Đạp xe để đẩy lùi thoát vị đĩa đệm?

09/07/2016 19:21

Các môn thể thao tốt cho bệnh thoát bị đĩa đệm như: bơi lội hay đạp xe… bởi nó đảm bảo nguyên tắc dùng chính trọng lượng cơ thể kéo giãn cột sống.

Người bị thoát vị đĩa đệm cần chú ý gì khi đi xe đạp

Khi đi xe đạp nên đi trên đường phẳng, tránh các con đường mấp mô, xóc, nhiều “ổ gà” bởi có thể gây ảnh hưởng đến phần đĩa đệm bị lệch ra ngoài khiến người bệnh đau đớn, bệnh tình thêm nặng hơn.

Bạn nên đạp nhẹ nhàng, đi từ từ, không đi nhanh, nên chọn xe có chiều cao vừa phải, phù hợp với chiều cao của bản thân; bắt đầu chỉ nên đạp xe một đoạn đường ngắn, sau đó có thể tăng dần lên.

dap xe de day lui thoat vi dia dem? hinh 0
Khi đạp xe, khối cơ lưng không vận động nhiều, giúp các chi vận động được nhiều hơn.

Thoát vị đĩa đệm là bệnh lý hay gặp ở cả người trẻ lẫn người cao tuổi. Nếu không được điều trị và tập luyện đúng cách sẽ ảnh hưởng trầm trọng tới chất lượng sống. Hiện nay, nhiều người bệnh đã chọn liệu pháp đạp xe nhằm đẩy lùi thoát vị đĩa đệm, nhưng hiệu quả có được như mong muốn.

Anh Tống Văn Sơn, 54 tuổi, ở phố Nguyễn An Ninh, Hà Nội, cách đây gần 10 năm bị thoát vị đĩa đệm.

Anh kể: “Mỗi khi đứng lên hay nằm xuống tôi đều phải nhờ người nâng đỡ. Bác sĩ khuyên tôi hằng ngày nên tập luyện bộ môn bơi, đu xà, đạp xe... Tuy nhiên, tôi thấy hiệu quả nhất vẫn là “món” đạp xe.

“Mới đạp xe được gần 3 năm, tới nay tôi có thể đạp liên tục 2 tiếng liền không hề mệt. Khi trở về, làm việc hiệu quả hơn rất nhiều. Đặc biệt, không còn hiện tượng đau thắt lưng hay cột sống nữa”.

Thoát vị đĩa đệm - bệnh phổ biến ở người cao tuổi

Theo bác sĩ Nguyễn Vũ, Phó trưởng Khoa Ngoại Thần kinh Cột sống và Chấn thương chỉnh hình, BV Đại học Y Hà Nội, thoát vị đĩa đệm là căn bệnh rất phổ biến, trong đó thoát vị đĩa đệm cột sống là nguyên nhân phổ biến gây đau cột sống cổ, cột sống thắt lưng cũng như đau, tê bì chân tay.

Thoát vị đĩa đệm ở người lớn tuổi, nguyên nhân chủ yếu thường là hậu quả của thoái hóa đĩa đệm, cùng với sự tăng dần của tuổi tác, đĩa đệm sẽ ngày càng bị khô, trở nên kém linh hoạt và dễ bị tổn thương khi bị chấn thương. Còn thoát vị đĩa đệm ở người trẻ lại do chấn thương hoặc những thói quen sai lầm trong sinh hoạt hằng ngày. Khi đã thoái hoá, cần tập luyện làm giãn và linh hoạt hơn các khối cơ, từ đó giảm rõ rệt nguy cơ chèn ép thần kinh hơn. Do vậy, đu xà đơn, bơi lội hay đạp xe… là môn thể thao vô cùng tốt bởi nó đảm bảo nguyên tắc dùng chính trọng lượng cơ thể kéo giãn cột sống.

“Khi cơ thể được vận động thì lắng đọng can-xi ít hơn, đồng thời vôi hoá ít hơn. Vì vậy, khi cơ thể được vận động nhiều, dây chằng sẽ rất linh hoạt và vôi hoá sẽ không lắng đọng, sẽ không còn triệu chứng gây đau mỏi. Khi cơ xương mềm mại thì những đợt đau cấp sẽ không làm ảnh hưởng nhiều, hoặc ít đau hơn bởi rễ thần kinh không bị chèn ép”, bs Vũ nhấn mạnh.

Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng cách nào?

Theo bác sĩ Nguyễn Vũ, một đĩa đệm có 3 thành phần: ngoài cùng là vòng xơ, giữa là nhân nhầy (giảm sóc). Khi trẻ, nhân nhầy còn tốt sẽ luân chuyển giảm áp cho cột sống. Khi vòng xơ và nhân nhầy thoái hoá dần, sẽ bị mất nước, cộng với cột sống hoạt động quá mức hoặc sai tư thế sẽ làm rách vòng xơ, dẫn đến rễ thần kinh và ống sống bị chèn ép gây đau cột sống người ta gọi là thoát vị đĩa đệm.

Nhiều người bị thoát vị cột sống có thể không có triệu chứng mà chỉ khi tình cờ đi khám bệnh mới phát hiện hình ảnh thoát vị đĩa đệm trên phim chụp. Hoặc người bệnh có biểu hiện đau vùng thắt lưng, hoặc vai cổ lan ra cánh tay hoặc xuống mông, mặt sau đùi, mặt sau ngoài cẳng chân và có thể cả bàn chân, khiến tê bì và yếu cơ.

Triệu chứng đau tay và chân có thể khởi phát hoặc tăng lên khi ho, hắt hơi, khi vận động cột sống. Tùy vào mức độ của bệnh lý, có chỉ định điều trị nội khoa từ 4 - 6 đợt mà không đỡ, hay BN có biểu hiện teo chân teo cơ mà đã điều trị bằng vật lý trị liệu thì phải phẫu thuật.

Việc điều trị thoát vị đĩa đệm đặc biệt cần lưu ý đến chế độ vận động. Trong thời kỳ cấp tính, nằm nghỉ tại giường là nguyên tắc quan trọng đầu tiên. Tư thế nằm ngửa trên ván cứng, có đệm ở vùng khoeo làm co nhẹ khớp gối và khớp háng. Thực hiện điều trị vật lý và các liệu pháp phản xạ: bao gồm phương pháp nhiệt như chườm nóng (túi nước, muối rang, cám rang, lá lốt, lá ngải cứu nóng); dùng các dòng điện tại khoa vật lý trị liệu, điều trị bằng laser; châm cứu. Ngoài ra bệnh nhân có thể dùng các loại thuốc chống viêm, giảm đau, giãn cơ, an thần, trấn tĩnh thần kinh và vitamin nhóm B liều cao (B1, B6, B12).

BS Vũ lưu ý, thoát vị đĩa đệm ở người trẻ phần lớn do chấn thương hoặc vì những thói quen sai lầm trong sinh hoạt hằng ngày. Do đó, để phòng ngừa thoát vị đĩa đệm cần loại bỏ nguyên nhân gây bệnh, trong đó chú ý tư thế hợp lý trong lao động, vận động và hoạt động, đặc biệt là tư thế lao động, tư thế ngồi, mang vác nặng. Khi bê vác vật nặng nên ngồi xuống bê vật rồi từ từ đứng lên, tránh thói quen đứng rồi cúi xuống, nhấc vật nặng lên và tập thể dục đúng cách./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN