Afghanistan: Cuộc khủng hoảng bị lãng quên

11/06/2016 15:33

(Baonghean) - Afghanistan đang đối diện với cuộc khủng hoảng nhân đạo phức tạp, nảy sinh từ nhiều thách thức trong suốt 4 thập niên qua.

Câu chuyện về một đất nước Afghanistan dễ bị tổn thương bắt đầu từ cuối thập niên 70 của thế kỷ XX. Dù dân tộc Afghanistan thời điểm ấy còn nhiều thiếu thốn, tương đối phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài, nhưng họ vẫn là một quốc gia kiên cường. Hầu như không xảy ra tình trạng di cư hay mất an ninh lương thực. Người Afghanistan hiếm khi bỏ làng ra đi bởi có cuộc sống yên bình, an ổn. Afghanistan tự cung tự cấp về nông nghiệp, và từng xuất khẩu nhiều mặt hàng sang các quốc gia khác.

Nhiều đứa trẻ di cư Afghanistan không có cơ hội đến trường, không được chăm sóc sức khỏe chu đáo. Ảnh: BEO.
Nhiều đứa trẻ di cư Afghanistan không có cơ hội đến trường, không được chăm sóc sức khỏe chu đáo. Ảnh: BEO.

Theo đuổi chính sách đối ngoại “cùng thắng”, xúc tiến hợp tác kinh tế khu vực để bảo đảm thịnh vượng cho khu vực còn nghèo khó và kém phát triển Nam và Trung Á là chính sách được chính phủ Afghanistan theo đuổi. Khi ấy dân tộc này hiểu rằng để giảm nghèo, xoa dịu thiên tai lũ lụt, hạn hán, động đất, họ cần liên tục tăng trưởng kinh tế, song song củng cố và duy trì quan hệ tốt với láng giềng để nhận hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn.

Thông qua đường hướng hợp lý và mang tinh thần xây dựng trên, các khủng hoảng nhân đạo bắt nguồn từ thảm họa tự nhiên phần lớn đều được đẩy lùi. Tuy nhiên, đường hướng này lại mất đi tác dụng kể từ khi Afghanistan trải qua giai đoạn chiến tranh suốt cả thập kỷ, làm giảm đi tính kiên cường và cơ chế ứng phó của dân tộc này, khiến phần lớn trong số họ rơi vào làn sóng tha phương trong và ngoài nước.

Di sản của thập niên 90

Cuộc khủng hoảng dai dẳng và đau đầu hiện nay tại Afghanistan truy ngược về những năm 1990, khi các thể chế hoàn toàn sụp đổ và quốc gia biến thành nhiều băng nhóm nhỏ vụn vỡ. Cơ chế trấn áp của Taliban từ ngoại quốc xâm nhập, biến những người Afghanistan vô tội thành nạn nhân, tước đi những quyền cơ bản nhất của họ, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, trong đó có quyền được học hành và chăm sóc sức khỏe.

1 ngày trước thảm kịch 11/9 ở Mỹ, Afghanistan trở thành “mảnh đất vô chủ”. Ngoại trừ Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) và một số tổ chức nhân đạo khác hiện diện tại nước này, Afghanistan hoàn toàn rơi vào quên lãng và bị cô lập khỏi phần còn lại của cộng đồng quốc tế. Người dân lâm vào cảnh khốn cùng, khi bạo lực, đói nghèo, tẩy chay sắc tộc, tha phương cầu thực trở nên phổ biến. Chính sự xao nhãng của cộng đồng quốc tế trước thực trạng nhân đạo thảm họa ở Afghanistan đã tạo điều kiện để băng nhóm al-Qaeda và Taliban âm mưu thảm kịch 11/9 từ mảnh đất này.

Hậu 11/9

Tuy nhiên, nhờ sự tái can dự của quốc tế tại Afghanistan sau tấn bi kịch 11/9, tình hình nhân đạo ở đây đã bắt đầu cải thiện nhanh chóng. Từ khi Taliban tan rã, các chỉ số kinh tế - xã hội ảm đạm của nước này có dấu hiệu khởi sắc đáng kể. Người dân có thêm nhiều cơ hội tiếp cận với giáo dục, y tế, điện năng,…,cùng với đó là cơ sở hạ tầng được nâng cấp từ thành thị tới nông thôn.

Lực lượng Taliban là một trong những vấn đề nghiêm trọng tại Afghanistan. Ảnh: Internet.
Lực lượng Taliban là một trong những vấn đề nghiêm trọng tại Afghanistan. Ảnh: Internet.

Quả thực, những thành tựu đang trên đà tiến bộ sẽ không thể có được nếu thiếu đi sự hỗ trợ an ninh, phát triển và nhân đạo từ cộng đồng quốc tế. Tuy vậy, đáng buồn là vẫn còn một chiến dịch khủng bố bắt nguồn từ bên ngoài lãnh thổ nước này đang tìm cách xóa bỏ những thành quả khó gặt hái trong 15 năm qua của Afghanistan.

Dù Taliban cùng những kẻ hậu thuẫn từ bên ngoài không thực hiện được âm mưu, song chúng lại tạo ra vấn đề rối rắm hiện nay, khiến hơn 8 triệu dân của Afghanistan khẩn thiết cần hỗ trợ nhân đạo. Trong số này, phải kể đến hơn 1,5 triệu dân không được tiếp cận các dịch vụ y tế do bối cảnh xung đột, và 1 triệu trẻ cần điều trị suy dinh dưỡng khẩn cấp.

