Huyện Quế Phong với quyết tâm xóa đói giảm nghèo

01/07/2016 08:23

(Baonghean.vn) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quế Phong lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra mục tiêu phải huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển KT-XH, đưa Quế Phong thoát khỏi huyện nghèo, phấn đấu trở thành huyện khá của vùng núi cao. Hiện thực hóa Nghị quyết vào cuộc sống, Quế Phong đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đưa kinh tế huyện nhà phát triển hơn.

Những vườn chanh leo trĩu quả đang trở thành nguồn thu kinh tế lớn cho bà con huyện biên giới Quế Phong.
Những vườn chanh leo trĩu quả đang trở thành nguồn thu kinh tế lớn cho bà con huyện biên giới Quế Phong.

Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực được Quế Phong đặc biệt chú trọng. Đồng chí Lữ Đình Thi - Bí thư Huyện ủy Quế Phong cho biết: "Đề ra Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy xác định phải phát triển nông nghiệp toàn diện, hiệu quả và bền vững; đẩy mạnh việc gắn kết chặt chẽ "4 nhà" (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nước). Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã đề ra nhiều đề án quan trọng và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện có hiệu quả".

Ở Quế Phong, cây chanh leo vẫn thường được bà con nơi đây gọi là cây thoát nghèo. Bắt đầu trồng ở xã Tri Lễ từ năm 2010, đến nay huyện Quế Phong có hơn 150 ha trồng chanh leo và chứng minh được hiệu quả kinh tế khi cho thu nhập gấp nhiều lần so với các cây trồng khác trên cùng đơn vị diện tích.

a
Sự phối hợp giữa 4 nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nước) giúp đời sống kinh tế bà con ổn định hơn.

Ông Lô Văn Điệp - Bí thư Đảng ủy xã Tri Lễ cho biết: "Năm 2010, xã triển khai trồng thí điểm 2 ha chanh leo. Đến nay, sau hơn 5 năm, toàn xã đã có hơn 120 ha. Chanh leo đã trở thành cây chủ lực của xã, không chỉ giúp người dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống mà còn vươn lên khá, giàu. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quế Phong khóa XXI đề ra mục tiêu phải đưa diện tích trồng cây chanh leo trên địa bàn xã Tri Lễ đạt 350 ha vào năm 2020. Do đó, cấp ủy chính quyền địa phương cũng đang nỗ lực triển khai tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ mọi điều kiện cần thiết để bà con trồng chanh leo, phát triển kinh tế".

Cũng theo ông Lô Văn Điệp, hiện nay, bên cạnh chanh leo, bà con Tri Lễ cũng đã bắt đầu triển khai trồng dưa hấu và đào Mông. Mặc dù chỉ mới trồng thử nghiệm tại một số nơi với quy mô không lớn nhưng bước đầu cho thấy những tín hiệu khả quan về kinh tế.

Niềm vui được mùa chanh leo của bà con vùng cao Tri Lễ.
Niềm vui được mùa chanh leo của bà con vùng cao Tri Lễ.

Ngoài ra, Quế Phong cũng chú trọng đến việc sản xuất giống lúa japonia để nâng cao năng suất cho bà con. Trong thời gian đầu, huyện đã hỗ trợ người dân 50% giá giống, phân và thuốc bảo vệ thực vật. Đến nay, nhiều hộ gia đình ở các xã Mường Nọc, Tri Lễ, Châu Kim và Tiền Phong đã chuyển sang trồng lúa Japonica, nâng tổng diện tích giống lúa này lên 250 ha trong vụ xuân 2016, mỗi bông lúa có 180 - 190 hạt, ước tính sản lượng đạt 1500 tấn.

Ủy ban nhân dân huyện Quế Phong cũng đã phê duyệt dự án sản xuất lúa đặc sản chất lượng cao từ sản xuất đến tiêu thụ, đồng thời đưa sản phẩm này tham gia xúc tiến thương mại tại các hội chợ. Từ đó, mở ra hướng sản xuất mới, giúp người dân thay đổi nhận thức về sản xuất nông nghiệp, phù hợp với cơ chế thị trường, phát huy lợi thế để tăng nguồn thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích.

Bằng việc triển khai đồng bộ các giải pháp, thực hiện có hiệu quả các mô hình kinh tế, huyện Quế Phong được đánh giá là địa bàn có triển vọng trong phát triển kinh tế ở vùng cao.

Phương Thảo

TIN LIÊN QUAN