Ai phải chịu trách nhiệm cho việc 3 học sinh đuối nước trong hồ dự án nước sạch?
(Baonghean.vn) - Sự việc 3 học sinh ở xã Diễn Quảng (Diễn Châu) chết đuối đang gây ra nỗi bức xúc cho nhiều người dân khi sự việc xảy ra tại một hồ chứa nước thuộc dự án cung cấp nước sạch nhưng không có sự cảnh báo, bảo vệ nào.
Ai chịu trách nhiệm ?
Vào 14h30 phút chiều 29/5, 3 học sinh của Trường Tiểu học Diễn Quảng chết đuối tại một cái hồ trong xã. Trong đó, hai em Trần Thành Trung (học sinh lớp 5A) và Trần Thu Hương (học sinh lớp 1C) là anh em ruột, còn em Trần Việt Hưng (học sinh lớp 4C) là con chú ruột. Được biết, nơi các em chết đuối là một hồ chứa nước của dự án cung cấp nước sạch cho vùng.
Đây là một hồ nước khá rộng, được xây bằng bê tông lát đá, với diện tích khoảng 1000m2, độ sâu của hồ là hơn 2,5m, mực nước trong hồ vào mùa này là trên 1,7, thiết kế của hồ theo hình chứ V. Sáng ngày 30/5, có mặt tại hồ chứa nước nói trên, quan sát thấy xung quanh hồ không có rào chắn, chỉ có một biển báo mang chữ “CẤM TẮM” nhưng theo người dân thì sau vụ việc xảy ra thì biển báo này mới có ?.
Nơi 3 em học sinh chết đuối. |
Được biết, công trình thuộc dự án nhà máy cấp nước sạch xã Diễn Quảng, có tổng mức đầu tư là hơn 17 tỷ đồng, được thực hiện vào năm 2013, riêng hồ chứa nước là một phần của dự án. Nguồn vốn của công trình với 60% là vốn của nhà nước và 40% là của người dân đóng góp.
Ngoài hồ chứa nước thì tổ hợp công trình này còn có một bể chứa nước (đã xử lý), hai căn nhà (gồm một nhà điều hành và một nhà chứa các máy bơm nước). Tuy nhiên, tất cả các hạng mục này đều còn dở dang, riêng hồ chứa nước thì không có rào chắn.
Theo thiết kế, hồ chứa nước này sau khi hoàn thành sẽ được bào vệ bằng một lớp thép B40, cao 1m, trụ được làm bằng ông sắt có chiều cao tương tự, hệ thống biển báo được làm bằng ống sắt được cắm xuống mép hồ để cảnh báo. Nhưng vì công trình chậm tiến độ, nhà thầu chưa thể bàn giao cho chủ đầu tư, nên các hạng mục này vẫn còn dang dở, bỏ hoang hơn 1 năm nay.
Ông Trần Văn Việt – Giám đốc công ty CP Đại Việt, đơn vị thi công cho biết: Sau khi vụ việc xảy ra, công ty đã đến thăm hỏi, động viên chia sẻ và hỗ trợ mỗi cháu 5 triệu đồng. Việc người dân phản ánh hồ không có biển cảnh báo nguy hiểm là không đúng, chúng tôi vẫn cắm biển báo nhưng bị người dân nhổ mất, thậm chí chúng tôi còn thuê một người trông coi cả công trình ?.Khi được hỏi trách nhiệm để xảy ra vụ việc đau lòng nói trên, ông Việt cho rằng đó là trách nhiệm của chủ đầu tư (tức là UBND xã Diễn Quảng).
Còn theo ông Phan Hồng Sơn – Bí thư Đảng ủy xã Diễn Quảng (Diễn Châu) cho biết: Sau sự việc, xã đã đến thăm hỏi và hỗ trợ mỗi cháu 5 triệu đồng, đây là một sự việc hết sức đau lòng. Còn hồ chứa nước là một phần của dự án, hiện do thiếu vốn nên đơn vị thi công vẫn chưa bàn giao cho xã. Chúng tôi đã yêu cầu đơn vị thi công nhanh chóng cắm biển báo, làm rào chắn và cử người canh gác để không xẩy ra một trường hợp đau lòng nào.
