Trồng rau, nuôi gà ở nhà tầng Quang Trung thời ấy

14/07/2016 15:03

(Baonghean.vn) - Dù trên tầng cao, dân Quang Trung vẫn có cách tăng gia sản xuất sáng tạo và đầy hiệu quả. Mâm cơm gia đình vì vậy cũng thêm tươm tất hơn, có thêm những cụ cười rộn rảng.

Ảnh: Trương Mạnh Hà.
Nhà tầng Quang Trung. Ảnh: Trương Mạnh Hà.

Nhưng những năm kinh tế khó khăn của thời bao cấp, bà con khu nhà tầng Quang Trung đã sáng tạo ra nhiều cách cải thiện đời sống. Ban đầu là tận dụng hết tất cả những diện tích đất trống để trồng rau. Hộ nào nhanh chân và xí phần sớm thì được vườn gần, còn không thì phải đi xa, thậm chí vài cây số để trồng rau.

Bọn trẻ chúng tôi còn phải băng qua đường Quang Trung, vào tận gần sân bóng đá để trồng rau. Mỗi lần rủ nhau đi tưới và hái rau, phải mất độ hơn giờ đồng hồ nên “trồng và tưới rau” là một đầu việc mà các ông bố, bà mẹ phân lịch cho con cái trong nhà.

Khu phố nhà tôi hồi ấy, còn đưa ra bàn bạc, thảo luận và bày cho nhau kinh nghiệm nên trồng loại rau gì phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu để đỡ công tưới, mau thu hoạch và quan trọng không kém là... đỡ mất trộm. Rốt cuộc, cư dân nhà tầng thống nhất thuận tiền nhất là trồng rau dền, rau nhớt và rau muống; đầu mùa hè khan hiếm nước tưới thì trồng rau muống gieo bằng hạt, cuối mùa chuyển sang trồng muống nước.

Để rau xanh non, nhà nào cũng tích trữ nước tiểu trên gác, chiều chiều hòa với nước ao hồ để tưới cho rau. Tôi nhớ, bình thường mình phải gánh độ 5-7 gánh nước tưới rau xong mới được đi đá bóng cùng bạn bè.

Người dân khu Quang Trung trồng rau trên sân thượng.
Người dân khu Quang Trung trồng rau trên sân thượng - Ảnh: Thành Cường.

Mẹ tôi cứ bảo: "Các con lo được phần rau, ba mẹ sẽ cố dạy thêm mua thêm quả trứng, miếng thịt cho mâm cơm nhà mình thêm tí chất đạm".

Nghe mẹ nói thế, nên 4 anh em tôi, dù ham chơi đến mấy cũng phải nhớ đến giờ về đi tưới rau. Thời ấy, những đứa trẻ hàng xóm như Dương, Bình, Hoa…cũng như mấy anh em tôi, xong giờ học đều lo phụ gia đình trồng rau. Có độ, trồng được nhiều, chúng tôi còn đem ra chợ Vinh để bán.

Ngày ấy, dân Quang Trung nuôi cả lợn, gà. Nuôi lợn thì phức tạp hơn, nên phần lớn mọi người chỉ thích nuôi gà. Những nhà có tầng hầm thì đơn giản hơn, kiếm vài que gỗ, đóng tạm thành cái chuồng, chỉ cần gia cố kiên cố để chống mất trộm là có thể nuôi gà. Những hộ ở khu nhà Việt Nam thiết kế, không có từng hầm việc nuôi gà phức tạp hơn, phải dùng lồng để đưa lên gác.

Bữa sáng, gà được thả từ tầng cao, bay dáo dác xuống mặt đất, nom đến là vui mắt. Để hàng ngày cứ thả bay tự do từ trên cao xuống đất nên các hộ nơi đây đều không nuôi gà mái đẻ, sợ sệ buồng trứng. Bà con kinh nghiệm hay về chợ quê để mua gà giống cho rẻ và khỏe, ít bị dịch bệnh.

Cứ chiều chiều, bọn trẻ chúng tôi í ơi rủ nhau xuống cho gà ăn, đì thành từng đoàn, vui như hội Cực nhất là hôm nào gà bị lạc, chiều tối chưa về chuồng là dáo dác đi tìm về sợ mẹ mắng. Nhiều hôm rạc chân đi khắp các bụi bờ, vẫn không thấy gà về, bạn tôi nước mắt ngắn, dài mếu máo trông thật tội nghiệp.

Để khỏi bị bọn gian dùng súng cao su bắn trộm gà, bữa trưa bọn trẻ khu phố thay nhau cắt cử trông gà. Thường bọn gian hay rình trộm bữa trưa, vắng người để ra tay. Lịch phân công “trực gà” cũng được ghi trên bảng thông báo, nhà nào quên là y như sẽ bị phê bình.

Nuôi gà thế nhưng không phải lúc nào cũng may mắn được miếng thịt gà. Thường thì phải vào dịp giỗ chạp, ba tôi sẽ là người quyết định sẽ “hy sinh” chú gà nào trong chuồng. Thằng em tôi, có bận buồn cả tháng, khi chú gà trống nó yêu phải chịu số phận không may mắn.

Biết mấy anh em tôi vất vả và gắn bó với đàn gà, nên ba mẹ tôi rất ít khi thịt gà đãi khách, phải là khách thật đặc biệt ba mẹ tôi mới nhỏ nhẹ: "Cho ba mẹ vay tạm con trống hoa, tuần sau về quê ba mua đền con khác nhé!". Thường thì chúng tôi im lặng, không lắc mà cũng không gật.

Nhiều lần, đầu năm học mẹ tôi xách lồng gà ra chợ. Gà đã “ra đi” để anh em tôi, đứa có chiếc áo mới, đứa có cặp sách mới…anh em tôi vui hớn hở cả tuần vì thấy những ngày vất vả của mình rốt cuộc có ích.

Năm tháng tuổi thơ của những đứa trẻ khu nhà Quang Trung thời ấy, có gà, có rau và những nụ cười rất Nghệ.

An Thanh

TIN LIÊN QUAN