Các sự cố khiến phi công gặp nguy hiểm khi nhảy dù

18/06/2016 21:56

Chấn thương cột sống dẫn đến mất khả năng thao tác, hôn mê do màng nhĩ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc trục trặc kỹ thuật khiến dù không bung là những nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng của phi công.

cac-su-co-khien-phi-cong-gap-nguy-hiem-khi-nhay-du

Khoảnh khắc ghế phóng của phi công vọt ra khỏi buồng lái khi máy bay gặp sự cố. Ảnh: Aviationist

Ngày 12/6/1999, triển lãm hàng không vũ trụ Paris lần thứ 43 được khai mạc. Loại máy bay tiêm kích tối tân của Nga khi đó là Su-30MK cất cánh biểu diễn trước hàng nghìn quan khách.

Tuy nhiên, cuộc trình diễn đã không thành công trọn vẹn khi ở những phút cuối cùng, do tính toán sai độ cao, phi công Vyacheslav Averyanov đã để đuôi máy bay chạm đất khi thực hiện động tác nhào lộn. Với động cơ bên phải chưa bị hỏng, chiếc máy bay vẫn ngóc đầu đạt độ cao 50 m. Ngay lập tức Vyacheslav Averyanov và người đồng đội Vladimir Shendrik bật ghế phóng thoát ra ngoài. Hai phi công trên chiếc Su-30MK sau đó hạ cánh an toàn, tự bước đi trước sự kinh ngạc của mọi người.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia thuộc trang Eureksante trên thực tế không phải tất cả những lần bật ghế phóng thoát nạn của phi công đều diễn ra suôn sẻ như vậy. Ngoài sự phức tạp của tình huống, phi công còn phải đối mặt với hàng loạt mối nguy hiểm không thể lường trước khác.

Nguy hiểm đầu tiên nảy sinh từ chính tốc độ cao và đột ngột của ghế phóng. Gia tốc cực lớn gây tác động tới cơ thể của người ngồi trên ghế. Các cuộc thử nghiệm ghế phóng đầu tiên thời kỳ Thế chiến 2 được thực hiện với hình nộm. Tuy nhiên, hãng Martin Berker của Anh khi đó muốn thử nghiệm với người thật để có được các thông số cần thiết. Phi công Bernard Lynch của Anh là một trong những người đầu tiên tham gia các cuộc thử nghiệm "sống". Sau các cuộc thử nghiệm, chủ yếu với loại máy bay Gloster Meteor, phi công này cho biết rất khó chịu, đặc biệt là cảm thấy đau ở xương sống.

Cựu phi công Craig Penrice thuộc Không quân Hoàng gia Anh hồi năm 2003 cũng phải bật ghế phóng khi bay trên chiếc Hawker Hunter tại triển lãm hàng không ở Portrush, Bắc Ireland. Sau đó, phi công này đã tạm thời bị liệt nửa người từ thắt lưng trở xuống do bị tổn thương đốt sống và những mảnh xương vỡ găm vào tủy sống.

Năm 1966, phi công David Eagles của Anh cất cánh cùng chiếc máy bay Blackburn Buccaneer từ hàng không mẫu hạm HMS Victorious nhưng đã phải bật ghế phóng do gặp trục trặc. Phi công này đã bị tổn thương tới 3 đốt sống và phải nằm trên giường bệnh trong nhiều tháng. Hồi tưởng lại lần thoát nạn, Eagles cho biết ngay sau khi bật ghế phóng, anh cảm thấy như bị đâm mạnh vào sau lưng và điều đó chỉ diễn ra trong tích tắc.

Trong các cuộc thử nghiệm đầu tiên, phi công Lynch của Anh mới chỉ phải chịu gia tốc 4G. Các ghế phóng hiện đại ngày nay có gia tốc lên tới 12-15G. Dù các nhà chế tạo cố gắng điều chỉnh lực đẩy phù hợp và hướng phóng hợp lý song không thể loại bỏ hoàn toàn tác động của gia tốc lên xương sống của phi công dù lực tác động chỉ kéo dài khoảng 0,15 giây.

cac-su-co-khien-phi-cong-gap-nguy-hiem-khi-nhay-du-1

Phi công Pháp huấn luyện sinh tồn trên biển. Ảnh: Ministre de la Defense

Và như vậy, khi bị chấn thương xương sống đột ngột, việc thực hiện thao tác bảo đảm an toàn theo quy định của phi công trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Trong trường hợp phi công đáp xuống mặt biển, tình hình càng trở nên nguy hiểm bởi họ không thể thực hiện các thao tác tháo dù khỏi người và dẫn đến tình trạng ngạt nước, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng ngay lập tức.

Ngoài ra, khi bật ghế phóng từ độ cao lớn, phi công còn phải đối mặt với nguy hiểm khác là dù không thể bung và bị rối do không khí quá loãng. Hiện nay, để khắc phục nhược điểm này, các nhà chế tạo lắp đặt thêm bộ cảm biến áp suất. Nhờ đó, dù phụ có đường kính 1,5 m sẽ chỉ bật dù chính sau khi ở độ cao dưới 3.000 m. Như vậy, nếu bộ cảm biến áp suất hoặc dù phụ gặp trục trặc khi ghế phóng ở độ cao trên 10 km, phi công sẽ đối mặt với nguy cơ rất cao không thể bung dù chính.

Bên cạnh đó, tốc độ rơi của ghế phóng vào khoảng 1.110 km/h cũng tạo ra nhiều nguy hiểm đối với phi công. Các ghế phóng hiện đại có cơ chế tự động cố định chân và tay của phi công ở vị trí thích hợp. Ngày nay, các phi công được trang bị thêm nhiều thiết bị hiện đại như kính nhìn đêm, thiết bị chỉ thị mục tiêu trên mũ. Trọng lượng phần đầu gia tăng cũng tạo ra nguy cơ bị chấn thương cổ trong quá trình bật ghế phóng. Ngoài ra, những sự cố như bung mặt nạ dưỡng khí hay các cơ cấu tự động khác bị trục trặc cũng có thể khiến phi công gặp nguy hiểm.

Một nguy cơ khác ảnh hưởng đến tính mạng của phi công là việc bị rơi vào tình trạng ngất xỉu. Nếu phi công buộc phải kích hoạt ghế phóng dù khẩn cấp từ độ cao lớn, màng nhĩ của họ sẽ bị tác động rất mạnh, thậm chí bị thủng đột ngột do sự thay đổi nhanh của áp suất khí quyển. Như vậy phi công sẽ rơi vào tình trạng mất nhận thức và không thể thực hiện thao tác an toàn. Nếu đáp dù xuống đất, phi công có thể bị gãy chân. Còn nếu đáp dù xuống biển thì cơ hội sống sót của họ gần như bằng không./.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN