Người Việt Nam có tên trong hồ sơ Panama: Phải mất nhiều thời gian để đưa ra kết luận cuối cùng
Trước thông tin 189 tổ chức, cá nhân người Việt Nam có tên trong Hồ sơ Panama mấy ngày gần đây, trao đổi với phóng viên (PV), Vụ trưởng Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) Nguyễn Văn Phụng cho rằng, thông tin trong Hồ sơ Panama là một kênh tham khảo quan trọng để phục vụ công tác quản lý thuế. Tuy nhiên, phải có chứng cứ cụ thể, rõ ràng thì chúng ta mới có thể đưa ra kết luận cuối cùng về những cá nhân, tổ chức được nêu tên trong hồ sơ này. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.
PV: Thưa đồng chí, để xử lý thông tin một số tổ chức, cá nhân người Việt Nam được nêu tên trong Hồ sơ Panama, cơ quan thuế đã có những động thái nào?
Vụ trưởng Nguyễn Văn Phụng: Không phải bây giờ, khi Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố 11,5 triệu tài liệu rò rỉ từ Hãng luật Mossack Fonseca thì cơ quan thuế mới vào cuộc mà ngay từ khi có những thông tin đầu tiên, chúng tôi đã bắt tay thực hiện các chỉ đạo về nội dung này. Đến nay, khi các thông tin rõ hơn thì cơ quan thuế đẩy nhanh tiến độ khẩn trương thu thập thông tin ở các bước sâu hơn, đồng thời phân tích, đánh giá rủi ro trong việc tuân thủ pháp luật về tài chính, về thuế, hải quan của những trường hợp được nêu danh trong Hồ sơ Panama. Trên cơ sở đó, đề xuất các biện pháp xử lý theo pháp luật về thuế và pháp luật có liên quan theo thẩm quyền hoặc đề xuất phối hợp với các cơ quan chức năng, các bộ, ngành liên quan.
Trong bối cảnh hiện nay, làm như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất là câu trả lời không dễ vì nó mang tính chuyên môn cao, huy động không ít nhân lực và công cụ hỗ trợ từ các cấp, các bộ, ngành khác nhau. Đối với cơ quan thuế, có thể ngắn gọn như thế này: Trước hết, từ những cái tên trong Hồ sơ Panama, sử dụng các công cụ hỗ trợ và hệ thống dữ liệu của ngành, dữ liệu được chia sẻ từ các cơ quan khác để tìm ra những doanh nghiệp (DN) tiếp theo và mối quan hệ giữa các DN thế nào, rồi tiếp tục khai thác, chiết xuất các dữ liệu, đối chiếu ngược lại với các thông tin trong dữ liệu về thuế. Thí dụ, từ một cái tên ban đầu là Sovico, bước đầu tìm ra được hơn một chục văn phòng, công ty khác mà Sovico có quan hệ về vốn; từ mỗi văn phòng hoặc công ty mới này lại tiếp tục bước tìm kiếm, rà soát để tìm ra các cá nhân hoặc DN khác nữa có quan hệ,...
Việc rà soát còn được mở rộng với các DN hoặc cá nhân đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, có đăng ký mã số thuế tại Việt Nam có tên trong Hồ sơ Panama hoặc có công ty mẹ có trụ sở chính hoặc văn phòng điều hành đặt tại các địa chỉ được mệnh danh là “Thiên đường thuế”; thực hiện rà soát toàn bộ hồ sơ đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, các báo cáo tài chính, các hồ sơ quyết toán thuế trong giai đoạn 2011 - 2015…
Trên cơ sở rà soát kỹ, căn cứ quy định pháp luật và chức năng, nhiệm vụ được giao, chúng tôi sẽ tổ chức đánh giá, phân loại và đánh giá khả năng rủi ro về tài chính, về thuế. Qua đó, nếu phát hiện những dấu hiệu rủi ro về tài chính, về đầu tư... thì đề xuất các giải pháp phù hợp với pháp luật về thanh tra, kiểm tra tài chính, thanh tra, kiểm tra thuế, hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có liên quan theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ.
PV: Vậy đến thời điểm nào, cơ quan thuế có thể đưa ra kết luận cụ thể về những trường hợp nêu tên trong Hồ sơ Panama?
Vụ trưởng Nguyễn Văn Phụng: Chúng ta đều thấy, việc công bố Hồ sơ Panama đã gây nên chấn động trên toàn cầu, khi có nhiều nhân vật cấp cao ở một số nước được nêu tên trong hồ sơ. Cho đến thời điểm này, thông tin mà chúng ta có được mới chỉ ở mức độ rất sơ khai, đó là 189 tên cá nhân (không có dấu) và tổ chức được nêu ra, hoàn toàn không có thông tin nào khác về nhân thân, mã số doanh nghiệp hay mã số thuế; cũng không có thông tin về thời gian giao dịch, đối tác giao dịch, đối tượng giao dịch là hàng hóa hay tiền, không rõ chuyển tiền ra nước ngoài hay chuyển tiền vào Việt Nam, về việc gì.
