Cá voi 'lụy bờ' báo mùa biển bội thu

27/05/2016 17:10

(Baonghean.vn) - Trong quan niệm của ngư dân miền biển, cá Ông chính là “vị thần hộ mệnh” giúp họ thuận buồm xuôi gió trong những chuyến ra khơi. Chuyện cá ông dạt vào bờ là một điềm lành báo hiệu một mùa bội thu, may mắn đối với nghề đi biển.

Tín ngưỡng thờ cá Ông trở thành một nét văn hóa đặc trưng lâu đời của người dân biển Nghệ An. Đối với họ, Cá voi chính là “linh ngư” ở Biển Đông, thường hay giúp đỡ các ngư dân gặp nạn ngoài khơi. Được ngư dân tôn kính nên họ gọi là Cá Ông, Ngư Ông, hay thần Nam Hải.

Chính vì vậy, ngư dân tuyệt đối không săn bắt và ăn thịt cá voi. Mỗi lần gặp cá voi mắc cạn đều ra sức cứu giúp và đưa cá ra biển. Khi cá đã ra biển, ngư dân còn tung gạo, muối xuống để cá voi có lương thực trở về biển an toàn.

Khi gặp cá voi chết và dạt vào bờ, ngư dân nơi đây xem đó là điềm lành, là phúc đến, bởi mảnh đất này được thần cá chọn làm nơi yên nghỉ, được thần cá tin tưởng phó thác việc an táng.

Hàng ngàn người dân đã đổ xô ra biển cứu cá voi 10 tấn dạt bờ biển Diễn Châu ngày 25-5-2016
Hàng ngàn người dân đã đổ xô ra biển cứu cá voi 10 tấn dạt bờ biển Diễn Châu ngày 25-5-2016. Ảnh: Thành Cường

Toàn tỉnh Nghệ An hiện có gần 10 đền, miếu thờ cá Ông trải dài từ thị xã Hoàng Mai đến Cửa Hội. Trong đó huyện Quỳnh Lưu chiếm số lượng nhiều nhất với 5 đền, miếu tập trung chủ yếu ở các xã Quỳnh Thọ, Quỳnh Long và Tiến Thủy. Mỗi nơi đều gắn với một câu chuyện, giá trị lịch sử, có vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh và tín ngưỡng của cộng đồng ngư dân.

Ngôi đền Làng Hiếu (khối Hải Thanh, phường Nghi Hải, TX.Cửa Lò) được xem là ngôi đền thờ nhiều cá voi nhất Nghệ An với 85 ngôi mộ cá voi được chôn cất qua nhiều thời gian. Mỗi ngôi mộ đều gắn với câu chuyện về ngư dân ra khơi bắt gặp xác cá voi và đưa về mai táng theo nghi thức làng biển.

Đền Làng Hiếu có thể xem là khu lăng mộ  thờ cá Ông  lớn nhất Nghệ An với 85 ngôi mộ được xây cất và hương khói
Đền Làng Hiếu có thể xem là khu lăng mộ thờ cá Ông lớn nhất Nghệ An với 85 ngôi mộ được xây cất và hương khói

Câu chuyện những con cá voi dạt vào bờ, được đưa đi chôn cất và thờ phụng chu đáo vẫn còn được người dân lưu truyền mãi. Đó là năm 1942, một con cá voi dạt vào bờ biển xã Quỳnh Thọ (huyện Quỳnh Lưu) vẫn còn sống, được người dân tìm cách đưa trở lại biển, nhưng Ông vẫn quay trở lại Cửa Lạch, đến ngày 17/3/1942 thì Ông quy tiên.

Hay vào tháng 8/2010, một con cá Ông khổng lồ, dạt vào bãi biển Tiến Thủy, nặng gần 10 tấn làm náo động cả một vùng quê biển. Ngư dân phải huy động 6 tàu đánh cá dùng dây cột xác cá voi kéo vào bờ. Vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 2016, đã liên tiếp 4 con cá voi dạt vào vùng biển Cửa Hội, Cửa Lò đã được người dân mai táng và thờ phụng một cách chu đáo.

Đong đảo người dân Diễn Châu đã đến thắp hương tại mộ cá voi bên bờ biển
Đong đảo người dân Diễn Châu đã đến thắp hương tại mộ cá voi bên bờ biển. Ảnh: Thành Cường

Và gần đây nhất, sáng ngày 27/5, ngư dân Diễn Châu phát hiện cá voi chết nổi ở vùng biển Nghệ An, cách bờ khoảng 3 đến 4 hải lý. Hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành trục vớt đưa vào bờ cùng với ngư dân chôn cất cá theo phong tục truyền thống. Trước đó 2 ngày, người dân xã Diễn Thịnh phát hiện con cá voi khổng lồ bị mắc cạn trên bờ biển. Các cơ quan chức năng đã huy động 3 máy xúc, đào rãnh nước thông ra biển để cứu cá.

