Số phận người đàn bà trở về sau 12 năm bị lừa bán sang Trung Quốc
(Baonghean.vn)- Nghe theo lời rủ rê của nhóm người lạ, chị Sáu bị bọn buôn người bán cho một người đàn ông Trung Quốc. Suốt 12 năm nơi xứ người, chị nếm bao đắng cay, tủi nhục. Một lần, chị xin về quê thăm lại gia đình rồi trốn chạy khỏi “địa ngục trần gian”...
Hội Liên hiệp phụ nữ TX. Hoàng Mai vừa tổ chức lễ bàn giao nhà mái ấm tình thương cho chị Nguyễn Thị Sáu (SN 1970), hộ nghèo, đơn thân trú tại thôn Tam Hợp, xã Quỳnh Lập. Ngôi nhà trị giá 130 triệu đồng, được xây dựng trên diện tích 60m2. Chị Sáu là trường hợp rất đặc biệt, 20 năm trước chị là nạn nhân của một vụ mua bán người, lưu lạc trên đảo Hải Nam (Trung Quốc) suốt 12 năm mới được trở về nhà ...
12 năm sống cảnh “địa ngục trần gian”
Chị Nguyễn Thị Sáu kể: chị sinh ra trong một gia đình kinh tế không đến nỗi nào, bố từng là chủ tịch xã, nhưng do đông con (có tới 7 anh chị em), chị Sáu là con áp út, mẹ lại đau ốm liên miên nên chỉ học đến lớp 5 rồi nghỉ, bắt đầu lăn lộn mưu sinh.
Anh chị em lần lượt lập gia đình, sinh sống ở xa, chị Sáu vẫn ở vậy, đi biển và chăm người mẹ liệt giường. Ngoảnh đi ngoảnh lại, chị cũng đã đến tuổi “băm” nhưng chưa có mảnh tình nào vắt vai. Khi bố mẹ qua đời, chị bắt đầu những chuyến buôn cá xa nhà và định mệnh cuộc đời cũng bắt đầu ập đến từ những chuyến đi ấy.
Chị Nguyễn Thị Sáu hồi tưởng lại quãng thời gian tủi nhục xứ người. |
Trong những lần dạt vào huyện Yên Thành buôn bán cá khô, chị gặp một nhóm người nói giọng Bắc. Biết hoàn cảnh đáng thương của chị, những người này đã bày tỏ tâm nguyện muốn “giúp đỡ” bằng cách rủ rê chị sang Trung Quốc làm thuê, công việc vừa nhàn thân lại ăn sung mặc sướng.
Như bị bùa mê thuốc lú, chị đã giấu gia đình theo chân những người này ra Quảng Ninh rồi đi thuyền theo đường tiểu ngạch để sang bên kia biên giới. Sau 3 ngày 3 đêm chui nhủi, chị cũng đến được “miền đất hứa” như viễn cảnh mà mấy người kia đã vẽ ra, tuy nhiên thực tế không như vậy.
Sau 2 ngày bị “giam lỏng”, chị tiếp tục bị đưa lên thuyền để đi mà mãi sau này chị mới biết đó là vùng nông thôn hẻo lánh, thuộc huyện Miền Xiên, tỉnh Hải Nam, một hòn đảo cực nam của Trung Quốc. Tại đây, chị bị bán cho một người đàn ông bản địa để làm vợ, một cuộc mua bán mà bản thân chị cũng như người thân ở Việt Nam không hề có được nửa đồng xu. Đó là thời điểm cuối năm 1996.
Những ngày đầu, do bất đồng ngôn ngữ, phong tục, tập quán, phía gia đình chồng lại sợ chị bỏ trốn nên giam lỏng, khiến cuộc sống của chị rất tủi nhục. Thế nhưng, một năm sau đó, chị sinh hạ cho nhà chồng một đứa con trai là Hồ Xúy Căng thì mọi người đã nhìn chị với ánh mắt thiện cảm hơn. Chồng chị, anh Hồ Xúy Sinh (SN 1961), là một lão nông cục mịch nhưng yêu chiều con cái nên chị cũng được thơm lây, không còn phải đầu tắt mặt tối và làm những việc nặng nhọc như trước.
