Những 'tọa độ lửa' ở Nghệ An trong kháng chiến chống Mỹ

30/04/2016 08:13

(Baonghean.vn) - Trong kháng chiến chống Mỹ, Nghệ An là toạ độ lửa rất ác liệt, vừa là hậu phương vừa là tuyến đầu đối mặt với kẻ thù. Nhiều địa điểm trên đất Nghệ An là "yết hầu" giao thông nên bị chúng tập trung đánh phá rất ác liệt như Bến Thuỷ, Truông Bồn, Cầu Cấm, Hoàng Mai...

a

a

truong_boncau_camvinhhoang_mai

Thanh niên xung phong Truông Bồn san lấp hố bom năm 1968

Trong kháng chiến chống Mỹ, Truông Bồn (Mỹ Sơn-Đô Lương) có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là “tuyến đường độc đạo” nối liền mạch máu giao thông chi viện cho chiến trường miền Nam. Bởi vị trí hết sức quan trọng về mặt quân sự, nên nơi đây đã trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của giặc Mỹ từ cuối năm 1965, nhất là từ đầu năm 1967 đến tháng 10 năm 1968. “Tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc/sống kiên cường bám cầu, bám đường; chết kiên cường dũng cảm”, là khẩu hiệu của thanh niên xung phong Truông Bồn.
Ngày 31/10/1968, 13 thanh niên xung phong (11 nữ, 2 nam) của Đại đội 317 đã ngã xuống một trong những trận bom ác liệt cuối cùng của địch tại Truông Bồn. Máu của họ hòa tan vào đất trời, viết nên một huyền tích mang tên Truông Bồn.

Nụ cười ra quân thông đường thông cầu đội TNXP 69, Cầu Cấm năm 1966

Cầu Cấm -nơi thắt nút ba huyết mạch giao thông đường bộ 1A; đường sắt Bắc - Nam, đường thủy (kênh Nhà Lê). Nhận rõ vị trí “sống chết” trọng điểm giao thông vận tải cầu Cấm, cửa ngõ phía Bắc hậu phương lớn miền Bắc nên đế quốc Mỹ đánh phá bằng mọi giá. Chỉ tính riêng trong năm 1967, bọn giặc lái Mỹ trút xuống cầu Cấm 27.000 quả bom các loại, tàu chiến thuộc hạm đội 7 bắn vào 5.000 quả đạn pháo từ 175 ly đến 230 ly. Để bảo vệ mục tiêu cầu Cấm, từ năm 1966 đến năm 1968, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống tại trận địa. Đỉnh điểm là sự hy sinh của 15 TNXP và 18 cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 16A Phòng không (Quân khu 4) tại cầu Cấm, trong ngày 5/02/1967

Anh chị em văn công vượt bom đạn đến động viên tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ trên chiến trường thành Vinh

Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, thành phố Vinh với diện tích chưa đầy 32km2 lúc bấy giờ, với 8.768 trận đánh phá địch đã rải xuống thành phố 250.555 tấn bom đạn, trung bình mỗi đầu người phải hứng chịu 1.900kg. Riêng khu vực Bến Thuỷ chưa đầy 2km2 đã gánh chịu 2.912 trận oanh tạc của địch. Cả thành phố gần như không còn một ngôi nhà nguyên vẹn, hàng nghìn người dân bị chết và bị thương. Vinh đã bắn rơi 146 máy bay Mỹ, trong đó có chiếc máy bay đầu tiên (ngày 5/8/1964), chiếc máy bay thứ 100 (ngày 14/9/1966), thứ 300 (ngày 27/5/1965) của giặc Mỹ trên miền Bắc. Ngày 16/9/1966, Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi quân và dân thành phố: "Vinh là thành phố đầu tiên đã bắn rơi 100 máy bay Mỹ. Đó là một thắng lợi quang vinh".

Hang hỏa tiễn được công nhận Di Tích Quốc Gia

Cùng với nhiều bến phà, cầu, nhà ga khu vực miền Bắc bị máy bay địch ngày đêm ném bom đánh phá, Hoàng Mai nơi có quốc lộ 1A và đường sắt Bắc Nam đi qua, là một trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ lúc bấy giờ. Để tăng cường lực lượng đảm bảo giao thông thông suốt và phục vụ nhu cầu vận tải hàng hóa chi viện cho miền Nam ruột thịt, nhiều lực lượng đã được tăng cường tham gia bảo vệ, khắc phục kịp thời các sự cố khi bom Mỹ đánh phá.
Kết thúc 2 đợt chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ, khu vực thị trấn Hoàng Mai có 250 bộ đội và TNXP hy sinh, hàng nghìn người bị thương. Trong đó có sự kiện đáng nhớ nhất là 33 thanh niên xung phong trú trong hang đã bị tên lửa của máy bay Mỹ ném trúng cửa hang, khiến 32 người hi sinh. Từ sự kiện bi hùng này, Hang Khì ở Hoàng Mai được đặt tên là Hang Hỏa Tiễn, được Bộ Văn Hóa - Thể Thao - Du Lịch công nhận là Di tích quốc gia năm 2011, ghi dấu nơi hi sinh oanh liệt của 32 liệt sỹ thanh niên xung phong.

Đức Chuyên - Nghiêm Viễn

TIN LIÊN QUAN