5 lưu ý nhất định phải nhớ khi làm bài thi THPT quốc gia
Cùng với việc tổng duyệt kiến thức và tâm lí trước kỳ thi THPT Quốc gia, học sinh cần biết 5 lưu ý quan trọng khi làm bài.
Kỹ năng làm bài thi rất quan trọng với mỗi thí sinh |
Dành 5 – 10 phút để đọc đề
Với cả hai hình thức tự luận và trắc nghiệm, học sinh đều nên dành 5 – 10 phút sau khi nhận đề từ giám thị để rà soát đề thi. Trong 5 – 10 phút này, học sinh lướt qua để xem đề thi sắp xếp như thế nào, những phần nào dễ mình có thể làm ngay được, phần khó nằm ở khu vực nào.
Thầy giáo Đỗ Ngọc Hà – Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm lần đi thi đại học của mình: “Theo quy định, trong 15 phút sau khi nhận đề, học sinh phải kiểm tra mã đề, xem đề có mất trang hay không và phải úp đề xuống đúng 14h30' mới được làm bài. Thầy đã tận dụng 5 – 10 phút quý giá này để khoanh vùng nhanh phần dễ/phần khó và tranh thủ tìm ra đáp án của một vài câu dễ, ghi nhớ trong đầu, bắt đầu thời gian bắt đầu làm bài là thầy đã làm xong 3,4 câu dễ”.
Cũng theo lời khuyên của thầy giáo Đỗ Ngọc Hà, đề thi từ năm 2015 được sắp xếp tương đối từ dễ đến khó nên sau khi kiểm tra kĩ đề thi, học sinh có thể tinh ý đọc qua và chọn đáp án những câu dễ ở trang đầu tiên nhưng nhớ là ghi nhớ đáp án trong đầu chứ đừng đặt bút, có thể bị nhắc nhở nếu giám khảo khó tính.
Phân bổ thời gian làm bài hợp lí
Không ít học sinh bắt đầu làm bài là cặm cụi từ đầu đến cuối bài mà không tự phân bổ thời gian làm bài. Để bài thi đảm bảo hợp lí nhất về thời gian, 90 phút với đề thi trắc nghiệm và 180 với đề thi tự luận, học sinh cần đảm bảo 3 nguyên tắc sau:
Thứ nhất, câu dễ làm trước, câu khó làm sau. Muốn biết câu nào dễ, câu nào khó, trong quá trình ôn tập, học sinh cần biết mình tốt nhất phần nào/yếu phần nào. Học sinh có thể dễ dàng xác định được thứ tự làm bài tự luận nhưng lại gặp khó khăn đối 60 câu trắc nghiệm. Rất may, vì đề thi được sắp xếp tương đối từ dễ đến khó nên học sinh có thể tuân thủ thứ tự này.
Thứ hai, Thời gian trung bình là 18 phút/ 1 câu tự luận; 1,8 phút/ 1 câu trắc nghiệm. Tuy nhiên, học sinh nên xác định sẵn mình có thể làm tối đa bao nhiêu câu hỏi. Nếu chỉ xác định có thể làm 8 câu thì nên phân chia thời gian lại là 23 phút/1 câu và tùy thuộc vào độ khó/độ dài/độ phức tạp mà dành nhiều thời gian hơn.
Thứ ba, Không “cố đấm ăn xôi” để làm một câu hỏi nào đó. Tiêu tốn thời gian vào 1 câu hỏi không chắc chắn đáp án nghĩa là học sinh có thể bỏ lỡ những câu hỏi mình có thể giải quyết nhanh gọn đang ở phía sau.
Một số mẹo để gia tăng điểm số
Đối với môn Toán, cùng làm được số câu hỏi như nhau, thầy Lê Bá Trần Phương (Giảng viên Đại học Công nghiệp) chia sẻ một vài mẹo để đạt điểm số cao nhất mà học sinh nên biết. Vì đúng đến đâu tính điểm đến đó nên học sinh cần chú ý trình bày thật rõ ràng những phép biến đổi quan trọng không thể bỏ qua để ra kết quả. Sau khi chắc chắn trọn vẹn những câu đã làm được, học sinh triển khai tiếp những câu “khó nhai”, nếu đã phỏng đoán ra hướng giải nhưng không triển khai ra kết quả vẫn nên trình bày các bước đã triển khai được hoặc vẽ hình (với bài hình học không gian), tìm điều kiện xác định (nếu có)…để kiếm thêm từng 0,25 điểm quý giá.
Đối với môn thi trắc nghiệm, nên nhớ tô đủ số ô đáp án trong bài làm. Nếu không tìm được đáp án, học sinh sử dụng phương pháp loại trừ và tìm ra đáp án mình cảm thấy đúng nhất.
Tuyệt đối tránh những lỗi trình bày kinh điển
Lỗi trình bày thường dẫn đến những điểm trừ đáng tiếc nhất. Đặc biệt là với môn thi Toán, những điềm trừ thường thường do phần gạch xóa đi và phần làm bài xen kẻ nhau nên khi chấm dễ bị bỏ sót, vẽ đồ thị không đúng với ý đồ bài toán, trình bày bài toán quá dài dòng/quá sơ sài…
Để gây thiện cảm với người chấm thi, học sinh cần trình bày sạch sẽ, thoáng đãng, có chú thích số câu/ý, cuối mỗi bài toán nên có một câu kết luận, có thể là viết lại đáp số hoặc trả lời câu hỏi của đề bài để người chấm thi biết được thí sinh đã kết thúc bài đó hay.
Dành 5 – 10 phút để rà soát lại bài
5 – 10 phút cuối cùng rất quý giá. Trong 5 – 10 phút này, học sinh rà soát lại toàn bộ bài thi để hạn chế tối đa những điểm trừ. Với môn tự luận, học sinh kiểm tra lại những thông tin cơ bản như số tờ giấy thi, số báo danh; kiểm tra lại bài làm của từng câu để xem mình đã triển khai đúng chưa, có quên đặt điều kiện không, đã loại nghiệm chưa, kiểm tra nghiệm xem có thỏa mãn đề bài không, có đúng kết quả đã nháp hay không?...
Đối với môn thi trắc nghiệm, học sinh cần chú ý những thông tin quan trọng như số báo danh, mã đề thi, rà soát đáp án đã khoanh vào đề với đáp án đã tô, kiểm tra kĩ để tránh tình trạng tô đáp án quá mờ hoặc tô 2 đáp án… Những điều này mặc dù rất nhỏ nhặt nhưng nếu tâm lí phòng thi không ổn định thì rất dễ gặp phải.
Với 5 lưu ý này là kĩ năng không thể thiếu để học sinh hoàn thành bài thi của mình đúng, đủ, trọn vẹn và hoàn chỉnh nhất.
Theo Dantri
TIN LIÊN QUAN |
---|