Để tỏ lòng thành kính đối với cá Ông, hằng năm vào các dịp đầu năm mới, ngư dân nơi vùng biển đều tổ chức lễ hội cầu ngư. Đây là lễ hội có nguồn gốc từ tục thờ cá Ông của cư dân vùng biển, là một hoạt động mang đậm chất tâm linh với mong muốn cầu cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, trời yên, biển lặng, ngư dân ra khơi thuận buồm xuôi gió, đánh bắt đạt năng suất cao.

Đây còn là dịp để bà con động viên nhau bám biển, giúp người dân địa phương gần gũi nhau hơn, đoàn kết, xây dựng nếp sinh hoạt văn hóa đầy ý nghĩa.

Dâng lễ trong một lễ hội cầu ngư tại làng biển ở Nghệ An
Dâng lễ trong một lễ hội cầu ngư tại làng biển ở Nghệ An

Là ngư dân vùng biển Cửa Hội, ông Phan Công Vinh (54 tuổi, xóm Xuân Lộc, xã Nghi Xuân, Nghi Lộc) cho biết: “Theo quan niệm của ông bà tổ tiên truyền lại, mỗi lần thuyền bè ra khơi gặp sóng to gió lớn, cá ông đều cứu giúp, đưa thuyền và ngư dân trở vào bờ an toàn. Việc cá voi lụy bờ là điềm lành đối với người dân nơi đây bởi vậy khi phát hiện xác cá voi, người dân đã tiến hành mai táng và thờ phụng cẩn thận”.

Ông Nguyễn Hữu Hoa (43 tuổi, Khối Tân Nho, phường Nghi Hải, TX.Cửa Lò)_người phát hiện xác cá voi trôi dạt gần Lạch Cửa Hội vào ngày 8/4 cho biết: “Cá Ông là vị thần Nam Hải, có ơn với ngư dân vùng biển. Vì vậy khi gặp cá ông chết, ngư dân các làng xung quanh đã cùng với tôi tiến hành làm đám tang và các nghi lễ cho ngài. Tôi được coi như là trưởng nam (con trai ông Nam Hải) chịu tang ngài 2 năm để thể hiện tình cảm của ngư dân vùng biển đối với loài vật cứu ơn sinh mệnh mình”.

Theo quan niệm ngư dân, cá Ông lụy bờ khu vực biển nào thì là điều may mắn cho ngư dân khu vực đó. Việc cá voi chết dạt bờ là điềm lành, bởi do cứu người quá sức và khi chết đã chọn đất liền làm nơi an nghỉ.

Xác cá voi do ông Nguyễn Hữu Hoa phát hiên và cùng ngư dân Nghi Hải (Cửa Lò)  tổ chức mai táng
Xác cá voi do ông Nguyễn Hữu Hoa phát hiên và cùng ngư dân Nghi Hải (Cửa Lò) tổ chức mai táng ngày 18/4/2016 tại Cửa Lò

Theo lý giải của các nhà khoa học giải thích cho hiện tượng cá voi hay cứu người. Khi thời tiết xấu và biến động dữ dội, cá voi lặn sâu để được yên tĩnh. Biển càng động thì cá voi càng lặn sâu. Nhưng vì cần phải hô hấp nên thỉnh thoảng nó lại trồi lên mặt nước.

Nếu việc trồi lên lặn xuống kéo dài nhiều ngày đêm thì cá voi sẽ kiệt sức dẫn đến bị chết, nó sẽ trôi theo dòng nước, được sóng đưa vào bờ. Bên cạnh đó, bão tố thường xuyên xuất hiện trên biển cũng là một nguyên nhân khiến cho loài cá này thường tìm một nơi ẩn náu, đó chính là những con thuyền của ngư dân. Do bất ngờ vì bão tố và không thể trốn lâu dưới nước sâu, cá voi phải rình chờ khi thuyền bè đi qua thì xáp lại mạn thuyền, dựa lưng vào nha tránh bão và cùng được sóng đưa vào bờ.

Ông Võ Minh Hồng bên một ngôi mộ cá Ông
Ông Võ Minh Hùng thành kính thắp hương trên ngôi mộ cá Ông ở làng biển Nghi Thiết, Nghi Lộc.

Ông Võ Minh Hùng (59 tuổi, xóm Rồng, xã Nghi Thiết, Nghi Lộc) cho biết: “Ở núi Rồng ngay cạnh Lạch Lò có hàng trăm ngội mộ cá Ông được chôn chất qua nhiều thời gian. Đối với người dân nơi đây, cá Ông là loài cá luôn phù hộ độ trì cho ngư dân đi lại và đánh bắt cá trên biển. Vì vậy, việc cá Ông lụy bờ là điềm lành đối với ngư dân và thờ phụng cá voi chính là văn hóa tín ngưỡng, là trách nhiệm mà mỗi người dân vùng biển cần phải thực hiện”.

Vương Vân

TIN LIÊN QUAN