Tòa tuyên UBND huyện phải bồi thường cho người dân 300 triệu đồng

21/05/2016 06:41

Tòa sơ thẩm nhận định nguyên đơn đã sử dụng diện tích đất liên tục, không có ai tranh chấp, không bị các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm.

TAND tỉnh Quảng Bình vừa xét xử sơ thẩm vụ án “tranh chấp tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng do Nhà nước thu hồi đất” giữa nguyên đơn là ông Lê Văn Tuy (ngụ thôn Lệ Kỳ 1, xã Vĩnh Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) và bị đơn là UBND huyện Quảng Ninh. Theo đó, UBND huyện Quảng Ninh bị tuyên buộc phải bồi thường 300 triệu đồng cho ông Tuy.

Theo đơn khởi kiện của ông Tuy, năm 1993, ông được Chi cục Điều động lao động tỉnh Quảng Bình cấp thẻ di dân và 10 ha đất tại khu vực đồi Mâm Xôi (Troóc Trâu, Lệ Kỳ) để trồng rừng. Từ đó đến năm 2010, gia đình ông liên tục sử dụng đất được giao để trồng rừng.

Tuy nhiên, năm 2001, Lâm trường Đồng Hới và Công ty Lâm công nghiệp Long Đại lại kê khai diện tích rừng của ông vào phần đất của lâm trường để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (thuộc tiểu khu 309). Mặc dù làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận như vậy nhưng lâm trường không sử dụng đất nên ông Tuy không biết gì về việc này.

Trong hai năm 2005 và 2006, lâm trường lại giao khoán cho vợ chồng ông Hoàng Trọng Quế và bà Hoàng Thị Hoa (vợ ông Quế) hơn 22 ha. Trong đó, có 10 ha trùng lên đất trồng rừng của gia đình ông Tuy.

Đến năm 2010, Nhà nước thu hồi đất để xây dựng công trình sửa chữa nâng cấp hồ Troóc Trâu nên tiến hành bồi thường cho các hộ trồng rừng. Do không được nhận phần bồi thường 10 ha rừng nên ông Tuy đã khởi kiện.

Trước yêu cầu khởi kiện nêu trên của nguyên đơn, phía UBND huyện Quảng Ninh cho rằng quyền sử dụng đất của vợ chồng ông Tuy đối với 10 ha đất tại đồi Mâm Xôi chưa đủ cơ sở để Nhà nước công nhận, xem xét bồi thường.

Theo đó, phần diện tích 10 ha đã được giao khoán cho ông Quế và bà Hoa. Ông Tuy đã trồng rừng trên phần đất của Lâm trường Đồng Hới thông qua hộ nhận khoán là ông Quế. Khi chính quyền bồi thường giải phóng mặt bằng, ông Tuy đã nhận từ ông Quế hơn 362 triệu đồng. Vậy nên việc ông Tuy yêu cầu Nhà nước bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với 10 ha đất lâm nghiệp là không đúng, làm ảnh hưởng đến việc chi tiền ngân sách nhà nước không đúng đối tượng.

Tòa sơ thẩm xét thấy nguồn gốc đất tranh chấp nói trên là do Chi cục Điều động lao động tỉnh Quảng Bình giao cho ông Tuy vào năm 1993. Đến năm 1994 và 1997 thì được UBND huyện Quảng Ninh cấp đất để trồng rừng và tôn tạo trên diện tích gần 10 ha. Do đó, tại thời điểm năm 2001, Lâm trường Đồng Hới được giao đất tại tiểu khu 309 thì hộ ông Tuy đã sử dụng diện tích đất liên tục, không có ai tranh chấp, không bị các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm.

HĐXX xét thấy cần xem xét đến quá trình khai hoang, tôn tạo và sử dụng đất trong thời gian dài (từ năm 1993 đến khi Nhà nước thu hồi đất năm 2010) nên chấp nhận một phần khởi kiện của ông Tuy. Trên cơ sở đó, UBND huyện Quảng Ninh bị buộc phải bồi thường cho hộ ông Tuy (đối với 10 ha tại đồi Mâm Xôi) là 300 triệu đồng. Riêng số tiền ông Tuy đã nhận từ ông Quế được xem là một khoản bồi thường, hỗ trợ của Nhà nước mà ông Tuy đã nhận được.

Riêng đối với yêu cầu khởi kiện của ông Tuy về khoản tiền hỗ trợ giải quyết việc làm khi Nhà nước thu hồi đất là 850 triệu đồng, Tòa cho rằng ông Tuy không thuộc trường hợp được nhận khoản tiền này. Lý do là quá trình sử dụng đất của ông Tuy được xác nhận là có nguồn gốc rõ ràng, liên tục và không có tranh chấp nhưng đến thời điểm thu hồi đất ông vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo PLO