Chủ tịch nước: Xây dựng cơ chế trừng trị để không dám tham nhũng

26/07/2016 06:51

Chủ tịch nước: Xây dựng cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng.

Chiều 25/7, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã bầu ông Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (nhiệm kỳ 2016-2021). Sau khi đã thực hiện nghi lễ tuyên thệ và phát biểu nhậm chức Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trả lời phóng viên về những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Chr tịch nước Trần Đại Quang tuyên thệ nhận chức vụ trước Quốc hội
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tuyên thệ nhậm chức vụ trước Quốc hội

Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Trước hết, cảm ơn các nhà báo về lời chúc mừng dành cho tôi. Qua đây, tôi trân trọng cảm ơn đồng bào, cử tri đã bầu tôi làm đại biểu Quốc hội; cảm ơn Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đã tín nhiệm bầu tôi tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Phóng viên: Thưa Chủ tịch nước! Xin chúc mừng Chủ tịch vừa được Quốc hội tiếp tục tín nhiệm bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021. Xin Chủ tịch cho biết những nét khái quát về tình hình và những nhiệm vụ trọng tâm mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cần thực hiện trong thời gian tới.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Diễn biến tình hình trong thời gian qua đã khẳng định những nhận định của Đảng ta trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng là hoàn toàn đúng đắn. Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, hiện nay, tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định, bất trắc, khó lường.

Chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, tranh chấp tài nguyên, chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động can thiệp, lật đổ, ly khai, khủng bố quốc tế tiếp tục gia tăng với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Các thế lực thù địch, phản động ráo riết đẩy mạnh các hoạt động “diễn biến hoà bình”, bạo loạn, lật đổ với nhiều âm mưu, thủ đoạn mới hết sức thâm độc và xảo quyệt hòng xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Ở trong nước, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức; tốc độ tăng GDP sáu tháng đầu năm thấp hơn cùng kỳ năm trước; các hiện tượng xâm nhập mặn, hạn hán, ô nhiễm môi trường diễn ra ở nhiều nơi, ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp... và đời sống nhân dân.

Trong bối cảnh trên, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta chung sức, đồng lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng với 06 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần; tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tiếp tục cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, huy động có hiệu quả các nguồn lực, kiên trì phấn đấu đạt các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đã được Đại hội lần thứ XII của Đảng và Quốc hội đề ra.

Chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn và các đối tượng chính sách. Tập trung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, lợi ích và an ninh quốc gia; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Phóng viên: Thưa Chủ tịch nước! Thời gian qua, các nguy cơ an ninh phi truyền thống, nhất là chiến tranh mạng, làn sóng di cư, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu tiếp tục gia tăng. Xin Chủ tịch nước cho biết những việc cần làm để đối phó có hiệu quả với các nguy cơ trên?

Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Các nguy cơ an ninh phi truyền thống có mối liên hệ chặt chẽ với các nguy cơ an ninh truyền thống, đe dọa trực tiếp lợi ích, an ninh quốc gia.

Do vậy, việc “sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin và an ninh mạng”, như Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng đã chỉ rõ, phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, chủ động sử dụng đồng bộ các biện pháp chính trị, ngoại giao, kinh tế, khoa học - công nghệ...

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân về trách nhiệm phòng ngừa, đấu tranh với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và có sự phân công, phân cấp rành mạch về an ninh, an toàn thông tin và an ninh mạng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, bảo vệ môi trường, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu...

Tập trung xây dựng và triển khai có hiệu quả các chiến lược, đề án, dự án ứng phó với các nguy cơ an ninh phi truyền thống, nhất là ở các địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh, các địa bàn thường xảy ra thiên tai, bão lụt, hạn hán, xâm nhập mặn...

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xây dựng các lực lượng chuyên trách; đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế nhằm trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về việc đối phó với các nguy cơ an ninh phi truyền thống.

Phóng viên: Thưa Chủ tịch nước! Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở nước ta đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng và đang là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta. Trên cương vị Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, xin Chủ tịch nước cho biết ý kiến về vấn đề này?

Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, rất khó khăn, phức tạp. Để đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả, thì việc phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng, lãng phí có ý nghĩa quyết định; cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo phải nêu gương về đạo đức, lối sống và kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, tạo sự phối hợp chặt chẽ, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trong đó các cơ quan chức năng đóng vai trò tham mưu, nòng cốt.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tạo sự thống nhất, tự giác, quyết tâm cao trong hành động.

Dấy lên trong toàn xã hội thái độ lên án nghiêm khắc đối với hành vi tham nhũng, lãng phí, đề cao ý thức thượng tôn pháp luật, tinh thần trọng danh dự của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức. Chú trọng xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, khắc phục những sơ hở, thiếu sót về quản lý kinh tế - xã hội, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí. Xây dựng cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng.

Tiếp tục cải cách tư pháp, cải cách hành chính, hoàn thiện tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp, xây dựng các cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, đạo đức cách mạng và năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức các ngành tư pháp, nhất là đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán trực tiếp làm công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, lãng phí, bảo đảm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Phóng viên: Thưa Chủ tịch nước! Trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, nhiệm vụ đấu tranh giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội đặt ra rất nặng nề. Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, xin Chủ tịch nước cho biết những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới?

Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Điều 89 Hiến pháp năm 2013 đã quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng, trước hết, cần xác định rõ nguyên tắc hoạt động của Hội đồng Quốc phòng và An ninh phải tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; chấp hành nghiêm túc các nghị quyết của Quốc hội về quốc phòng, an ninh.

Phối hợp chặt chẽ với Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện đầy đủ và có hiệu quả nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Tiếp tục thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, tích cực góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh.

Quan tâm củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, khả năng sẵn sàng chiến đấu, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước.

Phóng viên: Thưa Chủ tịch nước! Trên cương vị là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại, xin Chủ tịch nước cho biết những hoạt động chủ yếu của Chủ tịch nước trong lĩnh vực đối ngoại trong thời gian tới?

Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Bảo vệ lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi; chủ động hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta.

Trong thời gian tới, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước sẽ tích cực triển khai chương trình công tác đối ngoại, góp phần thực hiện có hiệu quả đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi.

Đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa nước ta với các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn; củng cố và tăng cường quan hệ với các nước bạn bè truyền thống và mở ra quan hệ với các đối tác tiềm năng; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế và nguồn lực từ bên ngoài.

Phối hợp chặt chẽ hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân; giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa; giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh nhằm nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước!./.

Theo VOV.VN

TIN LIÊN QUAN