Một số doanh nhân được nêu tên trong đó cũng đã có những phát ngôn, giải thích trên các phương tiện truyền thông. Tôi cho rằng, phải tốn nhiều thời gian để tiến hành thu thập thông tin, tài liệu, rà soát, đối chiếu các thông tin, tìm ra các mối quan hệ, soát xét các giao dịch,... Trên cơ sở đó mới đi vào bước soát xét sâu hơn để có thể tìm ra những cá nhân, tổ chức đó đang nắm giữ những cơ sở nào, vai trò của họ là gì,... thì mới có thể tìm được những thông tin cụ thể hơn liên quan đến họ.
Trong giao dịch kinh tế, việc những cá nhân, tổ chức Việt Nam có tên trong hồ sơ này là chuyện bình thường. Bởi vì doanh nhân có giao dịch với các đối tác bên nước ngoài, các DN cũng có quan hệ đối tác với DN hoặc cá nhân ở các nước khác vì họ đầu tư, mua bán, ký kết hợp đồng về dịch vụ. Theo thông lệ quốc tế, khi thực hiện giao dịch chuyển tiền qua ngân hàng, người ta lưu giữ những thông tin đó thì cũng là chuyện rất bình thường và chúng ta phải hết sức bình tĩnh để làm rõ.
Theo cách hiểu phổ biến nhất thì có những quốc gia mà tại đó luật pháp sở tại có quy định cho phép các DN, các nhà đầu tư nộp thuế với mức thuế rất ưu đãi hoặc là được miễn thuế. Một DN đăng ký kinh doanh tại một quốc gia là “Thiên đường thuế”, nếu như người ta chỉ hoạt động ở đó thì không ảnh hưởng gì đến chúng ta cả. Nhưng nếu họ lại có hoạt động đầu tư ở Việt Nam thì chúng ta phải xem xét việc họ chuyển tiền từ Việt Nam tới “Thiên đường thuế” nếu có thì đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế hay chưa? Chúng ta phải có những xem xét cụ thể thì mới có thể khẳng định được là có liên quan hay không có liên quan việc trốn thuế.
PV: Như vậy, có thể thấy, cơ quan thuế nói riêng, cơ quan tài chính nói chung đang rất thận trọng trước những thông tin trong Hồ sơ Panama?
Vụ trưởng Nguyễn Văn Phụng: Thực tế cho thấy, nhiều người mới chỉ thấy thông tin chung về Hồ sơ Panama trên báo chí rồi suy luận, gán ghép hoặc đánh đồng với những trường hợp nước ngoài, tôi cho đó chưa phải là cách hiểu đúng. Không chỉ riêng cơ quan thuế, cơ quan tài chính mà ngay cả các cơ quan khác, trong đó có cơ quan truyền thông cũng cần phải thận trọng trong thực thi nhiệm vụ. Thận trọng không có nghĩa là dây dưa, kéo dài công việc, mà có thể nói, chúng tôi đang rất khẩn trương, trách nhiệm trong công việc của mình, tránh những phát ngôn thiếu cơ sở và thiếu cẩn trọng.
Trách nhiệm của chúng tôi là giải thích để dư luận hiểu rõ rằng, chưa chắc tất cả những người có tên trong hồ sơ này đều là trốn thuế, bởi vì pháp luật cho phép người ta thực hiện các giao dịch kinh doanh, cũng như các bạn ra nước ngoài tiêu tiền qua thẻ tín dụng mà đối tác của chúng ta là những cá nhân, tổ chức có tên trong Hồ sơ Panama thì đương nhiên giao dịch đó cũng được ghi lại. Cho nên chúng ta hãy bình tĩnh.
Đây là một nguồn thông tin tốt để tham khảo, phục vụ cho công tác quản lý thuế cũng như quản lý xã hội, nhưng hiện thời chưa thể quy kết bất cứ điều gì. Với cơ quan thuế, đây cũng là một trong những thông tin tham khảo, và chúng tôi phải thực hiện điều tra hết sức chặt chẽ, không để ảnh hưởng xấu đến DN, doanh nhân và môi trường đầu tư.
Với những DN, cá nhân có tên trong Hồ sơ Panama, điều chắc chắn là cơ quan quản lý thuế sẽ đặc biệt quan tâm rà soát, đối chiếu với những thông tin giao dịch khác do các cơ quan liên quan cung cấp. Để làm được việc này, đòi hỏi phải có sự phối hợp, trợ giúp tích cực và trách nhiệm từ các cơ quan liên quan trong việc chia sẻ thông tin dữ liệu, phối kết hợp xử lý theo chức năng. Và chúng tôi sẽ công bố công khai khi có kết quả rà soát, kết luận cuối cùng.
Theo Nhân Dân
TIN LIÊN QUAN