Dù sống với chồng con, nhưng chị Sáu luôn có tư tưởng đào thoát để trở về nơi chôn nhau cắt rốn. “Dù ở làng có nhiều người Việt Nam bị lừa bán sang, nhưng chẳng ai dám bỏ trốn vì xung quanh toàn núi rừng, lại bị bao bọc bởi bốn bên là biển cả, có trốn cũng không thoát được”, chị Sáu kể lại.
Thoắt cái tròn 10 năm chị sống ở xứ người, hàng trăm lần ấp ủ kế hoạch đào tẩu nhưng bất thành. Khi chị sinh đứa con thứ hai Hồ Xúy Dũng (SN 2006). Niềm tin từ chồng và gia đình chồng dành cho chị đã đủ lớn, song lúc này chị lại không nỡ dứt tình mẹ con.
Nấn ná mãi, đến lúc cháu Dũng được 2 tuổi, vào năm 2009, sau khi thuyết phục được gia đình chồng, chị Sáu quyết định ôm theo cháu Dũng trở về quê hương dưới danh nghĩa là thăm anh em, họ hàng.
Nước mắt trùng phùng
Tháng 7/2009, hai mẹ con chị Nguyễn Thị Sáu được một người Việt đang làm ăn sinh sống ở Trung Quốc đưa về Việt Nam, đến tỉnh Thái Bình thì được anh trai từ Nghệ An ra đón. Tròn 12 năm biệt xứ, ngày về cái gì với chị cũng trở nên lạ lẫm.
Bố mẹ không còn, nhà cửa cũng bán hết, hai mẹ con phải nương nhờ anh em để sống. Ngày đi, chị Sáu tay không. Khi trở về, cũng chỉ hai bàn tay trắng. Quyết định ở lại Việt Nam, không quay lại đảo Hải Nam là một việc làm rất khó khăn, nhưng chị không muốn trở lại nơi “địa ngục trần gian” đó thêm một lần nào nữa, nên đã hạ quyết tâm.
Ngôi nhà tình nghĩa do Hội LHPN thị xã Hoàng Mai xây tặng chị Sáu |
Làm lại khai sinh cho con, chị chấp nhận làm người mẹ đơn thân, ở vậy nuôi con ăn học. 5 năm sau ngày mẹ con chị về Việt Nam, anh Hồ Xúy Sinh có sang thăm và năn nỉ chị đưa con về lại, nhưng chị đã không đủ can đảm để làm vậy. “Những ngày đầu mới về lại quê nhà, hai mẹ con rất khó khăn để thích nghi. Dù vậy, tôi luôn nghĩ đến con để vượt qua tất cả. Giờ cháu đã học xong lớp 3, đó là chỗ dựa tinh thần lớn lao để tôi vững tin sống”, chị Sáu tâm sự.
Sau gần 7 năm sống cảnh “ăn nhờ ở đậu”,cuối cùng mẹ con chị đã có ngôi nhà mới, đó là món quà từ sự chung tay của xã hội. Không còn phải lăn tăn chuyện an cư, cũng như bao người phụ nữ khác ở miền biển này, chị trở lại cuộc sống của ngày xưa, bốc vác cá thuê dưới bến thuyền.
Niềm vui của hai mẹ con chị Sáu trong ngôi nhà mới |
Chị bảo, bản thân thường xuyên bị đau ốm, bệnh tật hành hạ, nhưng ngày ngày vẫn ra biển, xuống bãi cá làm thuê. Thu nhập rất phập phù, ngày nhiều thì từ 50.000 đồng – 100.000 đồng, có những hôm không may mắn thì chẳng có đồng nào. Hỏi, chị có ý định lấy chồng nữa không? chị Sáu ôm đứa con vào lòng thủ thỉ: “12 năm sống kiếp làm vợ không tình yêu, đã đủ nếm trải mọi dư vị đắng chát của hôn nhân. Giờ chỉ có tình yêu duy nhất là con trai, tôi sẽ dồn hết mọi tình cảm để nuôi cháu lớn khôn”.
Ông Lê Bá Vân, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập thông tin thêm, từ sau khi mẹ con chị Sáu trở về quê nhà, chính quyền đã tạo điều kiện để nhập hộ khẩu, hỗ trợ làm thủ tục cấp chứng minh nhân dân và chỉ đạo hội phụ nữ giúp đỡ hai mẹ con ổn định cuộc sống./.
Hà Thư
TIN LIÊN QUAN