Sự thật đằng sau bức ảnh đoạt giải Pulitzer

04/05/2016 22:55

Chùm ảnh của nhóm phóng viên Hãng tin Anh Reuters chụp tình cảnh của những người tị nạn Syria tìm đường vào châu Âu đăng trên tờ nhật báo Mỹ The New York Times, đã đoạt giải thưởng Pulitzer của năm 2016 ở hạng mục “Ảnh thời sự”. Nhưng một trong những bức ảnh đó đã phản ảnh không đúng thực chất của vấn đề, gây tác hại không nhỏ tới uy tín của giải thưởng quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực báo chí này.

Trong nhiều tháng ròng vào thời điểm cuối năm 2015 vừa qua, nhóm ký giả của Hãng Reuters đã bám theo dòng người Syria chạy trốn chiến tranh, rủ nhau di cư ồ ạt sang “miền đất hứa” Tây Âu với những bài báo và ảnh thời sự lột tả tình trạng bi đát của họ. Nhiếp ảnh gia Laszlo Balogh, phóng viên ảnh thường trú của Reuters tại Cộng hòa Hungary đã “chớp” cơ hội, chụp một tấm ảnh “nóng hổi” về một gia đình người Syria tại nhà ga xe lửa ở thị trấn Bicske, cách thủ đô Budapest 30km về phía Tây trong buổi sáng ngày 3-9-2015.

Thoạt trông bức ảnh như muốn tố cáo sự tàn bạo của cảnh sát địa phương, trấn áp xua đuổi người tị nạn bất chấp hoàn cảnh đáng thương của họ... Đột nhiên 5 ngày sau khi tác phẩm của L. Balogh được Ủy ban Pulitzer công bố thuộc chuỗi ảnh thời sự đoạt giải, trên kênh trực tuyến của Đài Truyền hình Euronews có trụ sở tại Lyon (Pháp) đã đăng tải một đoạn video clip, quay cảnh người tị nạn Syria ở nhà ga Bicske, trong đó có cảnh mô tả hành vi “thô bạo” của cảnh sát mà L. Balogh chụp được.

Nhưng nội dung của đoạn băng lại hoàn toàn trái ngược, cho thấy người đàn ông tị nạn trong ảnh đang cố tỏ thái độ gia trưởng với vợ con. Sau khi không tiếc lời mắng mỏ người vợ, ông ta nổi xung lên, xô cả 2 mẹ con... Do lực đẩy quá mạnh nên mất đà khiến cả 3 người đều ngã dúi dụi xuống đất, suýt thì đập đầu vào đường ray. Toán nhân viên cảnh sát bảo vệ nhà ga thấy cảnh chướng tai gai mắt liền can thiệp tức thì, giải cứu người vợ cùng con nhỏ trên tay khỏi ông chồng vũ phu.

Kết cục người đàn ông trong ảnh bị tống giam về tội xâm phạm thân thể người khác, đợi ngày trục xuất về nước; còn mẹ con người Syria di cư được xếp chỗ lên tàu hỏa hành trình đến Áo theo nguyện vọng của họ. Đó là toàn bộ sự thật quanh bức ảnh được trao giải. Đoạn video clip này đã được một loạt tờ báo hàng đầu châu Âu và thế giới đăng tải lại.

Bức ảnh do ký giả L. Balogh chụp, được cắt từ video clip đăng trên trang web của nhật báo Italia il Giornale.
Bức ảnh do ký giả L. Balogh chụp, được cắt từ video clip đăng trên trang web của nhật báo Italia il Giornale.

Suốt một thế kỷ qua, Giải Pulitzer luôn được giới phê bình quốc tế coi là giải thưởng danh giá và uy tín nhất thế giới về thể loại báo chí. Hội đồng chấm giải gồm hơn 20 người, do Ủy ban Pulitzer trực thuộc Trường đại học Tổng hợp Columbia ở New York chỉ định hàng năm, vì nhiều nguyên nhân khác nhau đã bị sơ suất trong quá trình tuyển chọn để lọt những “hạt sạn” không đáng có.

Tiêu biểu là trường hợp của nữ ký giả người Mỹ Janet Leslie Cooke, tác giả bài báo “Thế giới của Jimmy” đăng trên tờ nhật báo The Washington Post, được trao giải Pulitzer năm 1981 ở hạng mục “Ký sự đặc tả”.

Sau đó người ta phát hiện ra đó là một tác phẩm hư cấu với nhân vật không có thật, buộc bà J. Cooke phải trả lại giải kèm phần thưởng hiện kim là 10.000 USD. Đây là trường hợp bị “tước giải” duy nhất trong bề dày lịch sử tồn tại giải thưởng Pulitzer.

Theo An ninh thế giới

TIN LIÊN QUAN