Nghệ An: Cảnh báo rệp sáp bột hồng hại sắn
(Baonghean.vn) - Rệp sáp bột hồng là loài động vật chuyên ký sinh gây hại cây sắn, có khả năng lây lan rất nhanh, hiện đã xuất hiện trên nhiều vùng nguyên liệu sắn ở huyện Thanh Chương.
Qua tổng hợp của Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Thanh Chương, đến ngày 04/7, trên diện tích sắn tại các xã Thanh Mỹ, Thanh Khê, Thanh Lâm, Thanh Ngọc, Thị Trấn, rệp sáp bột hồng đã xuất hiện và đang gây hại với tỷ lệ trung bình: 2-3%, nơi cao: 5-10%, tập trung ở diện tích sắn vườn đồi giáp với bờ bụi và những nơi đã từng để sắn giống.
Cán bộ Trạm Trồng trọt &BVTV huyện đang cùng người dân kiểm tra rệp tại vườn sắn nhà ông Trịnh Văn Mão, khối 13, Thị trấn Thanh Chương. |
Rệp đã từng phát sinh gây hại qua nhiều vụ nên huyện Thanh Chương đã cảnh báo và hướng dẫn người dân tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp khi trồng mới như: Chuẩn bị đất, dọn sạch cỏ dại, gốc sắn sau thu hoạch tránh rệp sáp bột hồng còn tồn tại trên ruộng sắn, chuẩn bị hom giống sạch, xử lý hom giống trước khi trồng…
Trước hình hình rệp phát sinh gây hại vào giữa vụ như hiện nay, Trạm trồng trọt &BVTV Thanh Chương khuyến cáo người trồng sắn tiến hành thu gom toàn bộ tàn dư cây sắn cũ trong vùng nhiễm rệp, bẻ những ngọn sắn trên ruộng đang bị rệp gây hại để tiêu hủy. Điểm tiêu hủy cách vùng sắn không bị nhiễm ít nhất 30 m.
Rệp sáp hại sắn. |
Phun thuốc trừ rệp cho toàn bộ diện tích sắn bị nhiễm sau khi đã thu gom phần ngọn để diệt rệp sáp bột hồng sót lại trên cây và trên mặt ruộng bằng các loại thuốc như: Victory 585EC, Sutin 50SC, Oshin 20WP, Chess 50WG…
Để tăng độ bám dính của thuốc nên cho thêm một ít dầu rửa chén, nước xà phòng trộn đều. Khi phun phải đảm bảo đủ lượng nước thuốc phủ đều trên toàn bộ bề mặt lá. Tiếp tục theo dõi giám sát sự xuất hiện của rệp, nếu tái nhiễm cần phun lại lần 2.
Để phòng trừ rệp hiệu quả tốt nhất là thu gom sắn bị bệnh đem đốt. Ảnh: người dân xã Thanh Lâm (Thanh Chương) thực hiện xử lý bị rệp. |
Là địa bàn có khoảng 2.500 ha sắn, huyện Thanh Chương đã có công văn yêu cầu các xã tập trung thống kê diện tích nhiễm bệnh và đang tích cực trừ rệp sáp bột hồng để bảo vệ sắn. Các địa phương trồng sắn cần thăm đồng thường xuyên, phát hiện và xử lý kịp thời để bảo vệ diện tích sắn đã trồng đảm bảo nguồn nguyên liệu cho nhà máy trước một niên vụ mới sắp bắt đầu.
Ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: Đây không phải lần đầu tiên trên địa bàn huyện xảy ra dịch rệp sáp bột hồng. Vì vậy, huyện đã có nhiều kinh nghiệm. Trước tình hình dịch bệnh, huyện đang chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương thống kê diện tích, khoanh vùng phun trừ bằng các loại thuốc đặc hiệu, nếu không hiệu quả phải tiến hành thu gom tiêu hủy như đã từng làm trước đây. Rệp sáp bột hồng là loại bệnh nguy hiểm lây lan nhanh, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất sắn nên phải phòng trừ ngay, không chủ quan, lơ là.
Rệp sáp bột hồng gây hiện tượng chùn ngọn, dẫn đến cây sắn trở nên lùn, thân cây cong queo, làm rối loạn sinh trưởng. Ở trên lá rệp chủ yếu bám mặt sau. Khi bị nhiễm với mật độ cao, cây sắn có thể bị rụng toàn bộ lá làm giảm năng suất củ sắn tới 80-84%. Rệp sáp bột hồng tồn tại trên tất cả các bộ phận của cây sắn (gốc, thân, lá, điểm sinh trưởng). Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, rệp hại sẽ phát tán, lây lan nhanh chóng ra các vùng trồng sắn. |
Đình Hà
Đài Thanh Chương
TIN LIÊN QUAN |
---|