Nghệ An: Nhiều mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu

17/07/2016 19:08

(Baonghean.vn) - Biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng khốc liệt, đe dọa an ninh lương thực và có tác động đến sự phát triển bền vững trên diện rộng. Những năm qua, các huyện rẻo cao như Kỳ Sơn, Tương Dương đã xây dựng được nhiều mô hình cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao, có thể ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nuôi bò mông, gà đen ở Kỳ sơn

Từ lâu, đồng bào dân tộc Mông ở Kỳ Sơn đã có truyền thống chăn nuôi bò, coi như một tài sản lớn của gia đình. Điều đặc biệt là giống bò mà người Mông chăn nuôi là giống bò u to khỏe, quý hiếm. Anh Vừ Xái Chù ở bản Huồi Giảng 3, xã Tây Sơn, Kỳ Sơn cho biết: Ban đầu gia đình tôi chỉ nuôi 2-3 con bò thả rông, thấy hiệu quả nên chúng tôi đã đầu tư hệ thống chuồng trại nuôi 15 con; trong đó có 4 con bò sinh sản, còn lại nuôi thịt.

Để chủ động nguồn thức ăn chúng tôi trồng 0,5 ha cỏ voi ven núi. Ưu điểm của giống bò này là chống chọi được điều kiện khí hậu khắc nghiệt lạnh giá ở miền rẻo cao, chất lượng thịt thơm ngon nên đầu ra rất dễ tiêu thụ. Mỗi năm, thu nhập của gia đình từ nuôi bò Mông từ 250 - 300 triệu đồng.

Ông Lưu Đức Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Tây Sơn, Kỳ Sơn cho biết thêm: Những năm 2000, toàn xã chỉ có trên 200 con bò Mông. Nhận thấy giống bò Mông hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu nên xã đã khuyến khích bà con nuôi được trên 1.200 con. Bà con vừa nuôi bò sinh sản, vừa nuôi bò Mông vỗ béo. Giống bò Mông có trọng lượng to, dễ nuôi, ít bị dịch bệnh, thịt ngon. Có những con bò đực nặng hơn 4 tạ, bán với giá trên 40 triệu đồng. Xã đã khuyến khích bà con xây dựng chuồng trại, không thả rông, trồng được trên 60 ha cỏ voi. Nhiều hộ gia đình nhờ nuôi bò đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Hiện toàn huyện có khoảng trên 56.000 con bò Mông, tập trung ở các xã Huồi Tụ, Mỹ Lý, Mường Típ, Mường Ải, Mường Lống. Đến nay, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào đã trồng được 750 ha cỏ voi, chủ động được thức ăn cho bò Mông. Nhận thấy chăn nuôi bò Mông là hướng phát triển kinh tế phù hợp với đồng bào, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHKT (Sở Khoa học - Công nghệ) thực hiện Dự án khoa học “Ứng dụng tiến bộ, khoa học công nghệ phát triển giống bò vàng địa phương (bò Mông) tại xã Mường Lống”.

Kỳ Sơn còn phát triển và bảo tồn giống gà đen bản địa khá hiệu quả. Cách đây khoảng 10 năm, giống gà đen ở đây được xem như có nguy cơ tuyệt chủng, nhưng đến nay được nuôi rất phổ biến, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Vừ Vả Chống (bản Huồi Đun, xã Huồi Tụ) chia sẻ: Trước đây gia đình tôi chủ yếu nuôi gà đen theo hướng tự cung, tự cấp. Gần đây, hệ thống giao thông ở Huồi Tụ được “nhựa hóa” thuận lợi, các tư thương lên tận nơi để mua gà với giá cao nên gia đình đầu tư nuôi trên 200 con gà đen. Đầu ra khá thuận lợi, giá cao, tư thương thu mua tại chỗ giá 150.000 đồng/kg gà, mỗi năm thu nhập từ gà đen đạt từ 20 - 25 triệu đồng. Theo ông Chống, gà đen là giống đặc tính hoang dại, khỏe mạnh và phù hợp với môi trường khí hậu lạnh ở vùng cao, nên ít mắc bệnh vì vậy rất phù hợp điều kiện khí hậu nơi đây.

