Bé trai dậy thì khi mới một tuổi

31/05/2016 08:41

Gia đình cậu bé phát hiện con cao lớn hơn trẻ cùng tuổi, cơ quan sinh dục ngoài phát triển bất thường lúc mới 6 tháng tuổi.

Cậu bé Akash (tên giả) mắc hội chứng nội tiết tố hiếm gặp: dậy thì sớm (precocious puberty), khiến em phát triển cơ quan sinh dục, lông mu và lông mặt. Testosterone có trong cậu bé một tuổi chào đời tại thành phố Delhi vọt lên mức của người đàn ông 25 tuổi. Testosterone là một loại hormon (nội tiết tố) có trong tinh hoàn nam giới và một phần nhỏ từ tuyến thượng thận.

be-trai-an-do-day-thi-khi-moi-mot-tuoi

Ảnh minh họa.

Mẹ Akash, giấu tên, cho hay con trai bắt đầu có những bất thường lúc khoảng 6 tháng tuổi. Không chỉ cao lớn hơn trẻ cùng tuổi, cơ quan sinh dục ngoài của cậu bé cũng phát triển không bình thường, theo Hindustan Times.

"Chúng tôi nghĩ có lẽ con to lớn nên không đưa đi khám. Tuy nhiên, lúc cháu một tuổi, mọi người nhận ra điều gì đó không ổn. Mẹ chồng tôi, người có kinh nghiệm chăm vài đứa cháu, cũng thấy lạ. Lúc ấy, chúng tôi mới đưa con tới bác sĩ", mẹ Akash chia sẻ.

Akash được điều trị nội tiết tố lúc 18 tháng tuổi. Thời điểm này, Akash đã bắt đầu vỡ giọng. Cậu bé đạt 95 cm, cao hơn 10-15 cm so với bạn cùng tuổi. Sau 5 tháng điều trị, sự phát triển nội tiết tố và kích cỡ bộ phận sinh dục đã giảm xuống. Akash hiện được kê đơn hàng tháng cho tới khi đủ ổn định về tâm lý để biết những thay đổi trong cơ thể mình.

Các cuộc kiểm tra cho thấy lượng testosterone của Akash ở mức 500-600 nanogaram (ng) mỗi đềxilít (dl), trong khi testosterone của bé một tuổi chỉ thường 20 ng/dl.

"Lượng testosterone của bệnh nhi cao khác thường, bằng mức của người đàn ông 25 tuổi. Do đó, Akash đã bắt đầu trải qua những thay đổi về thể chất. Vì còn quá nhỏ nên cháu không thể hiểu chuyện gì đang diễn ra. Cậu bé cũng sẽ trải qua những ham muốn tình dục", tiến sĩ Vaishakhi Rustagi, chuyên gia nội tiết nhi của Bệnh viện chuyên khoa Max Super, nói.

Theo ông Rustagi, dậy thì sớm là chấn thương tâm lý cho một đứa trẻ ở tuổi Akash. Sức mạnh cơ bắp của bé trai phát triển tới mức ngay cả bố mẹ cháu cũng không thể kiểm soát được con mình. Nếu không được điều trị, những đứa trẻ ấy sẽ trở thành người bạo lực.

Dậy thì sớm là hội chứng cực kỳ hiếm gặp, đặc biệt ở độ tuổi nhỏ như Akash. Tiến sĩ Rustagi cho hay trong số 100.000 trẻ mới có một bé gặp hội chứng trên. Tỷ lệ tăng lên 2 trong số 100.000 trẻ ở độ tuổi từ 8 đến 10.

Năm 1939, Lina Medina, bà mẹ trẻ nhất trong lịch sử, ở Peru sinh con khi mới 5 tuổi, 7 tháng. Bố mẹ Lina tưởng con bị u khiến bụng phình to và đưa tới bệnh viện. Chỉ một tháng sau, Lina khiến cả thế giới kinh ngạc khi sinh một bé trai.

Theo Ngoisao.net

TIN LIÊN QUAN