Đại biểu Quốc hội hiến kế tránh chen lấn kinh hoàng tại Giỗ Tổ Hùng Vương
Liên quan đến việc hàng nghìn người dân chen lấn, xô đẩy khiến phụ nữ bị ngất xỉu và công an phải đưa nhiều trẻ em ra khỏi đám đông tại Giỗ Tổ Hùng Vương sáng 16/4. Trao đổi về việc này, bà Bùi Thị An (ĐBQH khóa XIII TP Hà Nội) cho rằng đây là lỗi của Ban tổ chức lễ hội.
Bà Bùi Thị An, ĐBQH khóa XIII TP Hà Nội (Ảnh: Q.H) |
Trước cảnh tượng chen lấn xô đẩy kinh hoàng tại lễ hội Đền Hùng, đại biểu Bùi Thị An (TP Hà Nội) nhấn mạnh, việc mọi người bon chen và thể hiện trong lễ hội vừa rồi rất là sai. Tổ chức lễ hội là cần thiết, nhưng không nên làm hình thức quá. Và người đi lễ hội phải nhận thức rằng đi lễ bằng tấm lòng, việc hướng về tổ tiên là cần thiết, nhưng phải hiểu rõ trong lòng mình cần thanh thản, sự tĩnh tâm. Người đi lễ hội không được thể hiện sự bon chen, hình thức. Đã đi thắp hương làm việc tâm linh, làm từ thiện thì ai cũng phải lặng lẽ, còn đi giỗ tổ mà thích thể hiện chạy đua thì còn gì là giỗ tổ nữa.
Đi Giỗ Tổ Hùng Vương là thể hiện tấm lòng của người dân, thể hiện sự tín ngưỡng đối với những người lập nước, sinh ra tổ tiên mình, có công với dân tộc. Chính việc địa phương cũng muốn thể hiện mình tổ chức lễ hội hoành tráng và du khách thập phương ai cũng muốn thể hiện mình được lên đền sớm nên dẫn đến chen lấn kinh hoàng. Vấn đề cốt lõi theo tôi ở đây là tư duy không ổn.
Bà An nói: Qua sự kiện chen lấn vừa qua, tôi cho rằng Ban tổ chức phải chỉnh đốn lại việc tổ chức như thế nào cho phù hợp, chứ còn mỗi một lần kết thúc lễ hội lại thấy nặng nề, năm nào cũng rút kinh nghiệm rồi đâu lại hoàn đó là không chấp nhận được.
“Chúng ta phải tránh bệnh hình thức. Đồng chí tân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có nói chúng ta cần “chống bệnh hình thức”. Tại sao lễ hội Hùng Vương mà phải làm bánh chưng nặng 2,5 tấn như vậy, để ghi kỉ lục à… Trong khi một số vùng dân còn nghèo đói, chưa có cái ăn” – bà An bức xúc.
Theo bà An, Ban tổ chức lễ hội cần thực hiện đúng chỉ thị của đồng chí tân Thủ tướng, tức là chống bệnh hình thức ở tất cả mọi nơi, đặc biệt lễ hội phải thể hiện được sự thanh tịch, thể hiện tấm lòng.
“Việc tổ chức lễ hội rất quan trọng. Bố trí, quy hoạch, phải có bố trí mọi người xếp có hàng, có lối để giảm bớt lượng người tập trung quá đông tại một chỗ sẽ khó kiểm soát. Và phải thay đổi tư duy của người tổ chức, phải kịch liệt chống bệnh hình thức, hoành tráng, không thực chất. Hai nữa là phải tuyên truyền cho dân biết, không phải cứ đến trực tiếp lễ hội mới là tốt, quan trọng là cái tâm hướng về việc tốt, điều thiện. Không phải người nào dâng lễ to, lớn, nhiều thì người đó được nhiều lộc. Cho nên, phải tuyên truyền cho nhân dân, có thể đứng từ xa vái vọng, hướng về đền, như vậy lòng cũng sẽ thanh thản" - bà An nói.
Theo Lao động
TIN LIÊN QUAN |
---|