Thủ tướng: Chúng ta cần phải suy nghĩ về 'bài học' Formosa để lại
“Các tập đoàn đa quốc gia có tầm quan trọng thiết kế luật chơi và làm chủ chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cần đề xuất cơ chế để thu hút đầu tư của tập đoàn đa quốc gia. Như về môi trường, bài học Formosa để lại những gì chúng ta phải suy nghĩ để mà thu hút tăng trưởng”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. |
Bộ Công Thương ít bị "kêu ca" nhất
"6 tháng qua, công tác chuẩn bị bầu cử trên phạm vi cả nước được thực hiện để bầu bổ sung 21 thành viên mới của Chính phủ. Nhiều khó khăn xảy ra như hạn hán, thiên tai lớn với sức tàn phá ghê gớm tại miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên. Chúng ta còn bị sự cố ở miền Trung gây mất thời gian khi riêng Thủ tướng cũng phải họp 17 cuộc để xử lý”, Thủ tướng nói.
“Trong điều kiện thay đổi lãnh đạo các cấp từ trung ương tới địa phương như trên cộng với những khó khăn khách quan mang lại, mức tăng trưởng đạt được chưa phải tốt nhưng giữ được như vậy đã là cố gắng lớn. Trong tăng trưởng đó, có sự đóng góp trực tiếp quan trọng của ngành công thương”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, ngành công thương đạt được một số thành tựu như: nhiều ngành công nghiệp và xuất khẩu tăng trưởng tốt, công tác tổ chức thị trường trong nước tiếp tục được quan tâm, thành công trong việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tích cực đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA), xúc tiến thương mại thành công bước đầu…
“Đừng tưởng tôi không biết Bộ nào bị kêu ca nhiều nhưng Bộ Công Thương là ít bị các doanh nghiệp kêu ca nhất. Nhiều địa phương đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, tìm mọi cách tăng trưởng. Nhiều hiệp hội có tiếng nói góp ý chính sách với Chính phủ. Nhiều công ty chủ động và có tiến bộ trong bối cảnh cạnh tranh với nước ngoài. Đó là những thành công của ngành công thương”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cần tái cơ cấu bộ máy
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: tăng trưởng công nghiệp chỉ đạt thấp hơn cùng kỳ, tình trạng gian lận thương mại, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn tồn tại trong khi công tác quản lý bán hàng đa cấp, hàng giả chưa chặt chẽ gây lộn xộn, bức xúc cho xã hội.
Thủ tướng cũng đặc biệt nhấn mạnh, trong nội bộ ngành, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp chậm, chưa hiệu quả. Bộ Công Thương có nhiều doanh nghiệp lớn nhưng cổ phần hoá còn chậm, tỷ trọng vốn cổ phần hoá còn thấp. Công tác cán bộ còn nhiều bất cập, tạo dư luận không tốt, gây ảnh hưởng tới uy tín của ngành.
Trong khi đó, bộ máy cán bộ của Bộ Công Thương cũng được Thủ tướng đánh giá là cồng kềnh và cần phải tái cơ cấu. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương cần phải tái cơ cấu ngay bộ máy hàng chục các Cục, Vụ, trường đại học, cao đẳng, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
Ông cũng cho rằng, công tác truyền thông cho doanh nghiệp về hội nhập còn chưa đầy đủ, chưa tận dụng được hết cơ hội mang lại. Trong khi đó, tổ chức thị trường trong nước còn nhiều bất cập khiến một số doanh nghiệp lớn rơi vào tay nước ngoài.
“Chúng ta chưa khai thác được các cơ hội và đang có sự lầm tưởng. Sau hiệp định với WTO, chúng ta thở phào nhưng vấn đề là tổ chức như thế nào thì thực tế làm chưa tốt, nhận thức và hành động còn nhiều bất cập. Từ đó, cơ chế chính sách còn chậm, chưa phát huy ưu đãi chính sách. FTA chắc chắn mang lại cơ hội quốc tế nhưng phải đi cùng cải cách về thể chế, chính sách”, ông nói.
Cần suy nghĩ về "bài học" Formosa
Ngành công thương cũng cần phải thay đổi trong quản lý công nghiệp, tăng năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao, nâng cấp nền kinh tế. Đồng thời, phải huy động được khu vực tư nhân tham gia vào công nghiệp hoá đất nước, tạo động lực phát triển.
“Chúng ta cứ lúng túng mãi, các đồng chí phải làm việc với tinh thần khởi nghiệp, vì doanh nghiệp. Cũng cần đổi mới cả cách làm quy hoạch, xây dựng chiến lược. Cứ làm theo tư duy cũ sẽ thất bại”, Thủ tướng nói thêm.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý thêm rằng: “Chúng ta không thể phát triển bằng bất cứ giá nào, cần chấm dứt cơ chế xin cho, không bao cấp. Cần có tư duy mới, ứng xử với chủ thể thị trường, cũng đừng hạn chế mình trong khu vực mà phải vươn mình ra biển lớn”.
“Các tập đoàn đa quốc gia có tầm quan trọng thiết kế luật chơi và làm chủ chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cần đề xuất cơ chế để thu hút đầu tư của tập đoàn đa quốc gia. Như về môi trường, bài học Formosa để lại những gì chúng ta phải suy nghĩ để mà thu hút tăng trưởng”, ông nói.
Theo Dân trí