Người dân và doanh nghiệp chưa 'mặn mà' với dịch vụ công trực tuyến

06/07/2016 17:52

(Baonghean.vn) - Thời gian qua, các cơ quan, sở ngành đã triển khai một số dịch vụ công trực tuyến đã góp phần đem lại nhiều kết quả trong công tác cải cách thủ tục hành chính của tỉnh. Tuy nhiên, để dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao (mức độ 3, 4) đến được với người dân đang là một thách thức lớn đối với các ngành chức năng.

Đơn cử ở Sở GTVT, triển khai thực hiện dịch vụ công cấp độ 3 trong lĩnh vực cấp đổi GPLX qua mạng được thực hiện từ ngày 20/5/2015. Theo hình thức này, người dân có nhu cầu đổi GPLX thay vì phải đến Sở GTVT để thực hiện thì có thể truy cập vào trang thông tin điện tử: gplx.gov.vn (trang chủ vào mục đổi GPLX trực tuyến) để điền thông tin xin cấp, đổi GPLX và sẽ được Sở trả lời qua hộp thư điện tử, hẹn ngày trả kết quả.

a
Chỉ cần máy tính nối mạng có thể đăng ký hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng, tuy nhiên mỗi tháng lĩnh vực đăng ký kinh doanh ở Sở KH&ĐT chỉ nhận từ 2-3 đăng ký qua mạng trên tổng số 500 hồ sơ tiếp nhận.

Để vận hành dịch vụ này, Sở đầu tư trang thiết bị cài đặt, vận hành hệ thống phần mềm dịch vụ công cấp độ 3 đổi GPLX theo quy trình, hướng dẫn, đầy đủ trang thiết bị, đường truyền, đồng thời bố trí cán bộ đủ năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu. Việc cấp đổi GPLX qua mạng góp phần tạo thuận tiện, giảm bớt thời gian đi lại và chi phí cho người dân. Tuy nhiên, sau một năm triển khai dịch vụ này đến nay chỉ mới có 10 hồ sơ đăng ký.

Hay ở Sở KH&ĐT, mặc dù Sở cung cấp dịch vụ công cấp độ 4, nhưng ở lĩnh vực đăng ký kinh doanh bình quân mỗi tháng chỉ có 2- 3 bộ hồ sơ đăng ký giải quyết qua mạng trên tổng số khoảng 500 hồ sơ tiếp nhận. Anh Nguyễn Đức Thắng - Phó Phòng đăng ký kinh doanh, Sở KH&ĐT Nghệ An cho biết: "Sở đã đầu tư trang thiết bị, xây dựng phần mềm, bố trí cán bộ, quảng bá, hướng dẫn sử dụng phần mềm đăng ký kinh doanh qua mạng nhưng số lượng doanh nghiệp sử dụng dịch vụ này quá ít".

Tâm lý của người dân theo hình thức truyền thống đến giao dịch thủ tục hành chính  trực tiếp với cơ quan nhà nước,
Tâm lý của người dân theo hình thức truyền thống đến giao dịch thủ tục hành chính trực tiếp với cơ quan nhà nước. (Trong ảnh: Người dân đến giao dịch thủ tục hành chính tại Trung tâm giao dịch một cửa TP Vinh).

Dịch vụ công trực tuyến được áp dụng theo mô hình Chính phủ điện tử tại Việt Nam bao gồm 4 mức độ. Các giao dịch trong quá trình thụ lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện qua mạng. Ngoài thông tin đầy đủ ở mức độ 1, các mẫu đơn, hồ sơ cho phép tải về ở mức độ 2, gửi trực tuyến hồ sơ và thực hiện giao dịch qua mạng như ở mức độ 3 thì mức độ 4 cho phép người sử dụng thanh toán chi phí trực tuyến, việc trả kết quả có thể thực hiện trực tuyến hoặc gửi qua đường bưu điện.

Mức độ 3 và 4 là hai mức độ cao trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến được đánh giá không những mang lại nhiều tiện ích, thuận lợi cho nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp mà còn giảm áp lực giấy tờ, giảm thiểu các yếu tố nhũng nhiễu ở các cơ quan quản lý nhà nước.

Kiểm tra công tác cải cách thủ tục hành chính tại Cục Thuế Nghệ An.
Kiểm tra công tác cải cách thủ tục hành chính tại Cục Thuế Nghệ An.

Tuy nhiên, đến nay qua tìm hiểu cho thấy mức độ quan tâm, sử dụng của doanh nghiệp và người dân đối với các dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên địa bàn tỉnh không nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp biết đến các dịch vụ này còn hạn chế.

Hơn nữa, một bộ phận lớn người dân là nông dân, người lao động nên trình độ tin học hạn chế. Đa số người dân vẫn lựa chọn cách truyền thống là đến trực tiếp cơ quan chức năng để thực hiện TTHC khi cần.

“Chúng tôi ít tiếp xúc với máy tính, internet nên cũng không biết đến dịch vụ công trực tuyến. Khi thực hiện các giao dịch hành chính đều đến trực tiếp các cơ quan nhà nước"- Anh Nguyễn Văn Nam - Thị trấn Hưng Nguyên, huyện Hưng Nguyên cho biết.

Với những nguyên nhân nêu trên, theo lộ trình thực hiện Nghị quyết về Chính phủ điện tử, Nghệ An phấn đấu đến năm 2020 đạt tỷ lệ 40% số dịch vụ công trực tuyến từ tỉnh đến xã đạt mức độ 4, đang là một thách thức lớn.

Việc xây dựng Chính phủ điện tử trên địa bàn tỉnh bằng việc thực hiện cung cấp hiệu quả dịch vụ công trực tuyến mức độ cao đòi hỏi cần có giải pháp đồng bộ.

Lê Thanh

TIN LIÊN QUAN