Trung Quốc thay đổi 180 độ sau phán quyết về đường lưỡi bò
(Baonghean) - Hậu phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay về vấn đề Biển Đông, Trung Quốc tỏ thái độ sẵn sàng đối thoại song phương với Philippines và các nước liên quan để tìm ra giải pháp trung gian trong quá trình tìm kiếm giải pháp cơ bản. Để hiểu rõ hơn diễn biến mới mẻ này, Báo Nghệ An phỏng vấn PGS.TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an.
P.V: Phán quyết về vụ việc Philippines kiện Trung Quốc nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận quốc tế. Đề nghị Thiếu tướng cung cấp cho độc giả những nét cơ bản nhất trong nội dung phán quyết?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tháng 1/2013, Philippines gửi hồ sơ kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài Thường trực ở La Hay được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Ngày 12/7 vừa qua, PCA đưa ra 4 vấn đề phán quyết, trong đó trọng tâm là 2 điểm:
Đường 9 đoạn phi lý của Trung Quốc bao trọn hầu hết Biển Đông. Ảnh: Internet. |
Thứ nhất, Tòa Trọng tài Thường trực tuyên bố yêu sách chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc trong “đường 9 đoạn” đi ngược lại UNCLOS 1982, nghĩa là Trung Quốc không có chút cơ sở pháp lý nào để yêu sách quyền và lợi ích trong vùng biển này.
Thứ hai, về tư cách pháp lý của các địa vật ở quần đảo Trường Sa, UNCLOS 1982 chia các địa vật trên biển thành 3 nhóm: nửa chìm nửa nổi - không có quyền xác định vùng lãnh hải 12 hải lý cũng như vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý; đá nổi (nổi hẳn trên mặt nước, không đủ điều kiện cho con người sinh sống) - các quốc gia sở hữu chỉ được xác lập vùng lãnh hải 12 hải lý xung quanh; và đảo (vùng đất đá nổi hẳn trên mặt nước khi thủy triều lên, đầy đủ điều kiện tự nhiên cho con người tồn tại và sinh sống). 100 địa vật ở Trường Sa theo phán quyết mới đây của PCA đều là địa vật nửa chìm nửa nổi và đá, không có đảo.
Với 2 phán quyết trên, PCA đã tước toàn bộ cơ sở pháp lý của Trung Quốc, yêu sách “đường 9 đoạn” và yêu sách chủ quyền đối với các đá, kể cả các đảo nhân tạo mà nước này tự bồi đắp như Đá Chữ Thập, Gạc Ma, Subi, Vành Khăn,…
P.V: Các phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực có ý nghĩa như thế nào, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trước hết, phán quyết thể hiện tính thượng tôn pháp luật trong thế giới đương đại, nghĩa là trong tình hình hiện nay, bất kỳ nước nào dù lớn hay bé đều phải tuân thủ luật lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, phán quyết cung cấp thêm cơ sở pháp lý để Philippines, Việt Nam cũng như nhiều nước khác đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng trên Biển Đông, bác bỏ toàn bộ “cơ sở pháp lý” cũng như yêu sách phi lý của Trung Quốc.
Quan trọng không kém, phán quyết của Tòa Trọng tài giúp cộng đồng quốc tế có cái nhìn rõ hơn về bản chất yêu sách của Trung Quốc, hiểu thêm về tính chính nghĩa của Philippines, Việt Nam và các nước khác.
Dư luận quan tâm cách ứng xử của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte với Trung Quốc trong thời gian tới. Ảnh: Rappler |
Dư luận nghiêng hẳn về phía ủng hộ Philippines, Việt Nam và các nước, đồng thời phê phán, lên án các hành vi phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Từ Mỹ đến Nhật Bản, hay EU, Ấn Độ,… cộng đồng quốc tế cùng nhau lên tiếng ủng hộ phán quyết trên.
Trước tình hình đó, Trung Quốc không thể hành động hung hăng hơn khi PCA - Tổ chức trọng tài quốc tế, tòa án của Liên Hợp quốc đại diện cho công lý và lẽ phải trên thế giới, được 193 thành viên Liên Hợp quốc chấp nhận đưa ra phán quyết mang tính cưỡng bức, có tính pháp lý quốc tế, phản ánh lương tri và nguyện vọng chính đáng của nhân dân thế giới.
