Củ sen - món ăn bổ dưỡng không thể bỏ qua

17/07/2016 19:07

Không chỉ có tác dụng thanh nhiệt, bột củ sen có công dụng giã rượu, loại bỏ chứng khát sau khi bị say rượu.

"Thần dược" thanh nhiệt của cổ nhân

Trung Y cho rằng củ sen có giá trị dinh dưỡng phong phú, là "thần dược" thanh nhiệt, có tác dụng cầm máu, kiện tỳ, dưỡng vị, bổ khí, dưỡng huyết.

Y học hiện đại cũng đã chỉ ra loại củ này chứa 70% tinh bột và nhiều loại khoáng chất thiết yếu như canxi, sắt, photpho, vitamin B, vitamin C, chất béo, protein, đường…

"Bản thảo thập dị" từng ghi chép: Bột củ sen tiêu thực, trừ tả, giải phiền muộn, giã rượu, loại bỏ chứng khát sau khi say rượu".

"Cương mục thập dị" thì viết: Bột củ sen điều trung khai vị, bổ tủy, ích huyết, có công dụng thông khí, thanh nhiệt, ăn thường xuyên sẽ thấy an thần, sinh trí, giải khát, sinh tân, tiêu thực, trừ tả.

Cuốn sách dinh dưỡng nổi tiếng của Thanh triều là "Tùy tức cư ẩm thực phổ" (thực đơn ăn uống để tĩnh dưỡng, nghĩ ngơi) còn ghi chép tỉ mỉ hơn về tác dụng của loại thực phẩm này.

Đó là củ sen sinh thực, sinh tân, ngừa khát, giải phiền, tiêu thực, khai vị, chủ trị bệnh tả, miệng khô, có lợi cho phụ nữ sau khinh sinh, cầm máu, giảm đau, ăn chín, bổ hư, sinh huyết…

Công dụng chính của củ sen

Theo quan điểm của Trung y, củ sen dùng trong mùa hè có hai công dụng chính:

Sinh tân: Củ sen vị ngọt, nhiều dịch, rất có tác dụng cho người bị khô miệng, tâm phiền, táo bón, mất ngủ, nóng tính. Người hay khát nước, khô họng, dễ cáu… nên uống nước ép từ củ sen tươi, mía, mạch môn, lê, mã thầy.

Kiện tỳ khai vị: Sở hữu mùi hương thơm mát, củ sen có tác dụng kiện tì, trị tả.

Chưa dừng lại ở đó, loại thực phẩm này còn kích thích cảm giác thèm ăn, thúc đẩy tiêu hóa, khai vị, kiện tì.

Các thầy thuốc Trung y cho rằng củ sen ngoại trừ có tác dụng thanh nhiệt thì còn giúp dưỡng âm, sinh tân, nhuận phế khỏi ho, kiện tỳ ích khí, tán ứ tiêu sưng, cầm máu giải rượu, trị nôn mửa…

Tựu chung lại, loại thực phẩm này có những tác dụng dinh dưỡng chủ yếu sau:

1.Cầm máu: Đốt của củ sen có chứa tannin, vitamin K. Trong khi đó, củ sen tươi tính hàn, có tác dụng cầm máu.

Bởi vậy, những người bị chảy máu mũi, ho ra máu, nôn ra máu, có thể dùng củ sen tươi với nước rễ cỏ tranh hoặc lá cây trắc bá nấu lấy nước uống.

2. Tiêu sưng: Nhiều nguồn tư liệu về y học cổ truyền có ghi: "Nước củ sen có thể tán ứ huyết". Vì vậy, giã củ sen lấy nước hoặc hòa với rượu đều có công dụng tiêu sưng giải độc.

3. Nhuận tràng thông tiện: Củ sen sở hữu nguồn dinh dưỡng vô cùng phong phú với protein, nhiệt lượng thấp, có thể kiềm chế cân nặng, giúp ổn định đường huyết, triglyceride và mức độ cholesterol, thúc đẩy tiêu hóa, phòng ngừa táo bón và bệnh trĩ.

Bên cạnh đó, củ sen tươi với gừng chế thành nước còn có thể chữa bệnh viêm đại tràng.

