Không thể để người dân sống chung với ô nhiễm!

05/07/2016 22:22

(Baonghean) - Ô nhiễm môi trường tại xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Chuyên mục đối thoại cấp ủy đã có cuộc trao đổi với đồng chí Đậu Xuân Thủy - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Diễn Ngọc về chủ trương của cấp ủy giải quyết vấn đề này.

P.V: Tình trạng ô nhiễm môi trường xã Diễn Ngọc đã và đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sinh hoạt của người dân. Vậy thực trạng này ra sao thưa đồng chí?

Đồng chí Đậu Xuân Thủy: Diễn Ngọc là xã vùng biển với nhiều tiềm năng đánh bắt, chế biến thủy, hải sản. Địa phương có số tàu thuyền thường xuyên ra vào bến với gần 500 chiếc, mỗi ngày có khoảng 200 tấn cá vào cảng. Xã Diễn Ngọc có 7/12 xóm làm nghề biển, nghề đánh bắt, chế biến hải sản, sản xuất bột cá, nước mắm, nhiều hộ phơi rửa cá, xay bột cá, xả mắm,…

Ở xã Diễn Ngọc việc gây ô nhiễm nặng nề nhất là làng nghề chế biến hải sản Ngọc Văn. Năm 2008, Ngọc Văn được tỉnh công nhận là làng nghề. Cùng với đó, xã Diễn Ngọc còn được hỗ trợ hơn 1,8 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải của làng nghề với bể chứa hơn 400 m3.

Tuy nhiên, khi đi vào sử dụng, do bể xây dựng quá sâu, không có hệ thống chống thấm, không có nắp đậy nên nước thải sau khi lọc không thoát ra ngoài được mà đọng lại, bốc mùi hôi thối. Điều này dẫn đến nước thải ngấm xuống đáy bể vào lòng đất, gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của người dân. Các giếng nước ăn bị ô nhiễm nghiêm trọng không thể sử dụng, không khí bị ô nhiễm dẫn đến cả 4 xóm là: Ngọc Văn, Ngọc Minh, Yên Quang và xóm Đông Lộc.

Cơ sở chế biến cá ở xã Diễn Ngọc (Diễn Châu).
Cơ sở chế biến cá ở xã Diễn Ngọc (Diễn Châu).

Ngoài ra, xã Diễn Ngọc còn có trên 100 cơ sở chế biến nhỏ lẻ, những cơ sở này cũng chỉ chú trọng lợi nhuận chứ không quan tâm đến khâu xử lý môi trường. Nhất là 3 cơ sở chế biến bột cá, 2 cơ sở phơi bã mắm, thường xuyên bốc mùi hôi thối. Các cơ sở kinh doanh, chế biến hải sản này, xả trực tiếp ra cửa biển gây ô nhiễm môi trường... ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của người dân.

Hơn nữa, đặc thù của Diễn Ngọc là xã vùng biển đất chật người đông, diện tích chỉ có 300 ha nhưng có 15.000 nhân khẩu. Ngoài ô nhiễm từ chế biến hải sản, nguy cơ quá tải về rác thải ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân. Lượng rác thải bình quân mỗi ngày xả ra môi trường là rất lớn, làm cho môi trường bị ô nhiễm trầm trọng.

Tình trạng ô nhiễm môi trường không chỉ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt của người dân mà còn là rào cản lớn trong tiến trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

P.V: Như vậy, có thể thấy rằng, từ nhiều năm nay người dân trong xã sống chung với ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do các nhà máy, cơ sở chế biến cá gây ra. Điều đáng nói là dù đã kiến nghị rất nhiều lần nhưng không hề được giải quyết. Vậy, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trước vấn đề này như thế nào, thưa đồng chí.

Đồng chí Đậu Xuân Thủy: Phải khẳng định, bảo vệ môi trường là vấn đề được xã Diễn Ngọc hết sức quan tâm. Đây là nội dung được đưa vào Nghị quyết hàng tháng của Ban Chấp hành Đảng bộ xã để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo gắn với công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy; đánh giá vai trò, xếp loại thi đua của cấp ủy, bí thư chi bộ, người đứng đầu xóm trong thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng năm.

Trước tình hình trên, những năm qua, Đảng ủy huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Nhờ đó, bước đầu tạo ra một số chuyển biến tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường, song vẫn còn nhiều mặt chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn.

