Đài Loan điều tàu hộ vệ tên lửa ra Biển Đông sau phán quyết 'đường lưỡi bò'
Cơ quan quân sự Đài Loan tuyên bố sẽ tiếp tục điều thêm máy bay, tàu chiến tuần tra trên Biển Đông để "bảo vệ lợi ích".
Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn (giữa) tới thăm tàu hộ vệ tên lửa Khang Định trước khi tàu xuất phát. Ảnh: CNA |
Ngày 13/7, Đài Loan đã điều một tàu chiến lên đường tới Biển Đông để thực hiện hành động gọi là "bảo vệ lãnh thổ trên biển", một ngày sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết bác bỏ quyền lịch sử của Trung Quốc trong "đường 9 đoạn" trên Biển Đông, theo AFP.
Trong phán quyết của mình, Tòa Trọng tài cũng nói rõ rằng Đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đang bị Đài Loan kiểm soát, là một đảo đá, không thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Chính quyền Đài Loan đã lên tiếng phản đối, cho rằng phán quyết này là "hoàn toàn không chấp nhận được" và không mang tính ràng buộc pháp lý, vì Tòa Trọng tại không chính thức mời Đài Loan tham gia vào vụ kiện.
"Phán quyết Biển Đông, đặc biệt là việc phân loại đảo Thái Bình (cách Đài Loan gọi đảo Ba Bình của Việt Nam), đã gây phương hại đến lợi ích của chúng tôi trên các đảo ở Biển Đông và các vùng biển liên quan", nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tuyên bố trong chuyến thăm tàu hộ vệ tên lửa Khang Định ở cảng Cao Hùng trước khi nó xuất phát xuống Biển Đông.
"Sứ mệnh tuần tra lần này sẽ thể hiện quyết tâm của Đài Loan trong việc bảo vệ quyền lợi của mình", bà Thái nói trước khi rời khỏi chiếc tàu hộ vệ tên lửa.
Cơ quan quân sự Đài Loan cũng tuyên bố sẽ tiếp tục điều thêm máy bay và tàu chiến tới tuần tra trong khu vực, đồng thời duy trì "cảnh giác cao độ" để bảo vệ an ninh.
Đảo Ba Bình là thực thể lớn nhất ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Đài Loan chiếm đóng trái phép và triển khai lực lượng cảnh sát biển đồn trú. Mã Anh Cửu, cựu lãnh đạo Đài Loan, từng đến thăm đảo này hồi đầu năm, và vấp phải sự chỉ trích của Mỹ cũng như nhiều quốc gia trong khu vực như Việt Nam, Philippines…
Theo VNE