4. Bổ huyết sinh cơ: Trong củ sen có chứa các nguyên tố vi lượng như đồng, sắt, kẽm, magie, mangan, cùng với đó là hàm lượng phong phú protein, vitamin, tinh bột.

Bởi vậy, loại thực phẩm này có tác dụng bồi bổ khí huyết, tăng cường hệ miễn dịch. Đặc biệt trong các loại thực vật thân củ, củ sen có chứa hàm lượng sắt tương đối cao,đặc biệt thích hợp cho những người thiếu máu.

Bột củ sen càng có tác dụng dưỡng âm bổ huyết, thích hợp cho những người thiếu máu, dễ mệt mỏi, ăn không ngon, chán ăn.

5. Dưỡng tâm an thần: Củ sen có chứa rất nhiều vitamin B (đặc biệt là B6), có công dụng giảm bớt chứng bực dọc, khó chịu trong người, xoa dịu cơn đau đầu và giảm nhẹ áp lực, cải thiện tâm tình, làm giảm nguy cơ hạ đường huyết.

6. Chữa ho tiêu đờm: Nước củ sen có thể dùng để làm dịu cơn ho, tiêu đờm, giảm hen suyễn, viêm phế quản. Trà củ sen còn có công hiệu trị ho khư đàm.

7. Ngăn ngừa ung thư: Nghiên cứu của y học hiện đại đã khẳng định các chất phenol và vitamin C có trong củ sen tươi có thể đề cao hệ miễn dịch, trì hoãn lão hóa, ngăn ngừa ung thư.

Lưu ý: Người thể hàn, tì vị kém nên ăn củ sen lúc còn nóng

Bên cạnh đó, cần phải chú ý rằng củ sen sống tuy nhiều công hiệu, nhưng lại mang tính hàn.

Các thầy thuốc Trung y khuyến cáo, những người dễ trướng bụng, tiêu chảy, sợ lạnh, tay chân lạnh, người thể hàn hoặc tì vị kém nên ăn củ sen chín, không nên ăn quá nhiều củ sen sống để tránh tình trạng khó tiêu, gây bất lợi cho hệ tiêu hóa.

3 nguyên tắc chọn và chế biến củ sen

- Khi chọn mua củ sen nên chọn loại có vỏ ngoài màu vàng sẫm, phần thịt dày mà trắng, không nên chọn loại đã biến màu, thịt khô và có mùi lạ.

- Củ sen nếu chưa chế biến ngay để nguyên củ, bảo quản ở nơi thoáng mát.

Sau khi gọt lớp vỏ bên ngoài, củ sen thường bị thâm vì vậy phải ngâm vào nước lạnh có pha giấm khoảng 5 – 10 phút rồi tráng qua nước lạnh để giữ được màu trắng và độ giòn.

- Không dùng chảo sắt để luộc chế biến củ sen để tránh bị thâm đen. Ngoài ra, lúc xào củ sen, bạn có thể thêm chút nước để món ăn giữ được màu tươi sáng.

Mách bạn cách chế biến hai món "đặc sản" từ củ sen

1. Trà củ sen tươi

Nguyên liệu: Củ sen tươi 50g, nửa bát nước và một lượng đường vừa phải.

Chế biến: Củ sen tươi thái mỏng cho vào nồi, cho thêm nửa bát nước, lại thêm đường đun sôi, để lạnh rồi uống.

Tác dụng: Thanh nhiệt giải độc, lợi khí, bổ huyết, giúp giải trừ phiền muộn, giải khát, sáng mắt, lợi tiểu, giải rượu, cảm nắng.

2. Nước ép củ sen

Nguyên liệu: Sữa tươi 250ml, nước củ sen tươi và nước lê tươi mỗi loại 50ml, nước gừng, nước rau hẹ mỗi loại 5ml.

Chế biến: Đem nước củ sen tươi, nước lê tươi, nước gừng, nước rau hẹ trộn đều với sữa tươi, đun lửa nhỏ cho sôi lên rồi dùng.

Tác dụng: Mỗi ngày uống 1 đến 2 lần, liên tục uống 3 đến 5 ngày, có tác dụng kiện tì khai vị.

Theo Tri thức trẻ

TIN LIÊN QUAN