Phòng tránh tai nạn lao động: Trách nhiệm không của riêng ai.

05/06/2016 16:46

(Baonghean.vn)- TNLĐ không chỉ gây nên nỗi đau về thể xác, tinh thần cho người lao động (NLĐ), mà còn để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội. Thời gian qua, việc thực hiện các quy định về an toàn - vệ sinh lao động đã có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, vẫn có nhiều tai nạn thương tâm xảy ra....

Những vụ tai nạn thương tâm

Trong năm 2016 trên địa bàn Nghệ An xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động gây hậu quả nặng nề. Điển hình như trưa ngày 4/4, tại nhà máy chế biến tinh bột sắn ( thuộc HTX cổ phần dịch vụ tổng hợp Sơn Long) đóng trên địa bàn xóm Nam Kim, xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn đã xảy ra một vụ nổ lớn khiến 4/5 công nhân tổ sản xuất đang làm việc bị thương nặng được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.

Anh Vi Khắc Nhớ- Công nhân bị thương trong vụ nổ ở nhà máy chế biến tinh bột sắt Nghĩa Long, Nghĩa Đàn
Anh Vi Khắc Nhớ- Công nhân bị bỏng nặng trong vụ nổ ở nhà máy chế biến tinh bột sắt Nghĩa Long, Nghĩa Đàn

Tiếp đó sáng ngày 18/4, tại Công ty cổ phần thế giới gỗ Việt Nam (Khu Công nghiệp Nam Cấm, huyện Nghi Lộc) xảy ra vụ nổ nồi hơi khiến 11 công nhân bị thương. Điều đáng nói là đến trước thời điểm xảy ra tai nạn chưa có công nhân nào được ký hợp đồng lao động và tham gia đóng bảo hiểm.

Các bác sỹ bệnh viện 115 cấp cứu cho công nhân vụ nổ nồi hơi ở Công ty Thế giới Gỗ
Các bác sỹ bệnh viện 115 cấp cứu cho công nhân vụ nổ nồi hơi ở Công ty Thế giới Gỗ

Thực tế, tai nạn lao động có thể xảy ra ở mọi lúc, mọi nơi, đối với bất kỳ người lao động, ở bất kỳ ngành nghề nào…, nếu không coi trọng việc bảo đảm an toàn khi làm việc. Điển hình như vào 24/4 tại khối 9, phường Long Sơn, Thị xã Thái Hòa,tài xế xe container Nguyễn Văn Dũng lái xe đi vào đoạn đường đang thi công vướng vào hệ thống đường dây cáp điện, anh Dũng tự xuống tháo gỡ dây cáp điện và bị điện giật tử vong tại chỗ.

Trước đó vào ngày 9/4, một sinh viên Đại học Vinh trong quá trình lao động làm thuê trên thuyền hút cát sỏi tại khu vực bến cát sạn Hảo Giang, xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương không may bị trượt chân, mặc dù cố bám vào thành thuyền nhưng do dòng nước chảy xiết nên đã bị chìm xuống sông, tử vong.

Ngày 26/5 ở xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Lưu diễn ra vụ tai nạn đau lòng khi anh Nguyễn Đình Vinh (SN 1996, trú xóm 2) lái máy xúc của gia đình đi vét kênh thủy lợi N13 ở trên địa bàn xã. Khi đang điều khiển máy xúc qua cống thì máy bất ngờ lật nghiêng, anh Vinh bị máy xúc đè vong tại chỗ.

Hiện trường nam thanh niên bị máy xúc đè chết dưới mương nước
Hiện trường nam thanh niên bị máy xúc đè chết dưới mương nước

Mới đây tại thị trấn Diễn Châu cũng xảy ra một vụ tai nạn thương tâm khi một người phụ nữ được thuê lau dọn vệ sinh cho một ngôi nhà mới xây sẩy chân rơi xuống thềm tầng 2 và tử vong trên đường đi bệnh viện cấp cứu.

Theo thống kê của Thanh tra sở Lao động TB&XH, trong năm 2014, toàn tỉnh xảy ra 7 vụTNLĐ, 9 người chết, năm 2015, 7 vụ 7 người chết, 6 tháng đầu năm 2016 có 2 vụ cháy lớn (tại nhà máy chế biến tinh bột sắn ( thuộc HTX cổ phần dịch vụ tổng hợp Sơn Long) đóng tại huyện Nghĩa Đàn: 4/5 công nhân bị thương nặng, nổ lò hơi tại nhà máy Thế giới Gỗ khu (CN Nam Cấm): 11 công nhân bị bỏng). Tuy nhiên đây chỉ là con số được báo lên, còn rất nhiều vụ việc không báo hoặc đã tự thỏa thuận...

Quan trọng là ý thức

Nguyên nhân xảy ra TNLĐ chủ yếu là do nhiều doanh nghiệp chỉ lo chạy theo lợi nhuận chưa thật sự quan tâm đến an toàn lao động như (không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, không huấn luyện, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân...).

