Chức sắc phát ngôn thô lỗ: Phải sa thải, 'bệnh' này mới thuyên giảm

06/07/2016 07:03

Góp tiếng nói bàn cách chữa "bệnh" “phát ngôn thô lỗ” của người có chức sắc, nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ có sa thải hoặc buộc thôi giữ chức thì mới hết hiện tượng coi thường dư luận, phát ngôn thô lỗ như thế này.

Sáng nay, trên báo Tiền Phong, ông Trần Anh Tú, Phó Tổng GĐ Cty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội đã lên tiếng xin lỗi cá nhân phóng viên, tờ báo và độc giả. Câu chuyện phát ngôn thô lỗ này có thể coi như xong vì người dân Việt Nam rất vị tha, bao dung. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ luật pháp, quản lý xã hội, làm thế nào để giảm những phát ngôn thô lỗ các vị “có chức sắc” là chuyện nên làm, cần làm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Từ góc nhìn người nghiên cứu thực hành pháp luật luật sư Phạm Công Út (Đoàn luật sư Tp HCM) bình luận: Quả thật, càng ngày chúng ta càng đọc thấy nhiều phát ngôn trao đổi riêng tư giữa một bên là người được phỏng vấn có vị trí nhất định trong xã hội với cánh báo chí thì càng thấy nhiều phát ngôn gây sốc từ những người đứng vai trò quản lý. Những phát ngôn kiểu ấy nếu báo chí không kèm lời giới thiệu về chức vụ thì người đọc xem là kiểu ăn nói bỗ bã ngoài đường, ngoài chợ chứ không phải của những người có địa vị trong guồng máy cán bộ nhà nước hay của các chức sắc tầm cỡ của một đơn vị.

“Khi đọc lại những lời phát biểu của chính mình trên mặt báo, tôi không nghĩ rằng người phát ngôn sẽ cảm thấy xấu hổ với những ngôn từ của chính mình, có khi họ còn thấy hả hê cũng không chừng. Bởi đó là tính cách cá biệt mà họ quen xử sự mỗi ngày khi đối diện với người không phải là cấp trên của mình”- Luật sư Út chia sẻ.

Luật sư Út nói thêm, những phát ngôn kiểu này không chỉ từ các chức sắc, còn có những người khả kính có học hàm, học vị, là hiệu trưởng trường đại học, hay của các chức sắc doanh nghiệp… thậm chí “tổng biên tập” tạp chí.

“Như vậy không hẳn từ việc vận hành lý thuyết nhà nước và pháp luật mà trước hết cần phải xem lại hệ Vì với hiệu trưởng trường đại học còn có những phát biểu dưới cả mức bình dân, thô lổ như thế thì các sinh viên sau khi ra trường sẽ thành những cán bộ chức sắc đều khắp trong xã hội sẽ không thể thiếu những bản sao nhân cách từ thầy cô của mình”- Luật sư Phạm Công Út lo lắng.

Theo luật sư, trừ những người dân chân chất, khi giao tiếp để trả lời với cánh báo chí thì họ có thể bộc lộ hết sự chân chất của mình, không ai có thể trách được họ, nhưng khi một người có một vị trí nhất định đang nắm giữ việc điều hành có sự ảnh hưởng nhất định tới guồng quay xã hội thì phải thể hiện được hình ảnh không chỉ của cá nhân họ, mà còn cả bộ mặt, uy tín của cơ quan, tổ chức của họ nữa. Vì vậy, đôi khi tính cách cá nhân làm hoen ố hình ảnh tập thể là vậy.

“Do đó, những đơn vị, tổ chức có gắn liền với nhu cầu dân sinh cần có những lãnh đạo tinh thông về nghiệp vụ, chuẩn mực về đạo đức. Anh có thể phát biểu sai rồi sau đó đính chính lại, nhưng anh không thể mạt sát công chúng mà đại diện là nhà báo, người đang thực hiện việc phỏng vấn anh để giúp xóa tan những hiềm nghi từ phía công chúng đang ồn ào trên các phương tiện thông tin đại chúng”- Luật sư Út nhấn mạnh.

Theo luật sư Phạm Công Út, thực tế, việc xử lý ở ta thường mang tính cả nể do "quy trình" xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, thiếu tính mạnh mẽ quyết đoán của người có trách nhiệm cao nhất. Nhìn từ vụ Formosa, một chức sắc của họ bị mất việc ngay sau khi phát ngôn gây sốc trước cánh báo chí. Nếu là ở ta, sẽ là... nghiêm khắc rút kinh nghiệm hoặc chuyển công tác khác có vị trí tốt hơn sau khi bị dư luận phản ứng gay gắt.

“Tôi vẫn tin rằng, khi nào luật hóa được thuật ngữ buộc từ chức, cách chức, sa thải thì lúc đó những phát ngôn kiểu coi trời bằng vung, coi dư luận như củ khoai sẽ không còn tồn tại nữa”- Luật sư Út bày tỏ.

Theo Infonet

TIN LIÊN QUAN