Chủ động 'gỡ khó' trong thực hiện chính sách bảo hiểm

15/06/2016 23:37

(Baonghean) - BHXH, BHYT là hai chính sách trụ cột của hệ thống an sinh, góp phần thực hiện công bằng, giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Tuy nhiên, thực tế triển khai BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm khắc phục bằng nhiều giải pháp đồng bộ của ngành bảo hiểm...

Trung tuần tháng 5/2016, tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, Chi đoàn thanh niên BHXH TP.Vinh tổ chức chương trình phát cháo miễn phí và tuyên truyền Luật BHYT sửa đổi năm 2014. Có mặt tại buổi tình nguyện ý nghĩa này, chúng tôi thực sự xúc động bởi trách nhiệm, tinh thần vì cộng đồng của các đoàn viên, thanh niên. Họ phải thức dậy từ 3h sáng để chuẩn bị nồi cháo thơm ngon, dinh dưỡng và không ngại đứng giữa trưa hè nắng nóng, luôn tay múc cháo, nhẹ nhàng trao gửi cho hàng trăm bệnh nhân nghèo đang xếp hàng chờ đợi.

Bà Đặng Thị Ái Liên (xã Hưng Nhân, Hưng Nguyên) - bệnh nhân nhận cháo tại chương trình tình nguyện xúc động chia sẻ: “Tôi điều trị ung bướu ở bệnh viện gần 10 ngày nay, bệnh hiểm nghèo, chi phí thuốc thang cao, không có điều kiện để bồi dưỡng thêm. Nhận được cháo dinh dưỡng ở đây, tôi rất cảm động. Rồi có nhiều thắc mắc về BHYT của tôi đã được các cháu tận tình giải đáp, hướng dẫn làm các thủ tục cần thiết”.

Cán bộ, đoàn viên BHXH TP.Vinh phát cháo miễn phí cho bệnh nhân nghèo.

Được biết, nguồn kinh phí thực hiện chương trình hoàn toàn từ đóng góp hảo tâm của cán bộ, nhân viên BHXH TP.Vinh. Tại buổi tình nguyện, hơn 600 suất cháo dinh dưỡng được trao đi, đi kèm là các tờ rơi, áp phích tuyên truyền, giải thích một số điều trong Luật BHYT sửa đổi năm 2014 cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Lần đầu tiên triển khai nhưng kết quả ghi nhận được ngoài mong đợi, chương trình đã tạo nhịp cầu sẻ chia, đồng cảm và nhân văn; đồng thời tạo cơ hội tiếp cận, tuyên truyền trực tiếp với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân - những đối tượng đang thụ hưởng và có nhiều băn khoăn trong chính sách BHYT về những điểm mới của luật sửa đổi.

Đây là một trong những cách làm hay, nằm trong nhóm giải pháp “gỡ khó” của ngành Bảo hiểm tỉnh về việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Theo đó, thách thức của ngành Bảo hiểm Nghệ An hiện nay là việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT tuy có tăng, đảm bảo và vượt chỉ tiêu cấp trên giao, nhưng nhìn chung chưa khai thác hết tiềm năng.

Người dân tìm hiểu tờ rơi tuyên truyền Luật BHXH, BHYT sửa đổi năm 2014
Người dân tìm hiểu tờ rơi tuyên truyền Luật BHXH, BHYT sửa đổi năm 2014

Số liệu thống kê năm 2015 cho thấy, tỷ lệ người dân tham gia BHYT chiếm 76,95% dân số, hoàn thành vượt chỉ tiêu giao là 74,4%. Trong đó, một số nhóm đối tượng có tỷ lệ bao phủ cao như học sinh, sinh viên 91,34%; người thuộc hộ cận nghèo 90%. Tính đến ngày 31/12/2015, tổng số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN là 2.448.928 người, chiếm 3% tổng số người tham gia trên toàn quốc.