Trung Quốc dĩ nhiên đã bị đẩy vào thế bị động đối phó, đứng trước tình thế khó khăn hơn bao giờ hết kể từ năm 1949. Cho nên họ buộc phải tỏ ra mềm dẻo. Ít ngày trước, Ủy viên Quốc vụ viện phụ trách đối ngoại của Trung Quốc Dương Khiết Trì đưa ra thông báo gián tiếp rằng Bắc Kinh sẵn sàng đối thoại song phương với Manila và các nước khác để tìm ra giải pháp trung gian, quá độ trên quá trình giải quyết cơ bản.
Sau đó, hôm 26/7, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chính thức đề nghị Ngoại trưởng Mỹ John Kerry làm trung gian đối thoại song phương giữa Trung Quốc với Philippines, đồng thời tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng đàm phán với các bên liên quan để tìm ra giải pháp quá độ trong quá trình giải quyết tận gốc rễ vấn đề Biển Đông. Đây là tuyên bố hoàn toàn mới, “xoay 180 độ” so với thái độ hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc trước đây.
P.V: Thưa Thiếu tướng, tại sao lại có sự thay đổi như vậy từ phía Trung Quốc?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Phán quyết vừa qua từ Tòa án của Liên Hợp quốc đẩy Trung Quốc vào thế bị cả thế giới phản đối.
Không còn cách nào khác, Trung Quốc buộc phải lùi 1 bước bởi càng hung hăng, càng bộc lộ bản chất hiếu chiến thì họ càng bị cô lập. Nhiều thập niên qua Trung Quốc mới lại rơi vào tình cảnh khó khăn, bị động đến vậy, trên cả phương diện ngoại giao, an ninh, chính trị và pháp lý.
Nhưng đây chỉ là thay đổi mang tính chiến thuật để “câu giờ”, chứ không phải thay đổi mang tính cơ bản của Trung Quốc. Họ cố “câu giờ” hòa giải để thể hiện rằng mình cũng có trách nhiệm và việc tìm ra một giải pháp trung gian, quá độ được xem là phù hợp với nội dung UNCLOS 1982.
Nói cách khác, Bắc Kinh đang lựa chọn vận dụng Công ước của Liên Hợp quốc ở những điểm có lợi cho họ, còn khi bất lợi thì họ sẽ chọn cách từ bỏ.
Chính bối cảnh hiện nay khiến Trung Quốc phải thay đổi, áp lực quốc tế khiến Trung Quốc không phải muốn làm gì thì làm. Nếu như bị cộng đồng quốc tế tẩy chay, nguy cơ Trung Quốc sẽ sụp đổ. Thứ nữa, thay đổi này của Trung Quốc mang tính chiến thuật, còn bản chất không thể hiện điều gì. Để làm dịu tình hình, để thế giới nghĩ rằng Trung Quốc cũng có trách nhiệm, sẵn sàng trao đổi song phương với các nước, Trung Quốc chọn “nước cờ” này để kéo dài thời gian và giữ thể diện cho Bắc Kinh trước tình cảnh khó khăn.
P.V: Trước đề nghị này, cách ứng xử của Philippines ra sao, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tôi cho rằng Tổng thống Philippines sẽ hưởng ứng đề nghị đối thoại từ phía Trung Quốc. Nhưng dù vậy, Tổng thống Rodrigo Duterte cũng sẽ không quay lưng lại với Mỹ, và chỉ điều chỉnh quan hệ với Trung Quốc trong biên độ nhất định.
Nói cách khác, Tổng thống Philippines tuân thủ và tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài, nhưng sẽ “nhẹ nhàng” hơn với Trung Quốc. Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tăng đầu tư vào Philippines, xây dựng đường cao tốc, sân bay, bến cảng,… để xoa dịu dư luận tại Manila.
Về phần mình, tôi cho rằng Việt Nam trước hết ủng hộ thái độ mềm mỏng của Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng nhận thức rõ lợi ích quốc gia và chủ quyền chính đáng của Việt Nam trên Biển Đông là không thể thay đổi. Chúng ta vẫn cần kiên trì đấu tranh với Trung Quốc để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng trên Biển Đông. Và phán quyết của PCA có lợi cho cộng đồng quốc tế nói chung, Philippines và Việt Nam nói riêng trong cuộc đấu song và đa phương với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
P.V: Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng.
Thu Giang
TIN LIÊN QUAN |
---|