Hết vay ưu đãi gói 30.000 tỷ đồng: Hệ lụy cho người dân và doanh nghiệp

01/06/2016 23:19

(Baonghean) - Theo tin từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Nghệ An, tính đến hết tháng 4/2016, tổng dư nợ cho vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng trên địa bàn toàn tỉnh đạt 352 tỷ đồng cho 974 khách hàng cá nhân vay để mua chung cư và xây nhà ở.

Tổng số tiền cam kết cho vay 463 tỷ đồng, với số lượng khách hàng cam kết cho vay 1.014 đối tượng.Tuy nhiên việc ngừng cho vay ưu đãi làm khó khăn cho cả người dân và doanh nghiệp.

Khách hàng làm thủ tục vay vốn gói tín dụng 30.000 tỷ tại Chi nhánh Ngân hàng SHB.
Khách hàng làm thủ tục vay vốn gói tín dụng 30.000 tỷ tại Chi nhánh Ngân hàng SHB.

Theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2016, NHNN được giao tiếp tục triển khai gói 30.000 tỷ đồng tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi áp dụng sẽ là 5%/năm cho đến khi giải ngân đến hết hợp đồng theo tiến độ và điều kiện giải ngân đã xác định trong hợp đồng tín dụng, thay vì kết thúc vào ngày 1/6/2016 theo tinh thần như Thông tư 11/2013 và công văn hỏa tốc gửi các NHTM ngày 28/3 của NHNN.

Đáng tiếc là, NHNN với tư cách người tổ chức và dẫn dắt chương trình vay ưu đãi này, dù đã lắng nghe nguyện vọng người dân và tín hiệu thị trường, ủng hộ chủ trương và chấp hành sự chỉ đạo của Chính phủ, nhưng đến nay, NHNN vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để thực hiện Nghị quyết 23/NQ-CP ngày 30/3/2016 của Chính phủ, gây lúng túng trong tác nghiệp cho các ngân hàng thương mại và cả sự lo lắng không đáng có cho người vay liên quan.

Khoảng trống pháp lý do chậm trễ ban hành văn bản hướng dẫn này có thể tạo áp lực buộc người vay sẽ phải chịu lãi suất thương mại, như tăng chi phí cho người vay hoặc chấp nhận ký khống gian dối và đối diện với nhiều rủi ro pháp lý trong quá trình giải ngân, ký biên bản bàn giao nhà sai lệch với tiến độ dự án trên thực tế…

Cần khẳng định rằng, khả năng tăng lãi suất cho phần tín dụng đã ký hợp đồng vay được giải ngân sau 1/6/2016 là không thể, nhưng yêu cầu sớm ra văn bản hướng dẫn thực hiện lại là cần thiết và là đòi hỏi của cuộc sống, cũng như để bảo đảm sự liền mạch, kịp thời của các quy định pháp lý liên quan đến gói tin dụng 30.000 tỷ đồng nói riêng, trong xây dựng và thực thi các chính sách quản lý Nhà nước nói chung.

Hơn nữa, chính sách hỗ trợ cho người nghèo mua nhà ở giá thấp hay nhà ở xã hội đã được chính thức đưa vào Luật Nhà ở và Nghị định 100 về phát triển nhà ở xã hội. Đối tượng được vay vốn ưu đãi để mua, thuê nhà ở xã hội là cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; công nhân làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các đối tượng khác theo quy định của Chính phủ.

Để được mua nhà ở xã hội, nhóm đối tượng này phải đáp ứng một số điều kiện như chưa có nhà hoặc có nhưng diện tích bình quân trong hộ gia đình dưới 5 m2 sàn/người; có nhà nhưng là nhà ở tạm, hư hỏng hoặc dột nát. Ngoài ra, các nhóm đối tượng trên muốn được vay phải có 20% giá trị hợp đồng mua căn hộ và đáp ứng khả năng trả nợ; được dùng căn hộ mình mua để thế chấp.

Chung cư Tecco Tower - một trong những dự án được nhiều khách hàng  vay gói 30.000 tỷ mua căn hộ.
Chung cư Tecco Tower - một trong những dự án được nhiều khách hàng vay gói 30.000 tỷ mua căn hộ.

Vì vậy, sự liền mạch chính sách còn đòi hỏi NHNN và các cơ quan hữu quan cần sớm có những chính sách hướng dẫn hỗ trợ tín dụng cho các đối tượng nhà ở xã hội sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng trên kết thúc. Trên thực tế, NHNN vừa có văn bản số 1425/NHNN-TD gửi một số NHTM về việc thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP. Theo đó, NHNN đã chỉ định 4 NHTM Nhà nước gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV do Nhà nước nắm cổ phần chi phối phải dành ít nhất 3% dư nợ cho vay, để cho vay nhà ở giá rẻ với lãi suất thấp tối đa bằng 50% lãi suất trên thị trường...

Đồng thời, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ triển khai cho vay với các hộ nghèo mua nhà ở xã hội với nguồn vốn vay 50% từ ngân sách và 50% từ nguồn huy động. Quy định này sẽ chuyển tiếp ngay sau khi thời hạn giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng chấm dứt vào 1/6/2016. Như vậy, với tổng mức dư nợ của 5 Ngân hàng thương mại mà NHNN đang nắm cổ phần chi phối lên tới hơn 1 triệu tỷ đồng, hy vọng sẽ luôn có một khoản lớn hơn 30.000 tỷ đồng dành cho đối tượng thu nhập thấp vay mua nhà ở xã hội theo lãi suất chỉ xấp xỉ 5 - 6%/năm…

Thực tế cho thấy, việc bảo đảm liền mạch và sự liên tục những chính sách tín dụng phù hợp để kết thúc có hậu gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng và tiếp tục hỗ trợ các đối tượng nhà ở xã hội đã, đang và sẽ được góp phần củng cố lòng tin và khẳng định bản chất tốt đẹp của thể chế Nhà nước XHCN do dân và vì dân ở Việt Nam.

Minh Phong

TIN LIÊN QUAN