Người lao động thì chỉ mong có việc làm chưa quan tâm đến vấn đề an toàn trong lao động sản xuất, còn nhiều vi phạm về quy trình làm việc an toàn. Các cơ quan chức năng do lực lượng mỏng nên cũng chưa thật sự quyết liệt trong việc thanh, kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm về an toàn – vệ sinh lao động. Chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe nên hiệu quả ngăn ngừa chưa cao.

Công nhân Việt Nam- Ấn Độ xử lý sự cố vụ nổ nồi hơi ở Công ty cổ phần Thế giới gỗ Việt Nam
Công nhân Việt Nam- Ấn Độ xử lý sự cố vụ nổ nồi hơi ở Công ty cổ phần Thế giới gỗ Việt Nam

Bà Hoàng Thị Thu Hương- Giám đốc trung tâm tư vấn pháp luật công đoàn ( Liên đoàn Lao động tỉnh) cho biết: rất nhiều trường hợp khi xảy ra tai nạn lao động cả chủ doanh nghiệp và người lao động đều lúng túng, và nếu không được tư vấn đầy đủ về tính pháp lý thiệt thòi đương nhiên thuộc về người lao động.

Như trường hợp của chị Nguyễn Thị Nga ( Công ty cổ phần Công dụng hóa) trong quá trình xay bột gỗ, máy đột ngột dừng chị Nga cho tay vào đảo bất ngờ máy vận hành trở lại khiến chị bị cắt cụt 1 cánh tay. Sau khi tai nạn xảy ra, chủ sử dụng lao động đã thương lượng, chấm dứt hợp đồng và bồi thường cho chị Nga 10 triệu đồng. Chị Nga tìm đến Trung tâm tư vấn pháp luật công đoàn xin tư vấn.

Qua tìm hiểu cán bộ trung tâm phát hiện hợp đồng lao động của chị là hợp đồng 1 năm thuộc trường hợp được đóng bảo hiểm nên đã yêu cầu chủ doanh nghiệp lập biên bản hiện trường, đưa người lao động đi giám định, hỗ trợ chi phí điều trị tại bệnh viện, trả lương những ngày nằm viện, truy lùi bảo hiểm... Bên cạnh đó, với giám định thương tật 61% chị Nga còn được nhận trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng. Trong trường hợp này, người lao động chủ quan, bất cẩn nhưng người chủ sử dụng lao động cũng có lỗi vì đã không huấn luyện an toàn lao động sản xuất cho người lao động, không dùng che chắn hay biển cảnh báo nguy hiểm....

Theo Bà Hoàng Thị Hường- Chánh thanh tra Sở LĐTB& XH: Hàng năm Sở đều phối hợp với các ngành tổ chức các lớp tập huấn pháp luật lao động, vệ sinh an toàn lao động nhưng để mời được chủ các doanh nghiệp đến tham dự là rất khó, chủ yếu cử đại diện.

Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam tập huấn ATLĐ cho công nhân
Tập huấn an toàn lao động và luật lao động tại Công ty TNHH một thành viên Masan

Cũng theo bà Hường số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay đông nhưng không mạnh, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ chỉ mới quan tâm đến lợi nhuận, việc làm chứ chưa thật sự quan tâm đến vấn đề an toàn lao động, trừ nhóm doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa.

Về công tác thanh tra, kiểm tra do nhân lực mỏng nên cố gắng lắm 1 năm cũng chỉ kiểm tra được 30- 40 doanh nghiệp, trong đó thanh tra sở kiểm tra độc lập chỉ từ 15-20 doanh nghiệp còn lại là phối hợp với các ngành.

Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam tập huấn ATLĐ cho công nhân
Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam tập huấn ATLĐ cho công nhân

Trong năm 2016, trước thực tế công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động trong nhiều ngành nghề chưa thật sự được người sử dụng lao động và chính bản thân người lao động quan tâm đúng mức, nhất là tại các công trình xây dựng tư nhân, Sở LĐTB&XH đã triển khai chiến dịch thanh tra lao động trong lĩnh vực xây dựng.

Tình trạng mất an toàn VSLĐ vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng - Ảnh: Minh Quân.
Tình trạng mất an toàn VSLĐ vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng - Ảnh: Minh Quân.

Qua kiểm tra đã xử phạt 7 đơn vị với số tiền 110 triệu đồng do vi phạm quy định an toàn vệ sinh lao động, pháp luật lao động.

Rõ ràng, tai nạn lao động không chỉ gây thiệt hại cho người lao động, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp mà còn để lại hậu quả nặng nề cho xã hội. Vì vậy, công tác đảm bảo an toàn lao động không của riêng các ngành chức năng, cũng không chỉ dừng lại ở một tuần, 1 tháng phát động hay chiến dịch theo từng năm mà cần thực hiện hàng ngày, hàng giờ tại từng doanh nghiệp và trong ý thức của từng lao động.

Điều 38, Luật ATVSLĐ ( có hiệu lực từ ngày 1/7/2016) quy định rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp. Trong đó người chủ sử dụng lao động phải: Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế; trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa; Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia BHYT. Trả đủ tiền lương cho người lao động bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.

Người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động bị TNLĐ mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau: Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%; Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp...

Khánh Ly

TIN LIÊN QUAN