Mô hình nuôi gà đen ở xã Tà Cạ (Kỳ Sơn).
Mô hình nuôi gà đen ở xã Tà Cạ (Kỳ Sơn).

Hiện tại các xã nuôi gà đen nhiều là: Mường Lống, Nậm Cắn, Huồi Tụ… Gà đen đã trở thành một loại thực phẩm được tiêu thụ rộng rãi nhờ vào chất lượng thịt. Hiện, toàn xã Huồi Tụ có trên 3.000 con gà, xã đang mong được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để bà con đầu tư mua giống gà, xây dựng chuồng trại phát triển gà đen.

Trồng ngô trên đất dốc

Thời điểm này vào dọc các xã Yên Na, Yên Hòa (Tương Dương) ngô bắt đầu phủ màu xanh kéo dài từ chân đồi lên đến các đỉnh đèo. Chị Vi Kiều ở bản Xiềng Líp, xã Yên Hòa cho hay: “Năm 2012, được hỗ trợ 2 kg ngô giống, được cán bộ khuyến nông vào hướng dẫn kỹ thuật, quy trình trồng ngô trên đất dốc nên ngay từ vụ đầu tiên, tôi đã thu được 400 kg ngô, bán với giá 3.000 đồng/kg được 1,2 triệu đồng/vụ.

Đến nay, mỗi năm có thu nhập từ ngô khoảng 10 - 12 triệu đồng. Từ trồng ngô, gia đình có điều kiện để tận dụng phụ phẩm chăn nuôi trâu, bò, lợn, cải thiện cuộc sống gia đình”. Theo đại diện của lãnh đạo xã Yên Na, từ chỗ dự án chỉ là mô hình trồng hơn 3 ha, nay bà con xã Yên Na đã phát triển trồng ngô trên đất dốc gần 100 ha/năm. Đặc biệt, cây ngô là cây chịu được khí hậu nắng nóng nơi đây, vào mùa mưa cây ngô phát triển tốt, góp phần hữu hiệu chống sạt lở núi hiệu quả.

Sản phẩm ngô trồng trên đất dốc  ở xã Nga My (Tương Dương).
Sản phẩm ngô trồng trên đất dốc ở xã Nga My (Tương Dương).

Chị Nguyễn Thị Bình - Trưởng trạm Khuyến nông Tương Dương cho biết thêm: Việc chuyển đổi cơ cấu cây ngô lai, giống LVN25, SB099, P4199, B 9698... thay cho cây lúa rẫy, ứng dụng tiến bộ KHCN canh tác bền vững. Từng bước chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hoá để tăng nhanh và ổn định thu nhập cho nông dân, đặc biệt là vùng cao, vùng biên giới. Hiện nay, toàn huyện có trên 2.700 ha ngô.

Để hạn chế những rủi ro do thiên nhiên mang lại, thời gian qua tỉnh ta đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng; đưa vào sản xuất các loại giống cây trồng, vật nuôi để thích ứng với biến đổi khi hậu như: trồng chè Shan tuyết hợp với khí hậu lạnh ở 2 xã Huồi Tụ và Mường Lống đã lên tới gần 500ha, trồng mét dọc sông Lam ở Con Cuông, Tương Dương.

Một số huyện sử dụng phương thức xen canh, luân canh cây trồng để hạn chế sâu bệnh hại, hạn chế xói mòn, cải tạo đất, tận dụng không gian dinh dưỡng, ví như: Ngô xen keo, sắn xen keo, sắn xen cao su, đậu/lạc/dứa xen cao su... Sử dụng các giống vật nuôi bản địa như: gà đen, gà ri, lợn đen, bò Mông, các loại cá nước ngọt truyền thống có sức sống khỏe và dễ thích nghi, chép, trắm, chép, trôi, mè… nuôi cá ao, cá lồng trên sông…

Văn Trường

TIN LIÊN QUAN