Mỹ mong muốn các bên tránh hành động khiêu khích sau phán quyết của PCA

12/07/2016 22:32

(Baonghean.vn) - Ngày 12/7, sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố khẳng định phán quyết của PCA là "đóng góp quan trọng đối với mục đích chung của giải pháp hòa bình" cho các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.

Đường 9 đoạn phi lý của Trung Quốc, xuất hiện trên bản đồ nước này năm 1947, đã bị tòa trọng tài thường trực PCA bác bỏ. Ảnh: Washington Post
Đường 9 đoạn phi lý của Trung Quốc, xuất hiện trên bản đồ nước này năm 1947, đã bị tòa trọng tài thường trực PCA bác bỏ. Ảnh: Washington Post

Trong tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby bày tỏ "hy vọng và mong muốn" các bên sẽ tuân thủ những nghĩa vụ đối với phán quyết có tính ràng buộc pháp lý về Biển Đông nói trên.

Washington đồng thời hối thúc "tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền tránh những tuyên bố hoặc hành động khiêu khích" sau khi PCA ra phán quyết này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ còn cho biết quyết định của PCA đóng vai trò như một cơ hội mới để làm mới lại các nỗ lực giải quyết tranh chấp hàng hải một cách hòa bình. Mỹ nhấn mạnh vẫn tiếp tục nghiên cứu về phán quyết trên của PCA.

Phán quyết trên có thể dẫn tới sự bất đồng lớn hơn giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc.

Washington vẫn có tiếng nói quốc tế hàng đầu, yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng phán quyết của tòa án, và vấn đề tranh chấp trên Biển Đông đã trở thành một “phép thử” chính cho năng lực duy trì vai trò dẫn đầu của Mỹ trong an ninh hàng hải châu Á, giữa lúc quyền lực của Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Trong khi đó, Bắc Kinh từ chối tham gia vào tiến trình ra phán quyết của PCA, thay vào đó là triển khai chiến dịch tuyên truyền toàn cầu để lôi kéo các quốc gia ủng hộ mình.

Tuần trước, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp John Kerry Ngoại trưởng Vương Nghị cho rằng quá trình ra phán quyết là một “vở hài kịch”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng sẽ là “ảo tưởng” nếu nghĩ rằng nước này sẽ “cúi đầu” trước áp lực ngoại giao nhằm chấp nhận phán quyết.

Theo phán quyết của PCA được công bố trước đó cùng ngày, yêu sách của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong "đường 9 đoạn" là trái với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).

Biểu tình phản đối Trung Quốc bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Makati, Philippines ngày 12/7. Ảnh: Reuters.
Biểu tình phản đối Trung Quốc bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Makati, Philippines ngày 12/7. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc không có "tư cách lịch sử" đối với các vùng biển ở Biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về "các quyền lịch sử" đối với những nguồn tài nguyên trong "đường 9 đoạn".

Theo PCA, không một đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa tạo cho Trung Quốc quyền có vùng đặc quyền kinh tế. Trung Quốc không có quyền hạn đối với vùng đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý của bãi Vành Khăn hay bãi Cỏ Mây.

PCA cũng khẳng định thực thể Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa là "bãi đá", nên không có vùng đặc quyền kinh tế. PCA cho rằng Bắc Kinh đã làm tổn hại lâu dài và không thể bù đắp được hệ sinh thái san hô ở quần đảo Trường Sa.

Phán quyết của PCA cũng nhấn mạnh Trung Quốc đã can thiệp vào các quyền đánh bắt truyền thống của Philippines tại bãi Scarborough trên Biển Đông.

Theo PCA, những hành động của Trung Quốc đang làm trầm trọng thêm những tranh chấp với Philippines trong lúc đang các bên nỗ lực để giải quyết vấn đề.

Những gì diễn biến tiếp theo sẽ tùy thuộc vào cách thức mà Trung Quốc cũng như các quốc gia chịu ảnh hưởng khác phản ứng, bao gồm Philippines, Mỹ và cả Việt Nam.

Lan Hạ

(Theo Washington Post)

TIN LIÊN QUAN