Nam Đàn quyết đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong năm 2016

25/04/2016 05:43

(Baonghean) - Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Huyện ủy Nam Đàn trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An.

P.V: Sau 5 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Nam Đàn đã tạo được thế và lực mới. Xin đồng chí cho biết một số thành tựu nổi bật?

Đồng chí Thái Thanh Quý: Qua 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý điều hành của chính quyền các cấp, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và của toàn dân nên huyện Nam Đàn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phong trào xây dựng NTM.

Lãnh đạo huyện Nam Đàn thăm mô hình trang trại tại xã Nam Giang. Ảnh: Sỹ Minh
Lãnh đạo huyện Nam Đàn thăm mô hình trang trại tại xã Nam Giang. Ảnh: Sỹ Minh

Trước hết, dễ nhận thấy nhất đó là cơ sở hạ tầng có bước phát triển rõ rệt. Hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng trên địa bàn huyện được nâng cấp, bê tông hóa; cùng với các công trình như trường học, trạm y tế và các thiết chế văn hóa thể thao được chỉnh trang, làm mới, góp phần tạo nên diện mạo khang trang, sạch đẹp. Cụ thể, trong 5 năm qua đã xây mới, nâng cấp, cải tạo được 438,8 km đường giao thông các loại; nâng cấp, tu sửa 75,1 km kênh mương, 17 trạm bơm, 11 hồ đập và hàng ngàn cống nội đồng; nâng cấp, thay thế hệ thống điện, trạm biến áp tại 23/23 xã; xây mới, nâng cấp một số phòng học, phòng chức năng tại 49 điểm trường, 12 nhà văn hóa xã, 84 sân thể thao xóm, 17 trụ sở làm việc và 14 trạm y tế trên toàn huyện...

Một trong những kết quả quan trọng được đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nam Đàn quan tâm thực hiện trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới là phát triển kinh tế nông thôn. Những cách làm sáng tạo được khuyến khích, từ đó, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống cho người dân. Trên địa bàn huyện hiện đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa với các mô hình như hoa lý, mướp đắng, hẹ, rau thơm ở Nam Anh, Nam Xuân; dưa hấu, bí xanh ở Nam Tân, Vân Diên; trồng hoa ở Kim Liên, Xuân Hòa, Hùng Tiến; trồng ngô làm thức ăn cho bò sữa ở Nam Lộc, Khánh Sơn, Nam Tân; Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn tại Xuân Hòa...Trong chăn nuôi có các mô hình như bò vỗ béo ở Nam Cường, Hồng Long; gà an toàn sinh học tại Kim Liên, Nam Cát, Nam Anh, Nam Lĩnh; dê sinh sản ở Vân Diên, Nam Thái...

Có thể khẳng định rằng, diện mạo nông thôn của huyện Nam Đàn đã có nhiều khởi sắc, kinh tế phát triển khá, thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng (tăng 1,4 lần so với năm 2010); cơ sở hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ; văn hóa, y tế, giáo dục có chuyển biến tích cực, an sinh xã hội được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được củng cố và tăng cường; đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao. Kết quả, đến nay toàn huyện đã có 10/23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 10 xã đạt trên 15 tiêu chí, bình quân toàn huyện đã đạt 16/19 tiêu chí nông thôn mới; đang phấn đấu cuối năm 2016 sẽ có thêm 10 xã về đích để huyện được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

P.V: Nam Đàn là địa phương phát huy được nguồn lực xây dựng NTM thuộc diện lớn của tỉnh. Bài học kinh nghiệm để có được kết quả này là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Thái Thanh Quý: Trong những năm qua, Nam Đàn đã huy động được nguồn lực xây dựng nông thôn mới khá lớn, toàn huyện huy động được 1.088 tỷ đồng. Trong đó: Ngân sách Trung ương đầu tư trực tiếp cho chương trình là 80,4 tỷ đồng, chiếm 7,4%; ngân sách tỉnh hỗ trợ trực tiếp là 45,9 tỷ đồng, chiếm 4,2% (bằng tiền là: 2,6 tỷ đồng, bằng xi măng là 29.847 tấn, tương đương 43,3 tỷ đồng); ngân sách huyện hỗ trợ trực tiếp là 4,4 tỷ đồng, chiếm 0,4%; doanh nghiệp đầu tư hỗ trợ là 92,4 tỷ đồng, chiếm 8,5%; nhân dân đóng góp 235,8 tỷ đồng, chiếm 21,7%; còn lại là vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án và nguồn khác là 629,1 tỷ đồng, chiếm 57,8%.

