Quan hệ Nga - NATO: Gương vỡ sắp lành?

11/04/2016 09:32

(Baonghean) - Cuối tuần qua, một vài tín hiệu tích cực lại đến với quan hệ Nga - NATO vốn nhiều hiềm khích và trắc trở. Đó là thông tin về khả năng Hội đồng Nga - NATO sẽ nhóm họp trong tương lai gần; hay tuyên bố của Ngoại trưởng Đức cho biết, các nước G7 sẽ xem xét việc để Nga quay trở lại nhóm G8. Đây được coi là những tín hiệu “tan băng” mối quan hệ luôn ở tình trạng căng thẳng trong vòng 2 năm trở lại đây. Nhưng liệu lộ trình tan băng này có suôn sẻ?

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) (Nguồn: AFP)
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) (Nguồn: AFP)

Thái độ không bất ngờ

Trong tuyên bố mới đây, cả phía Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và phía Nga đều đưa ra thông tin về việc Hội đồng Nga - NATO sẽ nhóm họp trong vòng 1 tháng tới đây. Theo đó, ông Andreï Keline, Giám đốc Vụ Hợp tác châu Âu thuộc Bộ Ngoại giao Nga cho biết, hiện hai bên đang làm việc để lên kế hoạch về thời gian, địa điểm và chương trình nghị sự của cuộc họp. Nhà ngoại giao Nga cũng nhấn mạnh, những cuộc gặp gỡ của Hội đồng Nga - NATO là rất quan trọng nhằm tái lập đối thoại giữa hai nhân tố chính về an ninh tại châu Âu.

Trong khi đó về phía NATO, đại diện tổ chức này cho hay, hai bên đã nhất trí sẽ tổ chức cuộc gặp này ở cấp đại sứ. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh, đây sẽ là cuộc họp đầu tiên của hội đồng này kể từ khi gián đoạn năm 2014, được kỳ vọng là tín hiệu "tan băng" tích cực giữa hai bên. Trong một diễn biến khác, trước thềm Hội nghị Ngoại trưởng G7 - Nhóm các nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới đang diễn ra tại Nhật Bản, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier trong một tuyên bố cho biết, nhóm G7 đang xem xét vai trò của Nga trong việc giải quyết các cuộc xung đột quốc tế và sẽ quyết định các điều kiện để Nga trở lại nhóm G8 như trước đây.

Tổng thống Nga Putin tham gia Hội nghị thượng đỉnh G8 năm 2013 tại Bắc Ireland (Anh). (Nguồn: AFP)
Tổng thống Nga Putin tham gia Hội nghị thượng đỉnh G8 năm 2013 tại Bắc Ireland (Anh). (Nguồn: AFP)

Không phải ngẫu nhiên mà phía NATO thời gian qua đã đưa ra nhiều tuyên bố làm lành và muốn hâm nóng mối quan hệ với Nga. Có thể hiểu, các nước NATO dù là đồng minh của Mỹ nhưng không phải luôn gặp nhau về quan điểm trong mọi vấn đề. Thậm chí, người ta còn thấy sự rạn nứt trong nội bộ khối này giữa một bên là Mỹ - một bên là các nước châu Âu. Bởi từ khi quyết định hủy bỏ hợp tác quân sự và dân sự với Nga sau sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga, tiếp đó là hàng loạt biện pháp bao vây cấm vận kinh tế Nga, kinh tế châu Âu cũng thiệt hại không nhỏ. Trong khi đó, NATO cũng hiểu và rất dè chừng sức mạnh quân sự của Nga; thậm chí đã có lần phải thừa nhận là đang đi sau Nga một bước. Bởi thế, không phải lời lôi kéo nào của Mỹ cũng khiến cả khối NATO phải làm theo. Cho nên không ít lần, các nhà lãnh đạo cao nhất của Đức hay Pháp đều đưa ra ý kiến giảm bớt lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.

Bắt tay không dễ

Tưởng rằng thiện chí đã có, lợi ích hai bên cũng sẽ đều đạt được thì lộ trình bình thường hóa quan hệ Nga - NATO sẽ dễ dàng hơn. Nhưng thực tế lại không đơn giản như vậy!

Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh G8 năm 2013. (Nguồn: AFP)
Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh G8 năm 2013. (Nguồn: AFP)

Thứ nhất, vấn đề trước hết lại nằm ở phía Nga. Trong một tuyên bố, Đặc phái viên của Nga về Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Alexander Grushko cho rằng, mối quan hệ giữa 2 bên sẽ không thể cải thiện chừng nào liên minh quân sự này tiếp tục “chính sách ngăn chặn” với Moscow. Và rằng, dư luận không nên quá kỳ vọng vào một sự đột phá nào đó trong quan hệ hai bên. Như thế, sự nghi kỵ là vẫn còn. Ở góc độ khác, nhiều nhà phân tích cho rằng, Nga hiện nay đang ở “thế trên” so với NATO vì NATO cần đến Nga nhiều hơn, và vị thế của Nga trong các hồ sơ quốc tế là không thể phủ nhận. Nên việc G7 xem xét việc Nga quay trở lại G8 cũng không khiến Nga quá bận tâm. Và Nga cũng sẽ có cách để NATO nhượng bộ nước này nhiều hơn trong nhiều vấn đề.

Thứ hai, “con kỳ đà cản mũi” lại nằm chính trong nội bộ khối NATO giữa một bên là Mỹ và một bên là các nước châu Âu. Với Mỹ, dù nước này cũng cần đến Nga trong việc giải quyết các hồ sơ quốc tế, nhưng việc các đồng minh châu Âu xuôi theo Nga đã không khỏi khiến Mỹ bận lòng. Thế nên, dư luận mới đang “đoán già đoán non” rằng, hồ sơ Panama đang gây sốt những ngày qua thực chất là do Mỹ đứng đằng sau để nhắm vào chính quyền Tổng thống Putin. Trong khi đó để đáp lại, phía Nga cũng không vừa khi cuối tuần qua, Hãng tin RT đã tung ra thông tin về một cuộc khảo sát cho thấy, 40% người dân Iraq tin rằng, Mỹ đang hậu thuẫn tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS để gây bất ổn ở nước này. Theo RT, niềm tin này được củng cố bởi các báo cáo và video cho thấy các hình thức mà Mỹ đã hỗ trợ các tay súng IS như thế nào. Không chỉ vậy, Sputnik hôm 8/4 vừa qua còn có cuộc phỏng vấn nhà báo Iraq Muntazer al-Zaidi, trong đó đưa ra các bằng chứng cáo buộc không quân Mỹ đã thả dù viện trợ nhu yếu phẩm, vũ khí cho IS.

Chưa biết thực hư hai bên Mỹ - Nga: Ai đúng - Ai sai trong các cáo buộc này, nhưng rõ ràng, những diễn biến này đang khoét sâu thêm sự nghi kỵ và đẩy cao căng thẳng không chỉ giữa hai nước mà còn giữa Nga và khối NATO. Vì thế các chuyên gia dự báo, có lẽ quan hệ Nga - NATO sẽ vẫn còn trắc trở ít nhất là cho đến hết năm 2016 này, chứ không sớm “gương vỡ lại lành” như nhiều người kỳ vọng.

Phương Hoa

TIN LIÊN QUAN