Có thể thấy, thời gian trước, hầu hết rác thải đều được người dân xã Diễn Ngọc đổ dọc bờ đê biển, khắp các đường làng, ngõ xóm, mùa nắng cũng như mưa bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đảng ủy chỉ đạo các xóm thành lập tổ thu gom rác thải tại 12/12 xóm từ tiền đóng góp của nhân dân. Mỗi tháng xã trích từ nguồn ngân sách trên 2 triệu đồng/tháng để đốt rác.

Điều đó đã giải quyết được bức xúc lâu nay về thiếu điểm thu gom. Tuy nhiên, do rác thải quá lớn nhưng chỉ được xử lý bằng phương pháp đốt thủ công, nên sau 3 năm đưa vào hoạt động đã quá tải. Bên cạnh đó, xã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho nhân dân vay nguồn vốn ưu đãi 8 triệu đồng/hộ để xây dựng công trình vệ sinh.

Trước sự phản ánh gay gắt của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường do các nhà máy chế biến bột cá, địa phương đã có tờ trình đề nghị cấp trên có giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

Về việc xử lý ô nhiễm làng nghề, UBND xã Diễn Ngọc đã mua hóa chất về xử lý ô nhiễm tại các bể lọc nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế. Trước mắt, xã đã xây dựng đường nước sạch từ Công ty nước sạch Diễn Châu về cho làng Ngọc Minh, để dân có nước sạch sử dụng và sinh hoạt.

Địa phương tổ chức ký cam kết đảm bảo môi trường trong sản xuất với các cơ sở. Cùng với việc khắc phục tình trạng ô nhiễm trên, UBND xã Diễn Ngọc nhắc nhở và có nhiều biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các gia đình chế biến thủy sản chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải, bể biogas.

Trước kiến nghị của xã, về phía huyện cũng thường xuyên kiểm tra và yêu cầu các đơn vị thực hiện đúng cam kết về bảo vệ môi trường và đã quyết định xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động của 2 đơn vị vi phạm về bảo vệ môi trường.

Tỉnh cũng đã có quyết định về việc cho phép lập dự án đầu tư xây dựng công trình, xây dựng hệ thống xử lý chất thải tại làng nghề chế biến thủy, hải sản Ngọc Văn, xã Diễn Ngọc (Diễn Châu). Dự án có tổng mức đầu tư lên đến 73 tỷ đồng, nguồn vốn chủ yếu là ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có vốn để thực hiện.

P.V: Như vậy, trong khi các cơ quan chức năng đang loay hoay đi tìm “lời giải” cho “bài toán” môi trường ở làng nghề Ngọc Văn, thì người dân xã Diễn Ngọc vẫn phải tiếp tục sống chung với ô nhiễm. Theo đồng chí cần giải pháp như thế nào để có thể giải quyết bài toán môi trường một cách có hiệu quả?

Đồng chí Đậu Xuân Thủy: Phát triển kinh tế biển là một trong những mũi nhọn của địa phương. Việc phát triển chế biến thủy, hải sản là một trong những lợi thế của ngư dân vùng biển, tuy nhiên, để đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển của kinh tế và lợi ích chung của cộng đồng cần phải giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường như hiện nay.

Về phía xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của người dân, nhất là nâng cao trách nhiệm, ý thức bảo vệ môi trường cho các đơn vị sản xuất.

Đồng thời địa phương tăng cường công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để những hành vi gây ô nhiễm môi trường của các tổ chức, cá nhân. Kiên quyết đình chỉ các cơ sở sản xuất vi phạm và yêu cầu thực hiện nghiêm quy trình xử lý nước thải, khí thải.

Thu gom rác thải tại xóm Yên Quang, xã Diễn Ngọc (Diễn Châu).
Thu gom rác thải tại xóm Yên Quang, xã Diễn Ngọc (Diễn Châu).

Cùng với đó, các sở, ngành liên quan cần tăng cường kiểm tra, thanh tra để phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời những trường hợp xảy ra sự cố môi trường, đảm bảo không ảnh hưởng tới sức khỏe và đời sống của người dân. Nếu đơn vị nào đã được yêu cầu khắc phục nhưng vẫn còn tiếp tục gây ô nhiễm môi trường sẽ kiên quyết tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Về lâu dài, chúng tôi rất mong huyện và tỉnh sớm có kế hoạch xây dựng bãi xử lý nước thải như dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt để người dân được sống và sinh hoạt trong môi trường trong lành.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Thanh Lê

TIN LIÊN QUAN