Để có thể đạt được kết quả ấy, ngay từ những ngày đầu triển khai, chúng tôi đã xác định rằng việc quan trọng trong xây dựng NTM là phải tạo được sự đồng thuận, thống nhất, phối hợp thực hiện giữa đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên. Tất cả cùng tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức trách nhiệm cho mọi người dân về nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, khắc phục những hạn chế trong nhận thức của cán bộ và nhân dân; cùng nhau chung tay tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở; đồng thời phải thực hiện công khai, dân chủ minh bạch để tạo niềm tin trong nhân dân, tăng cường đối thoại với nhân dân; phải có sự phân công, phân nhiệm vụ cụ thể và thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát.

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở phải chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo triển khai, đặc biệt là việc tiếp cận với các doanh nghiệp để có thêm nguồn lực đầu tư. Song, điều căn bản chúng tôi xác định vẫn phải là từ chính nội lực của nhân dân, mà cốt yếu là bằng việc phát triển sản xuất, tăng thu nhập để người dân có điều kiện góp của, góp công trong thực hiện chương trình.

Đường thôn Bói Lợi, xã Nam Cát, huyện Nam Đàn. Ảnh: Minh Thư
Đường thôn Bói Lợi, xã Nam Cát, huyện Nam Đàn. Ảnh: Minh Thư

P.V: Xin đồng chí cho biết kế hoạch và nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng NTM của huyện Nam Đàn trong năm 2016?

Đồng chí Thái Thanh Quý: Lộ trình chúng tôi đặt ra là phấn đấu năm 2016 có thêm 10 xã về đích nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 20/23 xã (tỷ lệ 87%), để trong năm 2016 này Nam Đàn có thể được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Với kế hoạch đặt ra cho chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện như vậy, chúng tôi xác định một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm 2016 này là:

Mỗi đơn vị cơ sở phải tiến hành rà soát lại từng tiêu chí chưa đạt, khối lượng công việc cần thực hiện để xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể; ưu tiên tập trung đầu tư những nội dung tiêu chí dễ thực hiện để thực hiện trước. Đối với các xã đăng ký về đích trong năm 2016, cần xác định rõ còn có những khó khăn vướng mắc gì để huyện và cơ sở cùng tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ.

Đồng thời, quán triệt quan điểm phải thực hiện xây dựng nông thôn mới bền vững, không chạy theo thành tích, số lượng mà phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả, thiết thực; phải tạo được đồng thuận thực sự, nhất là đồng thuận của nhân dân. Theo đó, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước để nâng cao nhận thức cho người dân thì cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm tiên phong, gương mẫu của người lãnh đạo; phát huy vai trò của những người có uy tín ở địa phương, người cao tuổi, trưởng thôn trong việc huy động nội lực chung tay, đóng góp sức người, sức của xây dựng nông thôn mới. Muốn có nội lực thì phải có sức dân, dân có giàu thì nội lực mới mạnh. Do đó, huyện và cơ sở phải chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất, phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương; chọn các cây, con chủ lực để xây dựng các mô hình phát triển sản xuất thích hợp với điều kiện của từng vùng, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tăng cường các mô hình liên doanh, liên kết để chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị sản xuất.

Ngoài ra, phải tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội và thực hiện tốt việc lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn để đầu tư xây dựng NTM; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư trong xây dựng NTM đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của Nhà nước và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn…

Đảng bộ và nhân dân Nam Đàn luôn nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới, phấn đấu sớm đưa huyện nhà trở thành huyện nông thôn mới. Đó là mục tiêu, là trọng trách của Nam Đàn - quê Bác.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

a
Nông dân xã Kim Liên làm đường bê tông.

Văn Trường

(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN