần thì giờ hạn chế tối đa để dành tiền đút lợn.
Riêng bé gái nhà chị đang học lớp một, dùng mọi khoản tiền có được từ tiền mừng tuổi đầu năm, tiền thưởng học sinh giỏi, tiền họ hàng cho vào sinh nhật... để đút hết vào lợn đất. "Cứ cuối năm đập lợn đất ra, gia đình tôi cũng có vài chục triệu đồng chứ chẳng ít", chị chia sẻ.
Theo VNE