Còn theo ông Phan Bùi Mỹ - Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN&PTNT Nghệ An) cho rằng: Trước hết, vụ việc xẩy ra là quá đau lòng, là một lời cảnh báo cho các công trình, dự án có hồ chứa nước như thế này. Riêng tại công trình nói trên, để xẩy ra sự việc đau lòng ấy là trách nhiệm thuộc về cả hai phía, cả chủ đầu từ và đơn vị thi công.
Không thể chối bỏ
Theo Luật sư Nguyễn Trọng Hải - Trưởng văn phòng Luật sư Trọng Hải và cộng sự cho rằng, về vụ đuối nước ở xã Diễn Quảng, huyện Diễn Châu làm 3 học sinh tiểu học tử vong thì đáng chú ý là trách nhiệm của chủ công trình.
Theo quy định của Luật xây dựng cũng như các băn bản hướng dẫn thi hành, khi tiến hành xây dựng các công trình cần đảm bảo an toàn về lao động trong thi công xây dựng công trình. Cụ thể, thông tư 22/2010/TT-BXD ngày 3 tháng 12 năm 2010 quy định về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình.
Dự án dang dở, đơn vị thi công thiếu trách nhiệm trong đảm bảo an toàn lao động nên đã để xảy ra những sự việc đáng tiếc. |
Tại Khoản 3, Điều 3 quy định: “Trên công trường phải có biển báo theo quy định tại Điều 74 Luật Xây dựng. Tại cổng chính ra vào phải có sơ đồ tổng mặt bằng công trường, treo nội quy làm việc. Các biện pháp đảm bảo an toàn, nội quy về an toàn phải được phổ biến và công khai trên công trường xây dựng để mọi người biết và chấp hành; những vị trí nguy hiểm trên công trường như đường hào, hố móng, hố ga phải có rào chắn, biển cảnh báo và hướng dẫn đề phòng tai nạn; ban đêm phải có đèn tín hiệu”.
Bên cạnh đó, Nghị định 45/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 05 năm 2013 quy định chi tiết một số điều của bộ luật lao động về thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động cũng quy định về trách nhiệm của đơn vị thi công.
Theo đó, khi xây dựng mới, mở rộng hoặc cải tạo công trình, cơ sở để sản xuất, sử dụng, bảo quản, lưu giữ máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động thì chủ đầu tư, người sử dụng lao động phải lập phương án về các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với nơi làm việc của người lao động và môi trường, trình cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng mới, mở rộng, cải tạo công trình, cơ sở.
Đối với phương án về các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động phải có các nội dung về địa điểm, quy mô công trình, cơ sở phải nêu rõ khoảng cách từ công trình, cơ sở đến khu dân cư và các công trình khác, nêu rõ những yếu tố nguy hiểm, có hại, sự cố có thể phát sinh trong quá trình hoạt động và các biện pháp cụ thể nhằm loại trừ, giảm thiểu các yếu tố nguy hiểm, có hại; phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp.
Theo Luật sư Trọng Hải, lỗi một phần do đơn vị thi công không cắm biển báo, không đảm bảo an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình. Do lỗi của đơn vị thi công mà thiệt hại về người đã xảy ra, vì vậy, họ có một phần trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho người bị thiệt hại. Cụ thể, theo điều 627 Bộ luật dân sự, Chương XXI Bộ Luật dân sự (BLDS) và Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định của Bộ luật dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Cũng theo Luật sư Hải, đơn vị thi công cũng phải chịu xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng khi không tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn xây dựng công trình theo Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ.
Trong trường hợp này, đơn vị thi công có thể bị phạt 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu không lập biện pháp kỹ thuật và tổ chức thi công mà không có biện pháp bảo đảm an toàn lao động, không có biển báo an toàn, không có hồ sơ, văn bản, quyết định thành lập tổ chức hệ thống an toàn bảo hộ lao động.
Bắc Vũ - Công Lý
TIN LIÊN QUAN