Sáng mãi đạo lý uống nước nhớ nguồn

26/07/2016 17:56

(Baonghean.vn) - Phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, những ngày này trên mọi miền Tổ quốc nói chung và ở Nghệ An nói riêng, các hoạt động kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 2016), đang diễn ra với nhiều hình thức phong phú, thiết thực.

Cách đây 69 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam đã đề xuất và quyết định chọn ngày 27/7 hàng năm là ngày ghi nhớ công ơn của các thương binh, liệt sỹ (nay là Ngày Thương binh - Liệt sỹ).

Đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Cọt, xã Diễn Ngọc, Diễn Châu.
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Cọt, xã Diễn Ngọc, Diễn Châu. Ảnh: Thành Duy

Trong thư gửi Ban Thường trực của Ban tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc, Người nhấn mạnh: "Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí bị ốm yếu. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy". Và Người xin xung phong gửi một cái áo lụa, một tháng lương, số tiền từ một bữa nhịn ăn của Người và của toàn thể cán bộ, nhân viên Phủ Chủ tịch, đóng góp vào nghĩa cử của toàn dân cho việc chăm sóc thương binh cả nước.

Nhân Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư động viên thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, Người lại tiếp tục nhấn mạnh: "Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sỹ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân, cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu giúp đỡ họ".

Những thân nhân liệt lỹ cũng hội tụ về nghĩa trang trong những ngày đặc biệt này. Bà Vũ Thị Đông ở huyện Mỹ Hà (Hà Nội) lặn lội vào Nghệ An từ sáng sớm để mong được nhìn thấy phần mộ của em trai là liệt sỹ Vũ Minh Đấu hy sinh năm 1968.
Bà Vũ Thị Đông ở huyện Mỹ Hà (Hà Nội) lặn lội vào Nghĩa trang Việt - Lào ở Nghệ An từ sáng sớm để mong được nhìn thấy phần mộ của em trai là liệt sỹ Vũ Minh Đấu hy sinh năm 1968. Ảnh Trang Trần

Những dòng chữ ngắn và giản dị trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Lòng hiếu nghĩa, bác ái, đối với thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với nước là tình cảm và trách nhiệm thiêng liêng của mọi người dân Việt Nam.

Khắc ghi và thực hiện lời dạy của Người, 69 năm qua, tiếp nối truyền thống "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm giải quyết vấn đề người có công, và dành cho thương, bệnh binh và gia đình liệt sỹ những tình cảm đặc biệt và tấm lòng tri ân vô hạn cả về vật chất lẫn tinh thần.

Các tầng lớp nhân dân trong cả nước, từ các cháu thiếu niên, nhi đồng đến người cao tuổi; từ các cơ quan, doanh nghiệp đến các đơn vị làm nhiệm vụ nơi biên giới, hải đảo xa xôi... đều có những việc làm thiết thực sâu đậm nghĩa tình, thể hiện sự trân trọng và tôn vinh những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, mang ý nghĩa giáo dục lâu dài đối với các thế hệ mai sau.

Hướng tới kỷ niệm 69 năm ngày thương binh liệt sĩ, mỗi ngày, tại khu di tích Trương Bồn có hàng chục đoàn khách, hàng trăm người dân trong và ngoài tỉnh về đây tham quan, tưởng niệm.
Tháng Bảy này, mỗi ngày, tại khu di tích Truông Bồn có hàng chục đoàn khách, hàng trăm người dân trong và ngoài tỉnh về tham quan, tưởng niệm. Ảnh: Huy Thư

Thấm nhuần và tỏa sáng đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa", công tác chính sách thương binh, liệt sỹ luôn được Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân tỉnh Nghệ An quan tâm chu đáo. Phong trào toàn dân chăm sóc, giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với nước phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa", như: lập quỹ "Đền ơn đáp nghĩa"; tặng sổ tiết kiệm, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng; chăm sóc nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sỹ... và nhiều hoạt động tình nghĩa khác được triển khai thực hiện thiết thực trong cộng đồng.

Bằng các nguồn kinh phí của Trung ương, tỉnh, huyện, xã, phường, thị trấn và đóng góp của nhân dân, toàn tỉnh đã nâng cấp hàng nghìn mộ liệt sỹ; cải tạo, mở rộng, tu sửa, xây dựng mới nhiều nghĩa trang, nhà bia, đền thờ liệt sỹ khang trang hơn... Tổng trị giá các hoạt động tình nghĩa lên đến hàng tỷ đồng, đem lại điều kiện sống ngày càng tốt hơn tới các gia đình chính sách, đồng thời mang đến ngọn lửa ấm của tình nghĩa, của sự biết ơn và kính trọng đối với sự hy sinh vô giá của các anh hùng liệt sỹ vì nền độc lập, tự do, và thống nhất đất nước.

Đoàn công tác Kiểm toán nhà nước dâng hoa, dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia đường 9.
Đoàn công tác Kiểm toán nhà nước dâng hoa, dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia đường 9.

Sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã tạo niềm tin, tiếp thêm sức mạnh cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng khắc phục khó khăn, vươn lên bằng ý chí và nghị lực, ổn định cuộc sống và tiếp tục cống hiến sức mình vào sự nghiệp xây dựng quê hương.

Kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thể hiện lòng hiếu nghĩa, bác ái sâu đậm nhất đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng. Để mãi tỏa sáng đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa", mỗi người, mỗi nhà, từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... ở tỉnh ta hãy tiếp tục làm nhiều việc tốt thiết thực ghi ơn và tri ân những người đã hy sinh, cống hiến một phần xương máu cho độc lập tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân.

Thái Bình

TIN LIÊN QUAN