Đa dạng hóa tuyên truyền về tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt - Lào

04/08/2016 10:02

(Baonghean.vn) – Đó là một trong những nội dung được nêu tại Hội nghị tuyên truyền về kết quả công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào, tổ chức vào sáng 4/8 tại TP. Vinh.

Hội nghị do Ủy Ban Biên giới quốc gia phối hợp với Ban Chỉ đạo cắm mốc biên giới Việt Nam – Lào các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh tổ chức.

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Ủy ban Biên giới quốc gia. Về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Huỳnh Thanh Điền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh.

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Tuyến biên giới Việt Nam – Lào có chiều dài hơn 2.300 km, chạy qua 10 tỉnh của Việt Nam; trong đó, Nghệ An có 6 huyện biên giới tiếp giáp với 3 tỉnh của nước bạn Lào.

Thời gian qua, Việt Nam và Lào đã cùng nhau đàm phán và thống nhất giải quyết xong vấn đề biên giới giữa hai nước, thống nhất hoạch định đường biên giới trên văn bản và bản đồ, phân rạch rõ ràng toàn bộ đường biên giới ở trên thực địa, đánh dấu vị trí đường biên giới bằng hệ thống mốc giới gồm 834 cột mốc và 168 cọc dấu biên giới. Trong đó, hệ thống mốc biên giới trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 116 mốc, trong đó có 3 mốc đại và các mốc khác.

Việc tuần tra chung, bảo vệ cột mốc biên giới được lực lượng biên phòng 2 bên phối hợp thực hiện thường xuyên, đảm bảo an ninh biên giới, tạo điều kiện cho nhân dân 2 bên ổn định kinh tế - xã hội. Trong ảnh, Đồn BP cửa khẩu Thanh Thủy, BĐBP Nghệ An phối hợp đồn CA Nậm On (Lào) tuần tra bảo vệ an ninh 2 bên biên giới Việt - Lào (3/2013). Ảnh: Lê Thạch
Đồn BP cửa khẩu Thanh Thủy, BĐBP Nghệ An phối hợp đồn CA Nậm On (Lào) tuần tra bảo vệ an ninh 2 bên biên giới Việt - Lào (3/2013). Ảnh: Lê Thạch.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh đã thông báo tổng quan tình hình tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới trên địa bàn. Bên cạnh những thuận lợi, kết quả đạt được, các đại biểu cũng chỉ ra một số khó khăn như: khu vực biên giới có địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, việc vận chuyển cột mốc, vật tư lên đường biên giới gặp nhiều trở ngại; dọc tuyến biên giới còn nhiều bom mìn, vật liệu nổ do chiến tranh để lại; các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch...

Hội nghị cũng triển khai thực hiện các văn kiện pháp lý về quản lý biên giới quốc gia Việt Nam – Lào. Để công tác quản lý biên giới Việt Nam – Lào thực hiện tốt hơn trong tình hình mới, Ủy ban Biên giới quốc gia đề nghị các địa phương cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về biên giới lãnh thổ quốc gia.

Đồng thời, đa dạng hình thức và nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, chiến sỹ và nhân dân về công tác biên giới nói chung và quan hệ biên giới Việt Nam – Lào nói riêng; thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về biên giới lãnh thổ ở địa phương.

Phương Chi

TIN LIÊN QUAN