Không bằng lòng với kết quả đạt được, ngành Bảo hiểm tỉnh nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để “phủ sóng” mạng lưới BHXH, BHYT toàn tỉnh, trong đó tập trung mũi nhọn tuyên truyền. Quý I/2016, BHXH tỉnh đã ký chương trình phối hợp triển khai chính sách BHXH, BHYT với các sở, ngành: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Nghệ An, Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

Trên cơ sở các chương trình phối hợp, các hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật BHXH, BHYT và đối thoại doanh nghiệp được tổ chức từ tỉnh đến huyện, với sự tham gia của các nhóm đối tượng tại cơ sở đã góp phần đưa chính sách BHXH, BHYT đến với nhân dân và người lao động trên địa bàn tỉnh. Thông qua các hội nghị này, những vướng mắc của cá nhân, đơn vị trong quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT được tháo gỡ kịp thời.

Cùng với đó, BHXH tỉnh đã tổ chức đào tạo, cấp giấy chứng nhận cho 1.338 nhân viên đại lý thu, thành lập 458 đại lý thu. Đến nay, toàn tỉnh có 1.200 điểm thu BHXH, BHYT tại 427 xã, phường, thị trấn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tiếp cận tham gia BHXH, BHYT. Đặc biệt, trong năm 2015, BHXH tỉnh đã cơ bản hoàn thành công tác điều tra, lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 96,5%. Đây là tỷ lệ được đánh giá cao trong tốp đầu của BHXH toàn quốc.

Người lao động làm thủ tục BHTN tại Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An. Ảnh: Minh Quân
Người lao động làm thủ tục BHTN tại Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An. Ảnh: Minh Quân

Từ đầu năm 2016 đến nay, với việc áp dụng Luật BHXH và Luật BHYT sửa đổi năm 2014, chế độ chính sách có nhiều sự đổi mới, bổ sung, trong khi những tồn tại trước đây vẫn phải tiếp tục giải quyết; các văn bản hướng dẫn thực hiện chậm, không cụ thể, thậm chí một số chế độ chính sách chưa được hướng dẫn giải quyết khiến công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện của cán bộ, nhân viên ngành còn gặp nhiều vướng mắc. Về phía BHXH, tình trạng nợ đọng BHXH còn phổ biến, nhiều đơn vị sử dụng lao động nợ BHXH với số tiền lớn như: Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng 24, Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Nghệ An, Công ty cổ phần - Công ty GTVT và TM Nghệ An, Công ty cổ phần Nạo vét và Xây dựng Đường biển II, Công ty cổ phần Công nghiệp ô tô Trường Sơn...

Trước thực tế đó, ngành Bảo hiểm tỉnh đã chủ động phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các sở, ngành có liên quan để đôn đốc thu BHXH, BHYT nhằm mục tiêu giải quyết chế độ cho người lao động; tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều đoàn thu hồi nợ, đoàn kiểm tra, thanh tra tại các đơn vị nợ lớn, kéo dài. Kết quả, trong năm 2015, đoàn liên ngành đã làm việc với 653 đơn vị sử dụng lao động có số tiền nợ lớn và kéo dài, lập biên bản vi phạm hành chính đối với 285 đơn vị vi phạm, tiến hành xử phạt 133 đơn vị, cưỡng chế 48 đơn vị, thu hồi được số tiền là 72.556 triệu đồng.

Song song với các biện pháp trên, BHXH tỉnh tổ chức khảo sát lao động chấm dứt hợp đồng lao động, đủ điều kiện nghỉ hưởng chế độ BHXH, nhưng chưa được giải quyết do đơn vị nợ đọng BHXH để tổ chức đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Với việc triển khai đồng bộ các biện pháp, năm 2015, số nợ BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh đã giảm 1,35% so với năm 2014 (không bao gồm khoản nợ NSNN đóng BHYT cho các đối tượng). Một số địa phương có số nợ đọng thấp: Yên Thành, Tân Kỳ, Kỳ Sơn, Đô Lương...

Ông Lê Trường Giang - Giám đốc BHXH tỉnh khẳng định: Nhờ nỗ lực thực hiện các giải pháp tích cực, chủ động, phù hợp với đặc điểm của từng đơn vị, ngành Bảo hiểm tỉnh Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong thời gian tới, BHXH tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục duy trì và năng động, sáng tạo nhiều nhóm giải pháp hiệu quả, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, chuyển đổi tác phong từ hành chính sang phục vụ, từ tiền kiểm sang hậu kiểm và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực thi nhiệm vụ, tạo điều kiện tối đa cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình giao dịch.

Phước Anh

TIN LIÊN QUAN