Những nhu cầu hiện nay

Phân tích sâu về nhu cầu nhân đạo của Afghanistan do Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (UNOCHA) cho biết 0,7 triệu dân Afghanistan cần nơi trú ẩn khẩn cấp cùng sự trợ giúp liên quan; 1,7 triệu thiếu an ninh lương thực; 3,1 triệu gặp vấn đề về y tế; 2,9 triệu về dinh dưỡng; 1,7 triệu về an ninh, an toàn và 1,5 triệu thiếu nước, vệ sinh dịch tễ.

Những nhu cầu nhân đạo đang tăng lên này tại Afghanistan là hệ quả trực tiếp từ làn sóng bạo lực gia tăng đột ngột trên khắp đất nước, sau khi hầu hết lực lượng quốc tế rút khỏi đây vào cuối năm 2014. Thực tế, năm 2015 là 1 trong những năm đẫm máu nhất ở Afghanistan, khoảng 11.000 dân thường vô tội bị sát hại hoặc thương vong, trong khi số người mất nhà cửa do xung đột trong nước tăng gấp đôi lên hơn 200.000.

Tình hình càng xấu thêm khi trận động đất 7,5 độ richter có tâm chấn ở Đông Bắc Afghanistan - nơi vốn dĩ đã là khu vực chịu nhiều thiệt thòi. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế chững lại nhanh chóng sau khi chi tiêu quân sự quốc tế - từng là trụ cột tăng trưởng cho Afghanistan trước năm 2014 - bị cắt giảm đáng kể.

Phản ứng và nguồn lực thiếu hụt

Tuy nhiên, sau đó, trước tình hình bạo lực gia tăng, Afghanistan buộc phải chi 1 nửa doanh thu 1,8 tỷ USD cho an ninh quốc gia. Điều này khiến chính phủ không thể chi thêm để cung cấp các dịch vụ công cơ bản, và càng đẩy người dân vào tình cảnh khổ sở hơn. Họa vô đơn chí, quá trình chuyển tiếp diễn ra năm 2014 còn khiến họ phải mất đi nửa triệu việc làm. Dù chính phủ Afghanistan liên tiếp nỗ lực vực dậy nền kinh tế, tạo thêm cơ hội việc làm, nhưng lấp đầy những công việc bị cắt giảm đã khó, tạo ra 40.000 việc làm mới cho số thanh niên gia nhập thị trường lao động mỗi tháng lại càng khó hơn.

Trong bối cảnh nhân đạo phức tạp chung hiện nay, nhiều thanh niên Afghanistan dẫu có việc làm cũng phải bỏ xứ ra đi để tìm kiếm sự an toàn và thịnh vượng ở châu Âu. Số phận của những người trẻ này chưa được định đoạt, bởi các nước châu Âu tỏ ra miễn cưỡng tiếp nhận thêm người tị nạn chạy trốn bạo lực ở Afghanistan và những quốc gia tương tự.

Hướng đi tương lai: Vacsava và Brussels

Trong 2 năm qua, Chính phủ thống nhất quốc gia Afghanistan đã nỗ lực hết sức để thực thi cải cách và các chương trình giảm thiểu tác động tiêu cực của thiên tai và nhân tai đối với những người dân vốn đã hứng chịu nhiều khốn khổ. Chính phủ Afghanistan đang trong giai đoạn thông qua Khung phát triển quốc gia mới cho Afghanistan (NDFA), xem xét kỹ lưỡng toàn bộ nhu cầu ngắn, trung và dài hạn của người dân.

NDFA sẽ được trình lên cộng đồng quốc tế tại Hội nghị các Bộ trưởng Brussels về Afghanistan vào tháng 10 tới, trong khi liên minh NATO sẽ hội họp để thảo luận nhu cầu ổn định và thách thức của Afghanistan tại Hội nghị thượng đỉnh Vacsava vào tháng 7. Các sự kiện này sẽ tạo ra cơ hội lớn để Afghanistan và các bên liên quan thảo luận, xác định giải pháp lâu dài cho gốc rễ khủng hoảng nhân đạo phức tạp tại đất nước này.

Các cam kết tăng cường an ninh và hỗ trợ phát triển dành cho Afghanistan ở các cấp độ hiện hành đến năm 2020 sẽ tạo điều kiện cho quốc gia này giải quyết dần các nhu cầu nhân đạo của người dân. Tuy nhiên, viện trợ như vậy chưa đủ, trừ khi Afghanistan nhận thêm sự hậu thuẫn quốc tế để bảo đảm hợp tác khu vực, kết thúc cuộc chiến ủy nhiệm và bạo lực phủ bóng lâu nay.

Thêm vào đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nên cân nhắc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với bất cứ quốc gia hay thế lực ủy nhiệm nào vi phạm các nguyên tắc cốt lõi trong luật pháp quốc tế về nhân đạo và nhân quyền tại Afghanistan. Bởi nếu không làm vậy, khủng hoảng nhân đạo của nước này sẽ tiếp tục xấu đi, bất chấp những thành quả đáng kể của họ trong suốt 15 năm qua.

Thu Giang

(Theo Diplomat)

TIN LIÊN QUAN