Hy Lạp vẫn chưa thể thở phào

26/05/2016 08:47

(Baonghean.vn) - Cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp vừa có diễn biến tích cực mới, khi nhóm 19 Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu hôm qua đạt được thỏa thuận quan trọng, nhất trí giải ngân 10,3 tỷ euro trong gói cứu trợ mới và bắt đầu tiến hành cơ cấu lại nợ cho Athens theo yêu cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Nhận thêm tiền giải ngân, thế nhưng liệu tương lai cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp có thực sự sáng sủa hơn?

Bước tiến mới

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras phải đối diện nhiều khó khăn. Ảnh: AFP/Getty Images.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras phải đối diện nhiều khó khăn. Ảnh: AFP/Getty Images.

Sau nhiều giờ thảo luận với nhiều tranh cãi, số tiền giải ngân cho Hy Lạp cuối cùng cũng được các bộ trưởng tài chính EU thống nhất. 10,3 tỷ euro tương đương 12 tỷ USD được coi là phần thưởng mà các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) dành cho những nỗ lực thời gian qua của Hy Lạp.

Chủ tịch Eurogroup, kiêm Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jeroen Dijsselbloem nhấn mạnh, đây là thời khắc quan trọng đánh dấu những nỗ lực “thắt lưng buộc bụng” và cải cách thuế trong thời gian dài vừa qua của Hy Lạp.

Không chỉ vậy, thỏa thuận này còn có ý nghĩa quan trọng đối với tất cả các bên tham gia cuộc đàm phán này. Bởi còn nhớ mùa Hè năm ngoái, niềm tin giữa các bên đã rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng và cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp dường như rơi vào bế tắc.

Như vậy theo kế hoạch vừa được thông qua, 10,3 tỷ euro sẽ được giải ngân thành hai đợt: đợt đầu 7,5 tỷ euro vào tháng 6 và đợt 2 hơn 2,5 tỷ euro vào tháng 9. Tin vui nữa là sau cuộc họp này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã xác nhận sẽ tham gia vào chương trình cứu trợ Hy Lạp. Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng vì suốt thời gian vừa qua, các cuộc đàm phán giữa Hy Lạp, Liên minh châu Âu và IMF luôn lâm vào cảnh bế tắc.

Nguyên nhân là các bên không thể đồng nhất quan điểm. Một mặt, Đức vẫn luôn phản đối việc cắt giảm nợ cho Hy Lạp và cho rằng, nước này chỉ được phép giảm nợ vào năm 2018 nếu thực hiện đầy đủ cam kết khi nhận gói cứu trợ.

Thế nhưng mặt khác, IMF lại coi đây là điều kiện cơ bản để tiếp tục rót vốn cho gói cứu trợ lần 3 dành cho Athens. Tình thế lúc đó rất khó khăn khi Hy Lạp đang rất cần khoản giải ngân tiếp theo để trả món nợ khổng lồ cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và IMF vào tháng 7, đồng thời thanh toán các khoản chi tiêu công đang bị đình trệ.

Niềm vui “chẳng tày gang”

Các bộ trưởng tài chính châu Âu và Chủ tịch Eurogroup, đồng thời là Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jeroen Dijsselbloem thống nhất về gói cứu trợ mới cho Hy Lạ. Ảnh: euractiv.com.
Các bộ trưởng tài chính châu Âu và Chủ tịch Eurogroup, đồng thời là Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jeroen Dijsselbloem thống nhất về gói cứu trợ mới cho Hy Lạ. Ảnh: euractiv.com.

Tuy nhiên, nhận được khoản giải ngân tạm thời 10,3 tỷ euro chưa thể khiến Hy Lạp thở phào nhẹ nhõm. Bởi dù IMF đã xác nhận tham gia cứu trợ Hy Lạp, nhưng tổ chức này vừa qua cũng đưa ra nhận định, với mức nợ công hiện cao tới 180% GDP, Hy Lạp khó có khả năng chi trả và cần được giảm nợ.

Bên cạnh đó, IMF cũng vừa công bố báo cáo nhấn mạnh, nếu không được tái cấu trúc nợ, Athens có thể lâm vào cảnh vô cùng khó khăn khi phải gánh khoản nợ công lên đến 250% GDP vào năm 2060. Đây sẽ là tương lai tồi tệ đối với người dân và chính phủ Hy Lạp nếu không có các giải pháp căn cơ.

Đó là tương lai xa, còn với tương lai gần, sức ép nội bộ trên chính trường cũng như của người dân cũng là những khó khăn rất lớn đối với chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras. Bởi ngay trước cuộc họp của các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu, Quốc hội Hy Lạp đã phải rất khó khăn mới thông qua được các biện pháp bao gồm cắt giảm lương hưu, tăng thuế nhằm tăng ngân sách cho nhà nước theo đúng mục tiêu mà các chủ nợ đề ra.

Cũng giống như hôm 8/5, các biện pháp này chỉ nhận được sự ủng hộ của 153 nghị sỹ thuộc liên minh cầm quyền trong tổng số 300 nghị sỹ Quốc hội Hy Lạp. Các lá phiếu phản đối thuộc về các nghị sỹ đối lập. Trong khi đó, do các loại thuế mới sẽ khiến mỗi người dân Hy Lạp mất khoảng 1 tháng lương - tương đương khoảng 810 euro/người/năm, ngay lập tức, cả chục nghìn người dân đã tập trung bên ngoài tòa nhà quốc hội biểu tình phản đối.

Như thế, dù đã giảm bớt được căng thẳng trước mắt với khoản cứu trợ giải ngân mới 10,3 tỷ euro, nhưng sức ép nợ công của Hy Lạp vẫn còn đó. Các cuộc đàm phán tới đây giữa các chủ nợ chắc chắn vẫn sẽ còn những bất đồng liên quan đến việc giảm nợ cho Hy Lạp.

Trong khi đó, khó khăn còn chồng chất khi chính phủ của Thủ tướng Tsipras phải chịu sức ép lớn từ phe đối lập. Mới đây, Phe đối lập chính tại Hy Lạp là Đảng Dân chủ đã cáo buộc Chính phủ không đủ khả năng giải quyết vấn đề nợ và phải chịu trách nhiệm về sự chậm trễ của các cuộc đàm phán. Đảng này cũng yêu cầu Chính phủ từ chức và tổ chức bầu cử sớm.

Còn về phía người dân, cuộc sống “thắt lưng buộc bụng” bức bách chắc chắn sẽ lại khiến người Hy Lạp tiếp tục xuống đường, thậm chí tái diễn đụng độ và tấn công. Tất cả những thách thức này đang đè nặng trên vai, khiến Thủ tướng Tsipras vẫn chưa thể “gối cao đầu”.

Khang Duy

TIN LIÊN QUAN