Quốc hội sẽ giám sát tối cao về an toàn thực phẩm, cải cách hành chính
Quốc hội sẽ giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm và cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước.
Chiều nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017với tỷ lệ 473/481 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 95,75% tông số đại biểu Quốc hội).
Ông Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017 |
Nghị quyết do Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, về giám sát tối cao, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội tiến hành xem xét thảo luận báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2017; báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước 2015 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định.
Xem xét báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khoá XIV. Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội.
Quốc hội cũng sẽ giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận Báo cáo của Chính phủ về thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước năm 2017; xem xét, thảo luận báo cáo công tác của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước; báo cáo của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải quyết khiếu nại tố cáo; báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, Nghị quyết của Quốc hội, các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; về công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, thi hành án.
Việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, các báo cáo của cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật.
Quốc hội sẽ xem xét báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, đoàn ĐBQH và ĐBQH. Xem xét báo cáo kết quả giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIV.
Cũng trong kỳ họp thứ 4, sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; Giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách pháp luật cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Nghị quyết nêu rõ: Căn cứ chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội xây dựng, triển khai thực hiện chương trình giám sát của mình và tổ chức hoạt động giải trình tại Hội đồng, Uỷ ban. Các đoàn ĐBQH, các ĐBQH căn cứ điều kiện và tình hình thực tế, chủ động lựa chọn nội dung để xây dựng chương trình, phối hợp và tiến hành hoạt động giám sát, báo cáo kết quả theo quy định.
Quốc hội giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chủ trì, phối hợp thực hiện nghị quyết chương tình giám sát của Quốc hội năm 2017; chỉ đạo, điều hoà phối hợp hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội; hướng dẫn các đoàn ĐBQH, các ĐBQH trong việc thực hiện hoạt động giám sát; chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát; chỉ đạo theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả giải quyết các kiến nghị sau giám sát; tổng hợp và báo cáo kết quả việc thực hiện chương trình giám sát.
Các cơ quan tổ chức ở Trung ương và địa phương có liên quan có trách nhiệm hợp tác chặt chẽ với các cơ quan Quốc hội, đoàn giám sát của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát, báo cáo và cung cấp đầy đủ, kịp thời chính xác thông tin tài liệu cần thiết có liên quan nội dung giám sát theo yêu cầu của cơ quan tiến hành giám sát.
Các cơ quan chịu sự giám sát thực hiện đầy đủ, kịp thời nghiêm túc kiến nghị sau giám sát và báo cáo kết quả thực hiện tới Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Theo VOV
TIN LIÊN QUAN |
---|