Anh sẽ nếm 'trái đắng' sau Brexit?

26/06/2016 20:12

(Baonghean.vn) - Mặc dù đã bước sang ngày thứ 2 kể từ khi người dân Anh quyết định rời khỏi EU, châu Âu vẫn chưa hết sốc bởi đây là một sự kiện chưa từng xảy ra trong hơn 60 năm hình thành của Liên minh này.

Và hiện nhiều câu hỏi đang được đặt ra về những diễn biến sẽ xảy ra tiếp theo, trong đó có những bước đi mà Anh và EU cần phải thực thi để có thể chính thức chia tay.

Một lá cờ của Anh treo trước một lá cờ của EU trong một chiến dịch vận động ở lại EU tại Quảng trường Quốc hội tại London, Anh trong ngày 19/6/2016. Ảnh: Reuters.
Một lá cờ của Anh treo trước một lá cờ của EU trong một chiến dịch vận động ở lại EU tại Quảng trường Quốc hội tại London, Anh trong ngày 19/6/2016. Ảnh: Reuters.

1. Điều gì đang thực sự xảy ra?

EU chưa từng phải xử lý trường hợp nào như với Anh hiện nay. Một điều khoản về sự ra đi của các quốc gia thành viên đã được quy định tại điều 50 của Hiệp ước Lisbon, song điều khoản này cũng rất chung chung, chỉ bao gồm 5 khổ ngắn và đơn giản.

2 bên sẽ có khoảng thời gian 2 năm đề đàm phán các điều kiện khi chia tay, nhưng nhiều ý kiến cho rằng thời gian sẽ còn dài hơn để có thể xác lập được mối quan hệ thương mại mới giữa Anh và EU.

Người đề xuất trưng cầu ý dân là Thủ tướng Anh David Cameron thì đã tuyên bố từ chức. Và giới phân tích cho rằng người kế nhiệm ông Cameron chưa chắc đã là người của Đảng Bảo thủ, phải tới tháng 10 mới có thể ngã ngũ.

Ứng cử viên được nhắc tới nhiều hiện nay đó là ông Boris Johnson, một trong những thủ lĩnh của phe Brexit. Và ông này thì bày tỏ không cần vội vã trong đàm phán với EU.

Có 2 phương án mà giới chức EU có thể xem xét: một là nhanh chóng "chia tay" theo điều khoản 50 Hiệp ước Lisbon và đường ai nấy đi trong vòng 2 năm. Hai là xây dựng một thỏa thuận quan hệ kinh tế hoàn toàn mới được toàn bộ các thành viên EU chấp thuận, và phương án này sẽ mất thời gian hơn nhiều.

Theo giới phân tích, có một số phương án được mở ra với Anh, ví dụ như việc duy trì quyền tiếp cận các thị trường của EU như là trường hợp mà Thụy Sĩ và Na Uy đang được hưởng. Nhưng để đổi lại, Anh phải mở cửa biên giới cho người nhập cư EU và chấp thuận các điều luật liên quan của EU.

Điều 50 Hiệp ước Lisbon cũng nhấn mạnh một nước từng là thành viên EU có thể tìm cách tái gia nhập liên minh, theo các quy định của Điều 49. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc quá trình xét duyệt tư cách thành viên sẽ bắt đầu từ con số 0.
“Brexit” cũng cần 27 quốc gia thành viên còn lại của EU thông qua thỏa thuận rút khỏi liên minh của Anh với “đa số đủ”, sau đó Nghị viện châu Âu cũng bỏ phiếu để thông qua với đa số cần thiết.

2. EU sẽ như thế nào từ sau thời điểm Anh lựa chọn rời liên minh?

Một trong những việc làm cần thiết đầu tiên là EU phải nhanh chóng tìm cách bù đắp lỗ hổng 7 tỷ euro ngân sách mỗi năm, mà Anh đã cam kết đóng góp cho tới năm 2020.

Bên cạnh đó, EU cũng cần làm rõ càng nhanh càng tốt các quy chế đối với các cá nhân và doanh nghiệp đang sử dụng quyền là một thành viên thuộc EU để kinh doanh. Anh sẽ không còn đàm nhận chức chủ tịch luân phiên Hội đồng bộ trưởng châu Âu, nhiệm kỳ 6 tháng bắt đầu từ tháng 7 năm sau theo như lịch trình.

Và EU sẽ phải tìm thành viên khác thay thế, có thể là Estonia, Malta hoặc Croatia. Đặc biệt, giới chức EU sẽ phải tập trung nỗ lực để giữ ổn định, thống nhất của khối, khi mà kết quả trưng cầu ý dân tại Anh đã bắt đầu có dấu hiệu kéo gây ra phản ứng domino.

Tuy nhiên, về lý thuyết, sẽ chưa có gì thay đổi ngay lập tức vào lúc này. Về nguyên tắc, người Anh vẫn là công dân EU.

Nhưng điều đáng lo ngại là nước Anh có thể chứng kiến sự chia rẽ từ bên trong, khi mà Scotland đang tìm cách độc lập để ở lại EU, và đây có lẽ sẽ là quả đắng mà nước Anh phải gánh chịu tiếp theo.

Lan Hạ

(Theo AFP)

TIN LIÊN QUAN