Đà Nẵng được hưởng cơ chế đặc thù về tài chính

11/07/2016 21:44

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép nâng trần huy động vốn tối đa, tăng tỷ lệ ngân sách mà Đà Nẵng được hưởng từ nguồn vượt thu... nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.

Thảo luận tại phiên họp chiều 11/7, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý nới khung đặc thù về tài chính, ngân sách cho Đà Nẵng, để thành phố này có nhiều nguồn lực hơn cho đầu tư, phát triển.

Trước đó, theo lãnh đạo thành phố, trong bối cảnh nhu cầu huy động vốn lớn và việc sử dụng nguồn vốn đầu tư lâu nay có hiệu quả, mức dư nợ từ nguồn huy động hằng năm khoảng 1.300 tỷ khiến Đà Nẵng rất khó khăn trong đảm bảo nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.

Vì vậy, theo tờ trình dự thảo Nghị định quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính cho Đà Nẵng được Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thay mặt Chính phủ trình các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 11/7, địa phương này xin “nới” hai cơ chế về tài chính, ngân sách.

Thứ nhất, Đà Nẵng đề nghị được nâng mức tổng dư nợ nguồn vốn huy động tối đa từ 30% theo quy định hiện hành lên 100% tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách thành phố, theo dự toán được HĐND thành phố quyết định hằng năm và áp dụng cho năm ngân sách 2016. Khi Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 có hiệu lực từ 1/1/2017 thì sẽ thực hiện theo quy định của Luật này, để đưa mức dư nợ vay tối đa lên khoảng 3.000 tỷ đồng.

da-nang-duoc-huong-co-che-dac-thu-ve-tai-chinh

Cơ chế đặc thù về tài chính, ngân sách cho Đà Nẵng được áp dụng từ 1/1/2017.

Với đề nghị này Đà Nẵng muốn được “vay nợ” nhiều hơn cho đầu tư phát triển, thông qua hình thức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các hình thức huy động khác.

Đề xuất “vượt khung” thứ hai là ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho thành phố tương ứng 70% số tăng thu so với dự toán đã được Thủ tướng giao từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương còn lại (sau khi thực hiện thưởng vượt thu theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước) và các khoản thu ngân sách Trung ương hưởng 100%.

Theo ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách, sau khi thẩm tra, đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết ban hành cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách đối với Đà Nẵng.

“Chính phủ cần cân nhắc thận trọng, hạn chế ban hành những quy định về cơ chế đặc thù với nhiều tỉnh, thành phố vì sẽ tạo nên sự không công bằng giữa các địa phương. Việc quy định đặc thù trong các lĩnh vực khác như quản lý đất đai cần được cân nhắc, bảo đảm phù hợp, thống nhất với các văn bản pháp luật liên quan về thẩm quyền, phân cấp quản lý”, ông Nguyễn Đức Hải bày tỏ quan điểm.

Cho ý kiến tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn việc nâng mức trần dư nợ từ 30% vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Đà Nẵng lên 100% là khá lớn.

“Đà Nẵng cần tính toán và cân nhắc đến khả năng trả nợ của địa phương. Không nên vung tay quá nhiều, nếu nợ công tăng quá cao thì Đà Nẵng sẽ gánh chịu hậu quả”, bà Ngân thẳng thắn và cho rằng mức “nới” đặc thù chỉ tăng thêm 10% là hợp lý.

Khẳng định Đà Nẵng với vị thế là trung tâm phát triển kinh tế xã hội của miền Trung, thành phố xứng đáng được hưởng cơ chế đặc thù, nhưng ông Nguyễn Văn Giàu – Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế lưu ý, nên tính toán thêm về cơ chế đặc thù để hài hoà chung giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. “Nếu nói cần vốn cho đầu tư phát triển thì Cần Thơ cũng cần, Hải Phòng cũng muốn… nên phải rất hài hoà trong cân đối”, ông Giàu lưu ý.

Trước băn khoăn của các thành viên thường trực Quốc hội, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng trấn an, theo luật Ngân sách Nhà nước 2015 (sẽ có hiệu lực từ 1/1/2017), Đà Nẵng không còn một ưu đãi nào, trong khi thành phố có lịch sử lâu dài huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn đầu tư để phát triển. “Đà Nẵng mong được nâng mức này lên cao hơn trên 30%. Thành phố tự tin rằng sẽ sử dụng hiệu quả và có khả năng trả nợ. Đà Nẵng cũng mong được phân cấp mạnh hơn để tự chủ giải quyết thủ tục trong quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp. Vì thành phố có đội ngũ và năng lực quản lý tốt, không cần tốn nhiều thủ tục ra Trung ương”, ông Thơ nói.

Bộ trưởng Tài chính - Đinh Tiến Dũng bổ sung, thực tế trên cơ sở các văn kiện của Bộ Chính trị, Chính phủ đã cho phép Đà Nẵng huy động vốn đến mức 100% (theo Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành) từ năm 2014. Ông Dũng đề nghị, nâng mức tổng dư nợ nguồn vốn huy động tối đa cho Đà Nẵng lên 40%, tăng 10% theo quy định hiện hành.

“Tỷ lệ này là vừa phải để Đà Nẵng khống chế bội chi ngân sách và đầu tư công”, thành viên Chính phủ nêu quan điểm.

Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, cơ chế đặc thù mới sẽ được áp dụng cho Đà Nẵng từ ngày 1/1/2017 theo đúng tinh thần Luật Ngân sách Nhà nước 2015. Mức huy động thống nhất là “không quá 40% số thu ngân sách mà Đà Nẵng được hưởng”, cao hơn quy định hiện hành 10%, nhưng vẫn thấp hơn mức 60% áp dụng cho Hà Nội, TP HCM.

Riêng với cơ chế tỷ lệ thưởng vượt thu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng tình “không quá 70%”. Về các cơ chế phân cấp khác, như phân cấp cho quản lý, Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tuân thủ theo đúng Luật Xây dựng, Luật Đất đai… “Nếu luật không cho phân cấp thì nhất quyết không được phân cấp”, ông Hiển nhấn mạnh.

Nghe phần kết luận của Phó chủ tịch Quốc hội, ông Huỳnh Đức Thơ đề nghị, dự thảo Nghị định nên “chốt cứng” con số thưởng vượt thu ngân sách là 70%. “Nếu ghi không quá 70%, không cố định con số thì sẽ rất vất vả cho thành phố sau này”, ông Thơ nghi ngại.

Đồng ý dự thảo Nghị định sẽ chốt phương án cho phép Đà Nẵng được hưởng cơ chế thưởng vượt thu ngân sách là 70%, nhưng Phó chủ tịch Quốc hội - Phùng Quốc Hiển lưu ý, khoản tiền này nhất định Đà Nẵng phải trình Chính phủ để cơ quan điều hành cân đối. “Có tiền mới trình được chứ không có tiền cũng chịu. Thực tế, ngay Hà Nội hay TP HCM cũng chưa bao giờ đạt được mức tối đa”, ông Hiển chốt lại.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao Uỷ ban Tài chính ngân sách hoàn chỉnh ý kiến của các thành viên Thường vụ Quốc hội, chuyển Chính phủ trước ngày 20/7/2016.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN