Nghề 'ăn theo' mùa gặt

03/06/2016 09:38

(Baonghean.vn) - Những ngày này, bà con nông dân huyện Anh Sơn đang hối hả thu hoạch vụ đông xuân. Đây cũng là thời điểm mưu sinh theo thời vụ của những người làm nghề gặt lúa thuê.

Từ nhiều năm nay, cứ đến mùa thu hoạch lúa, bà Nguyễn Thị Ngoan (xã Hội Sơn) lại ra đồng gặt thuê. Mỗi ngày bà gặt được một sào lúa, được trả công khoảng 130-150 nghìn. Bà Ngoan chia sẻ: Đang vào thời điểm bà con thu hoạch rộ nên nhu cầu thuê người gặt rất lớn, tôi tranh thủ thời gian để kiếm thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

Vào mùa thu hoạch lúa nhiều người dân ở Anh Sơn đi gặt lúa thuê để kiếm thêm thu nhập
Vào mùa thu hoạch lúa không ít nông dân ở Anh Sơn có thêm thu nhập từ nghề gặt lúa thuê

Không chỉ gặt bằng tay, nhiều nông dân còn sử dụng những chiếc máy cắt đơn giản để tăng năng suất lao động, kiếm thêm thu nhập trong những ngày mùa. Cả tuần nay, ngày nào cũng vậy, anh Phan Ngọc Hùng ở thôn 5 xã Hội Sơn lại bắt đầu ngày mới bằng việc đưa chiếc máy cắt lúa ra đồng gặt thuê.

Gia đình anh đã đầu tư hơn 3 triệu đồng mua máy cắt lúa vừa để gia đình sử dụng vừa để kiếm thêm thu nhập. Anh Hùng cho biết: Thoạt nhìn thì ai cũng nghĩ nghề gặt thuê bằng máy móc khá đơn giản, thực tế, nghề này đòi hỏi phải có sức khỏe dẻo dai. Thường xuyên làm việc giữa trời nắng gắt, liên tục trong nhiều giờ thế nhưng đổi lại, mỗi ngày tôi cũng kiếm được khoản thu nhập khá, chừng 500 nghìn đồng, sau khi gặt được 3-4 sào lúa.

Anh Phan Ngọc Hùng ở thôn 5 xã Hội Sơn lại bắt đầu ngày mới bằng việc đưa chiếc máy cắt lúa đi cắt thuê. Mỗi sào sau khi gặt xong anh được trả từ 120-150 nghìn đồng.
Anh Phan Ngọc Hùng ở thôn 5 xã Hội Sơn lại bắt đầu ngày mới bằng việc đưa chiếc máy cắt lúa đi cắt thuê. Mỗi sào sau khi gặt xong anh được trả từ 120-150 nghìn đồng.

Cách đó không xa, chiếc máy gặt đập liên hợp của ông Nguyễn Hữu Nam cũng đang hoạt động hết công suất. Quê ông ở tận Thanh Hóa nhưng cứ đến mùa thu hoạch lúa là ông lại đưa máy vào Nghệ An để cho bà con nông dân thuê. Nhu cầu thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp ngày càng cao do những tính năng vượt trội như: ít rơi rụng hạt, thu hoạch nhanh, đỡ tốn công, chi phí thấp hợp túi tiền bà con nông dân. Ngày càng có nhiều gia đình đã chuyển sang thuê máy gặt đập liên hợp. Mỗi ngày ông Nam có thể thu hoạch trên diện tích 1ha, với giá 200 nghìn đồng một sào, thu nhập mỗi ngày trên 4 triệu đồng.

Những chiếc máy gặt đập liên hợp cũng là phương tiện làm ăn hiện đại của những người đi thu hoạch lúa thuê. Ông Nguyễn Hữu Nam đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để làm công việc thu hoạch lúa thuê này.
Những chiếc máy gặt đập liên hợp cũng là phương tiện làm ăn hiện đại của những người đi thu hoạch lúa thuê. Ông Nguyễn Hữu Nam đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để làm công việc thu hoạch lúa thuê này.

Tuy gặt thuê là nghề mùa vụ, “ăn theo” mùa thu hoạch lúa. Mỗi năm có khoảng 2 vụ, mỗi vụ chỉ gặt trong mươi ngày, nửa tháng. Nhưng, mỗi mùa thu hoạch lúa lại là cơ hội việc làm của nhiều người lao động nông thôn ở các vùng quê, cho họ thêm nguồn thu nhập khá. Vào mỗi vụ gặt, trên địa bàn huyện Anh Sơn có từ 250- 300 người chuyên đi gặt, tuốt lúa thuê.

Không chỉ gặt thuê, khi những cánh đồng lúa đang vào vụ thu hoạch rộ cũng là lúc những người hành nghề tuốt lúa vào mùa
Không chỉ gặt thuê, khi những cánh đồng lúa đang vào vụ thu hoạch rộ cũng là lúc những người hành nghề tuốt lúa vào mùa.

Để dành thắng lợi trong các vụ mùa Anh Sơn đã tập trung đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, hiện toàn huyện đã có 2.245 máy móc được đưa vào sản xuất.

Trong số đó, nhiều bà con nông dân cũng mạnh dạn đầu tư các loại máy móc như: máy cày, máy làm cỏ, máy tuốt lúa và gặt lúa... Không chỉ phục vụ sản xuất cho gia đình, bà con còn linh hoạt sử dụng phương tiện này để làm thuê, tăng thêm nguồn thu nhập trong những ngày mùa.

Huyền Trang – Thái Hiền

TIN LIÊN QUAN