Bí thư, Chủ tịch tỉnh 'tránh mặt' dân, xử lý trách nhiệm thế nào?
Theo nhiều luật sư, nên có cơ chế để chính quyền chịu trách nhiệm khi không tiếp dân, không giải quyết khiếu kiện.
Sau gần 1 năm triển khai việc luật sư, luật gia tham gia tư vấn pháp lý miễn phí cho công dân đến khiếu nại, tố cáo tại trụ sở tiếp dân ở Trung ương, nhiều luật sư cho rằng, khó khăn nhất hiện nay là việc chính quyền địa phương ở nhiều nơi không tôn trọng Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, nên “tránh mặt” dân khi họ đến trụ sở UBND các cấp để khiếu nại, tố cáo. Vì thế dẫn đến tình trạng người dân khiếu nại vượt cấp, kéo dài. Có những vụ việc kéo dài đến cả chục năm, thậm chí vài chục năm do chính quyền các cấp đùn đẩy, không giải quyết dứt điểm.
Chủ tịch nhiều tỉnh, thành phố không tiếp dân
Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, có những vụ việc đúng pháp luật 100% nhưng chính quyền cấp cơ sở không giải quyết, không làm đến nơi đến chốn để người dân cứ đội đơn đi kiện, ròng rã nhiều năm trời.
Luật sư Nguyễn Mạnh Hà, đoàn Luật sư TP. Hà Nội |
“Có những dự án dải thảm, nói đúng hơn là doanh nghiệp tự rải thảm rồi tự đi, có cả doanh nghiệp tự quy hoạch cho mình dự án đó, thì làm gì người dân không đồng ý. Mà chất lượng giải quyết ban đầu không cao, vướng cả về thời hiệu. Bây giờ bà con khiếu nại thì chính quyền lại nói là trước đây đã đền bù, sao bà con không khiếu nại? Bây giờ bà con khiếu nại thì hết thẩm quyền, Tòa không xử được vì hết thời hiệu. Các luật sư tham gia giải quyết khiếu kiện của dân cũng bị chính quyền kỳ thì vì cho rằng hết thẩm quyền thì giải quyết thế nào. Chúng tôi đứng về phía người dân oan thì bao giờ cũng bị chính quyền gây sức ép”- ông Nguyễn Hồng Điệp nói.
Theo Luật sư Nguyễn Mạnh Hà, đoàn Luật sư TP. Hà Nội, cần có cơ chế để giám sát chính quyền địa phương vì có những việc 10 năm nay dân khiếu nại, có công văn của Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Thanh tra Chính phủ chuyển về tỉnh yêu cầu giải quyết và đề nghị giải quyết rồi báo cáo lại nhưng 10 năm nay vẫn không giải quyết.
“Có những vụ việc chúng tôi đã tư vấn cho người dân thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh, nhưng người dân họ nói rằng 10 năm nay tỉnh không giải quyết nên họ cứ lên Trung ương. Chúng tôi đã có công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị giải quyết để tránh khiếu kiện kéo dài nhưng cũng không có bất kỳ phản hồi nào. Chúng tôi đề nghị MTTQ Việt Nam và các cơ quan liên quan tham mưu lại Đảng, Nhà nước nên có cơ chế nếu chính quyền địa phương không giải quyết những vấn đề như vậy thì họ phải chịu trách nhiệm như thế nào. Vì có rất nhiều công văn chuyển về nhưng không bao giờ được giải quyết”- Luật sư Nguyễn Mạnh Hà đề nghị.
Luật sư Nguyễn Cầm, Đoàn luật sư TP. Hải Phòng |
Luật sư Nguyễn Văn Xướng, đoàn luật sư T.P Hải Phòng cũng cho rằng, trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó có việc các cơ quan nhận đơn thư khiếu nại không có trách nhiệm đầy đủ, và không có “Tư lệnh” ngồi nghe dân trình bày đầu đuôi để ra được quyết định đúng đắn. Cho nên nhiều đơn cứ trả lời đi trả lời lại, nhưng thực chất trả lời không đúng, kể cả lĩnh vực tư pháp và hành chính.
Luật sư Nguyễn Cầm, Đoàn luật sư TP Hải Phòng đề nghị, các cơ quan cần xem xét và mở rộng việc nâng cao công tác tiếp dân tại địa phương của cán bộ tiếp dân, tránh tình trạng người dân khiếu nại vượt cấp. Nên có hướng dẫn cụ thể và giải quyết dứt điểm ở từng cấp, tránh chồng chéo. Cơ quan Nhà nước cần phải giải quyết đúng hạn, nếu từ chối phải nêu rõ lý do trên cơ sở pháp luật./.
Theo VOV