Trung Quốc lại đưa tin về nhà máy điện hạt nhân nổi ở Biển Đông

15/07/2016 18:03

Trung Quốc có thể xây nhà máy điện hạt nhân trên Biển Đông để cung cấp nước ngọt cho các cấu trúc mà nước này chiếm của Việt Nam.

Mô hình hoạt động của nhà máy điện hạt nhân di động của Trung Quốc dự tính xây dựng ở Biển Đông. Ảnh: Global Times.

Mô hình hoạt động của nhà máy điện hạt nhân di động của Trung Quốc dự tính xây dựng ở Biển Đông. Ảnh: Global Times.

Tờ Global Times, ấn phẩm phụ của People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm nay dẫn bản tin của Tổng Công ty hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC) cho biết Bắc Kinh dự tính xây nhà máy điện hạt nhân di động trên Biển Đông.

Giới quan sát cho rằng đây là động thái phản ứng với việc Tòa Trọng tài ở La Hay , Hà Lan, hôm 12/7 ra phán quyết bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc.

CNNC cho biết các nhà máy điện hạt nhân di động sẽ "hỗ trợ kiểm soát hiệu quả" với các cấu trúc Bắc Kinh chiếm của Việt Nam ở Trường Sa. Nhà máy di động sẽ cung cấp năng lượng để sản xuất nước ngọt cho binh lính Trung Quốc tại các cấu trúc ở Trường Sa và cả các giàn khoan trên biển.

Bản tin của CNNC được đăng trên mạng xã hội WeChat nhưng bị xóa sau đó. Nhân viên của CNNC nói với AFP rằng cần thời gian để kiểm chứng độ chính xác thông tin.

Hồi tháng 4, tờ Global Times cũng đăng tin về kế hoạch xây dựng nhà máy này. Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc (CSIC) là đơn vị chịu trách nhiệm thiết kế và xây dựng.

"Trong quá khứ, nước được chuyển tới Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam) bằng các tàu tiếp tế, không đáp ứng đủ nhu cầu. Trung Quốc sẽ đẩy mạnh thương mại trên Biển Đông khi có điện từ các nhà máy hạt nhân", Global Times viết và thêm rằng Trung Quốc dự tính xây khoảng 20 nhà máy điện hạt nhân di động, đặt quanh khu vực Hoàng Sa và Trường Sa, tổng vốn đầu tư 40 tỷ Nhân dân tệ (gần 6 tỷ USD).

Trung Quốc vài năm gần đây đẩy nhanh tốc độ bồi lấp đảo nhân tạo, xây đường băng, trạm radar, hải đăng tại Trường Sa, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Tòa Trọng tài khẳng định các cấu trúc này không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng 200 hải lý như yêu sách của Trung Quốc. Hành động bồi lấp của Trung Quốc cũng bị tòa tuyên bố gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN