Bé 20 tháng tuổi suýt chết vì mẹ tự ý hái lá rừng trị bệnh
(Baonghean.vn) – BVĐK Tân Kỳ vừa tiếp nhận và cấp cứu thành công bệnh nhi Trương Quốc Cường (20 tháng tuổi), trú tại xóm Kẻ Thai, xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ bị ngộ độc lá lộc mại.
Theo thông tin từ chị Nguyễn Thị Thân (1992), mẹ cháu Cường cho biết: Ngày 30/6/2016, thấy cháu có hiện tượng bị táo bón lâu ngày không đi ngoài được, chị có hái lá lộc mại làm thuốc cho cháu Cường uống 3 thìa. Sau khi uống xong, cháu đi ngoài được (6 lần/ngày) và có hiện tượng ra nhớt, phân có bọt vàng, sức khỏe vẫn bình thường.
Tuy nhiên, ngày 1/7/2016, cháu Cường có biểu hiện nôn nhiều lần, mệt, sốt cao, không ăn uống được. Gia đình đưa cháu đi cấp cứu tại bệnh viện huyện Tân Kỳ trong tình trạng cháu đã bị hôn mê, niêm mạc nhợt nhạt (do vỡ hồng cầu nên mất máu quá nhiều), suy hô hấp, nước tiểu đỏ, trụy mạch và có nguy cơ suy thận.
Bác sỹ BVĐK Tân Kỳ khám cho bệnh nhi Trương Quốc Cường. |
Sau khi được cấp cứu cho thở ô xy, bù dịch điện giải, truyền 250 ml máu, tiêm kháng sinh chống bội nhiễm… cháu Cường đã qua cơn nguy kịch nhưng theo nhận định thì tình trạng sức khỏe của cháu vẫn đang diễn biến phức tạp và cần được theo dõi, điều trị tích cực.
Đặc biệt, ở trường hợp cháu Cường có biểu hiện chậm phát triển vận động, cơ thể suy nhược (cháu nặng có 6 kg), sức khỏe kém nên quá trình điều trị sẽ kéo dài hơn so với những trường hợp bị ngộ độc lá lộc mại trước đây đã được cấp cứu tại khoa.
Bác sĩ Phạm Xuân Dũng – Bác sỹ CK1 Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tân Kỳ khuyến cáo các bậc phụ huynh có con nhỏ (nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa) cần có sự hiểu biết và nâng cao nhận thức về vấn đề ngộ độc vì lá lộc mại. Đây là loại lá rất độc và gây tử vong nhanh nếu ăn với số lượng lớn. Người dân không nên dùng để chữa bệnh đường ruột theo kinh nghiệm dân gian (còn gọi là chữa mẹo) cho trẻ em bị táo bón lâu ngày, gây nguy hiểm cho tính mạng của các cháu.
Được biết, đây không phải là trường hợp đầu tiên bị ngộ độc lá lộc mại được cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Tân Kỳ, nhưng đây là trường hợp bệnh nhân nhỏ tuổi nhất được đội ngũ y bác sỹ ở đây cứu thành công.
Rau mọi hay còn gọi là lộc mại, lục mại, mọi trắng, bọ nẹt. Là loại cây nhỏ, phân nhiều cành nhỏ, dễ gãy. Lá đơn, đa dạng, mọc so le, hình bầu dục hoặc hình mác thuôn dài, gốc tròn đầu nhọn, hai mặt nhẵn, mép có răng cưa, có hai hạch nhỏ ở chỗ tiếp giáp với phiến lá, lá kèm nhỏ, có lông. Lá non màu hồng đỏ. Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành bông đơn tính. Cây thường mọc hoang ở khắp các vùng rừng núi, trung du và đồng bằng, mọc rải rác ở dưới chân đồi, ven nương rẫy, ven đường đi hoặc trên các nương rẫy cũ do đất cằn bỏ hoang lâu ngày. |
Phương Hảo
TIN LIÊN QUAN |
---|