Thuỷ triều đỏ có thực sự đầu độc sinh vật biển?

27/04/2016 23:25

(Baonghean.vn) - Thuỷ triều đỏ là một hiện tượng tự nhiên được quan sát và ghi chép lại từ cách nay hàng nghìn năm. Tuy nhiên, xu hướng gia tăng đột biến của hiện tượng này những năm gần đây khiến các nhà khoa học phải nhìn nhận lại.

Đôi khi, người ta có thể quan sát thấy nước biển ở một số khu vực có mực nước khá nông đổi màu: có khi là màu hơi hồng, nâu, đỏ rực, cam, tím, vàng, thậm chí chuyển màu xanh thẫm, đen ngòm như nước cống…

Màu sắc dị thường đó là do các sắc tố trong tảo biển. Khi gặp điều kiện sinh trưởng thuận lợi, một số loại tảo biển xảy ra hiện tượng bùng nổ về số lượng, khiến nước biển đổi màu.

Tại sao có Thuỷ triều đỏ?

Việc bùng nổ số lượng của vi tảo được cho là phụ thuộc vào các yếu tố: ánh sáng mặt trời, nhiệt độ nước biển, hàm lượng chất dinh dưỡng trong nước biển.

Thuỷ triều đỏ - một cảnh tượng đầy mê hoặc, một hiện tượng thiên nhiên được quan sát từ hàng ngàn năm trước.
Thuỷ triều đỏ - một cảnh tượng đầy mê hoặc, một hiện tượng thiên nhiên được quan sát từ hàng nghìn năm trước. Ảnh: Internet

Xét điều kiện tự nhiên, cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang chịu ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino - được cho là có hoạt động mạnh nhất trong suốt 60 năm qua. Dòng hải lưu ấm khiến nhiệt độ nước biển tăng lên, cộng thêm việc chúng ta đang bước vào mùa hè sớm với lượng chiếu sáng lớn của mặt trời - là những điều kiện thuận lợi cho vi tảo sinh sôi.

Trong khi đó, các hoạt động sinh hoạt và công nghiệp của con người cũng có thể là tác nhân gián tiếp gây ra Thuỷ triều đỏ. Nước thải sinh hoạt và công nghiệp có thể là chất độc đối với phần lớn các động vật thuỷ sinh nhưng lại là nguồn dinh dưỡng dồi dào cho vi tảo.

Ngoài ra, hoạt động vận tải biển làm thay đổi dòng hải lưu cũng có thể gây ra hiện tượng bùng nổ số lượng vi tảo, hoặc là vật trung gian di chuyển các khối vi tảo từ vùng biển này sang vùng biển khác.

Thuỷ triều đỏ tác động như thế nào đến hệ sinh thái?

Trong số 5.000 loài sinh vật phù du biển, 300 loài có khả năng bùng nổ về số lượng, gây đổi màu ở bề mặt nước biển - tức Thuỷ triều đỏ. Một trong số những hiện tượng đi kèm với Thuỷ triều đỏ dễ quan sát nhất là một bộ phận sinh vật biển chết đồng loạt.

Tuy nhiên, sinh vật biển chết khi xuất hiện Thuỷ triều đỏ vì nhiều lý do khác nhau.

Trong đa số trường hợp, sinh vật biển chết khi xuất hiện Thuỷ triều đỏ do không đủ oxy trong nước biển. Khi các vi tảo bùng nổ về số lượng, hoạt động phân huỷ của vi khuẩn trên khối tảo làm cạn kiệt Oxy trong thuỷ vực, gây chết sinh vật biển. Ngoài ra, một số loài vi tảo có khả năng làm tổn thương mang, ảnh hưởng đến hoạt động hô hấp của sinh vật biển.

Thuỷ triều đỏ do vi tảo không độc gây chết cá do làm suy giảm lượng Oxy, không gây hại cho sức khoẻ con người.
Thuỷ triều đỏ do vi tảo không độc gây chết cá do làm suy giảm lượng Oxy, không gây hại cho sức khoẻ con người. Ảnh: Internet

Như vậy, trong trường hợp này, sinh vật biển không chết vì nhiễm độc mà vì thiếu Oxy. Việc tiêu thụ các sinh vật này không dẫn đến nhiễm độc ở người.

Bên cạnh đó, trong số 300 loài vi tảo có khả năng gây ra Thuỷ triều đỏ, 80 loài có thể sản sinh độc tố, gây tác động sâu và rộng hơn đến hệ sinh thái biển. Vi tảo “đầu độc” chuỗi thức ăn qua 2 con đường:

Sản sinh độc tố gây chết trực tiếp động vật thuỷ sinh. Một số loại vi tảo “tử thần” thường được xướng tên là: Karenia brevis, Noctiluca scintillans, Alexandrium excavatum,…Độc tố do vi tảo tiết ra có thể là độc thần kinh hoặc các kim loại nặng tiết ra do quá trình trao đổi ion kim loại của tế bào tảo.

Trên thực tế, chất độc của tảo Karenia brevis mạnh đến nỗi đã từng giết chết hàng loạt cá thể hải ngưu trong vịnh Mexico.

Trong một trường hợp khác, độc tố của vi tảo có thể được hấp thụ và tích luỹ trong cơ thể của một số động vật thuỷ sinh mà không gây chết các sinh vật này. Thường thì các loài nhuyễn thể như hàu, nghêu, sò,…và một số loài cá ăn tảo là vật trung gian lý tưởng nhất.

Khi tiêu thụ các sinh vật nhiễm độc này ở một liều lượng đủ lớn, có thể dẫn đến ngộ độc ở người và các sinh vật nằm ở vị trí cao hơn trong chuỗi thức ăn.

Một tấm bảng cảnh báo
Một tấm bảng cảnh báo: "Không đánh bắt các loài nhuyễn thể có vỏ, khu vực bị nhiễm độc do thuỷ triều đỏ". Ảnh: Internet

Kết luận

Thuỷ triều đỏ là một hiện tượng tự nhiên nhưng xu thế gia tăng đột biến trong những năm gần đây đã khiến các nhà khoa học phải nhìn nhận lại. Các hoạt động của con người có thể là tác nhân gián tiếp gây ra Thuỷ triều đỏ, hoặc cộng hưởng với hiện tượng này gây ra tác động trên diện rộng và sâu hơn đối với hệ sinh thái biển.

Khi xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt nghi có liên quan đến Thuỷ triều đỏ, cần tiến hành xét nghiệm, xác nhận sự có mặt của vi tảo và nhận diện đó là loài tảo gì, có độc tố hay không?
Khi xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt nghi có liên quan đến Thuỷ triều đỏ, cần tiến hành xét nghiệm, xác nhận sự có mặt của vi tảo và nhận diện đó là loài tảo gì, có độc tố hay không?

Để xác định bản chất của hiện tượng, cần tiến hành phân tích, nhận diện loài vi tảo gây ra Thuỷ triều đỏ. Đồng thời, tiến hành giải phẫu, xét nghiệm các cá thể sinh vật biển bị chết để xác định loài vi tảo đó là gì, có tiết độc tố không, sinh vật biển chết do nhiễm độc hay đơn thuần do thiếu Oxy. Từ đó đề ra biện pháp khắc phục, xử lý kịp thời và hiệu quả.

Hải Triều

TIN LIÊN QUAN