Bộ Giáo dục thay đổi phương thức xét tuyển đại học, cao đẳng

12/05/2016 16:56

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ cung cấp phần mềm xét tuyển dùng chung cho các trường đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, lựa chọn sử dụng hay không là quyền của các trường.

Những ngày qua, thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo thay đổi phương thức xét tuyển đại học, cao đẳng khi ngày thi THPT quốc gia đang đến gần khiến nhiều thí sinh và phụ huynh lo lắng.

Chiều 12/5, Bộ Giáo dục cho biết sẽ cung cấp phần mềm dùng chung cho nhiều đại học, cao đẳng để thí sinh đăng ký xét tuyển. Phần mềm này tự động lọc thí sinh trúng tuyển, sau đó cung cấp lại dữ liệu cho các trường.

Theo Bộ Giáo dục, phần mềm này tương tự phần mềm của các nhóm trường do Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Đà Nẵng dự định sử dụng.

bo-giao-duc-thay-doi-phuong-thuc-xet-tuyen-dai-hoc-cao-dang

Thí sinh mùa tuyển sinh 2016.

Bộ khẳng định đây chỉ là giải pháp kỹ thuật để hỗ trợ thực hiện quy chế xét tuyển tốt hơn, hạn chế tối đa thí sinh ảo, giúp các trường nắm được toàn cảnh bức tranh xét tuyển, từ đó quyết định danh sách thí sinh trúng tuyển phù hợp nhất. Còn việc sử dụng kết quả thế nào do các trường tự quyết định.

Theo Bộ Giáo dục, tuyển sinh là quyền tự chủ của các trường, vì vậy phần mềm dùng chung là để các trường tự lựa chọn chứ không bắt buộc tham gia. Và đây hoàn toàn là yếu tố kỹ thuật, không ảnh hưởng đến thí sinh.

Trước đó, Bộ Giáo dục cho biết năm nay có một điểm mới trong tuyển sinh đại học, cao đẳng là xuất hiện các nhóm tuyển sinh để hỗ trợ nhau và tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh. Vào cuối tháng 4, ngoài nhóm trường do Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì (với 11 trường tham gia), Bộ cũng đã có công văn đồng ý cho Đại học Đà Nẵng chủ trì tuyển sinh theo nhóm.

Lúc bấy giờ, Bộ cho biết đang khuyến khích các trường đại học phía Nam, khu vực TP HCM thành lập nhóm tuyển sinh. Bộ đã liên hệ với Đại học Quốc gia TP HCM đứng ra thành lập nhóm, và các trường trong đó cũng đang tiến hành. Sắp tới nếu các trường thành lập nhóm thì họ sẽ báo cáo lại Bộ.



Theo VNE

TIN LIÊN QUAN